Non nước Việt Nam

Giày vải - Tín vật tình yêu của người Tày Bảo Lạc

Cập nhật: 13/07/2020 10:32:57
Số lần đọc: 923
  Chợ tình “phong lưu” Bảo Lạc mỗi năm họp 2 lần vào ngày 30/3 và 15/8 (âm lịch). Người dân đến chợ không chỉ mua bán mà còn gửi gắm niềm thương, nỗi nhớ, uống cùng nhau chén rượu nồng và trao nhau những khúc hát ân tình say đắm. Trong đó, những chàng trai, cô gái người Tày có phong tục trao tín vật tình yêu là đôi giày vải - thay lời ước hẹn với nhau.

 


Hát giao duyên tại chợ tình “phong lưu” Bảo Lạc. Ảnh: Phương Anh.

Phiên chợ đầu tổ chức vào ngày 30/3 âm lịch. Điểm nổi bật nhất của chợ tình “phong lưu” là một không gian và bối cảnh văn hóa cho tình cảm bạn bè, cho tình yêu đôi lứa tìm hiểu, vun đắp tình cảm ngày càng mặn nồng. Hòa trong niềm vui với các trò chơi như: ném còn, đẩy gậy, kéo co…, các cô gái, chàng trai khi đã xác định được người mình yêu thích và phần nào cảm nhận được ý tình sẽ trực tiếp đến gặp, trao đổi tâm tình.

Qua câu hát giao duyên, những lời tâm tình đã có những ánh mắt đắm đuối chan chứa tình cảm. Lúc này chàng trai, cô gái thường đến những không gian riêng tư hơn để tâm tình và hẹn nhau gặp lại trong chợ tình ngày 15/8 trao lời ước hẹn.

Tại chợ tình ngày 15/8, những cô gái Tày sẽ mang theo đôi giày vải đã chuẩn bị từ trước trao cho chàng trai. Đây là đôi giày vải được dệt bằng tình yêu, niềm thương, nỗi nhớ nên khi trao cho chàng trai trong ngày gặp lại chính là tín vật tình yêu để tạo ra mối dây tình cảm và cũng là cái cớ để trai gái đến với nhau, tự biểu lộ tình yêu của người con gái với người con trai và cũng là một lời khẳng định tình cảm nghiêm túc mong muốn được cập bến tình yêu.

Đôi giày vải - tín vật tình yêu của người con gái Tày được chế tác công phu và hàm ẩn những ý nghĩa sâu sắc, tế nhị. Đây là các đôi giày vải truyền thống của người Tày được làm thủ công. Đế giày cắt từ mo tre; lọc bột nấu thành hồ, lấy vải dán lên tấm gỗ để tán đều hồ lên tấm vải; khâu thân giày với đế giày bằng sợi chỉ…

Khi người con trai cầm lấy đôi giày vải cô gái trao tặng, qua bạn bè sẽ tìm gặp lại được người con gái một cách kín đáo để tiếp tục tìm hiểu, vun đắp tình cảm. Sau đó, nếu tình cảm đôi trai gái vẫn tiếp tục phát triển tốt đẹp, lúc này bố mẹ người con trai cũng tìm hiểu để biết về người thương của con mình, nếu ưng ý sẽ định ngày trực tiếp hoặc nhờ người đem gà, rượu đến nhà bạn gái, xin ghi ngày, tháng, năm sinh đem về, xem xét thấy đôi trai gái “hợp tuổi”, “hợp mệnh” thì đồng ý cho con kết hôn theo phong tục địa phương.

Bởi vậy, trong đời sống người Tày ở Bảo Lạc, đôi giày vải từng là “sợi tơ hồng” gắn kết lứa đôi. Người ta quen nhau nhờ đôi giày vải, yêu nhau bởi đôi giày vải và nên duyên vợ chồng cũng do được đôi giày vải dẫn lối.

Đó là câu chuyện về đôi giày vải - tín vật tình yêu của người Tày ở Bảo Lạc từ trước. Nay đôi giày vải ở chợ tình phong lưu vẫn còn nhưng chỉ còn được biểu diễn trích đoạn giao duyên trên sân khấu hoặc được đề cập đến khi các nhà nghiên cứu, người tâm huyết về văn hóa dân tộc truyền thống đến tìm hiểu./.

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT