Tục cúng họ của người Mông
Chúng tôi tìm về bản Nậm Khiên (xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn) khi dòng họ Lầu đang bước vào những ngày cúng họ. Ông Lầu Vả Tu - Trưởng dòng họ cho biết: “Lễ cúng dòng họ của người Mông thường diễn ra trong vòng ba ngày. Dòng họ Lầu tổ chức cúng họ từ ngày 25 đến ngày 27 tháng Giêng, muộn nhất cũng phải xong trước ngày 29, không để bước sang tháng 2. Một số dòng họ khác như họ Thò, họ Và thì chọn cúng vào những ngày cuối tháng 7 và tháng 9 âm lịch”. Tính chất cộng đồng của người Mông thể hiện trong việc họp dòng họ để thống nhất cách thức tiến hành. Mỗi dòng họ đều cử ra một ban tổ chức lễ cúng, có nhiệm vụ điều khiển, chịu trách nhiệm về lễ cúng cho đến lúc hoàn thành. Theo đó, các hộ gia đình sẽ góp tiền, gạo và rượu đưa đến nhà trưởng họ để cúng tổ tiên mình.
Theo phong tục người Mông, thầy cúng phải đủ 4 người. Họ đều là những người thấu hiểu tiếng nói của vong hồn người đã khuất, thấu hiểu tiếng nói của thần linh. Già làng Lầu Xái Phia cho biết: “Bốn thầy cúng này mỗi người làm một nhiệm vụ khác nhau. Ba thầy sẽ cúng trong 2 ngày đầu để tập hợp vong hồn người đã khuất của các hộ gia đình về nhà trưởng họ. Các vong hồn này qua thầy cúng sẽ nói lên những điều xấu, những điều không may mắn của năm cũ. Mỗi thầy như vậy cúng cho một số hộ gia đình nhất định. Ngày cuối cùng sẽ cúng để tiễn đưa những điều xấu, không may ấy đi chỗ khác, cầu một cuộc sống an lành hạnh phúc và may mắn”.
Đến ngày thứ 3, sau khi thầy cuối cùng cúng xong sẽ tổ chức lễ cúng trước sân dòng họ. Tại đây, thầy cúng tập trung con em trong họ và tiến hành nghi thức buộc một con gà trống to nhất vào 3 cây cỏ lau. Mọi người đều hướng về phía mặt trời lặn. Thầy cúng vừa đi vừa cúng theo chiều kim đồng hồ 3 vòng và sau đó quay ngược lại 3 vòng. Người Mông quan niệm, những điều xấu và không may mắn phải được đưa đi về phía mặt trời lặn, tuyệt đối không được hướng về phía mặt trời mọc nhằm thể hiện sự tôn kính đối với đấng sinh thành và thần linh núi rừng.
Loài vật được người Mông chọn để cúng là dê. Do đó, dù thiếu thốn đến đâu dòng họ nào cũng phải chuẩn bị được một con dê to nhất để cúng. Thịt dê sau khi cúng và làm thịt xong không được ăn ở nhà mà phải đem vào rừng. Tại nhà, thầy cúng sẽ thực hiện các nghi thức để con dê mang những điều xấu, không may mắn của dòng họ đi theo. Trên mình dê được gắn các tờ giấy đủ màu sắc do người Mông tự tay làm ra mang hình người hay hình các con vật tượng trưng cho điều xấu của các hộ gia đình. Sau khi thầy cúng thực hiện xong mới đem ra làm thịt để đưa vào rừng.
Vào rừng là nghi thức cuối cùng của lễ cúng họ. Người Mông thường chọn các khu rừng có vị trí rộng, đủ cho con em trong họ có thể ngồi ăn uống thoải mái. Cả dòng họ hướng về khu rừng có mặt trời lặn để đi. Khi đi họ mang theo thịt dê, 1 con chó nhỏ và 1 con gà trống để thực hiện công việc tống tiễn điều xấu, cầu mong điều tốt đẹp. Khi đi qua con suối, các chàng trai trong họ đã làm sẵn một chiếc cống nhỏ, tại đây, thầy cúng tiến hành cúng và giết thịt con chó, lấy đầu chôn xuống bên cạnh cống. Việc làm này nhằm thể hiện ý nghĩa: chú chó này sẽ canh giữ con đường không cho điều xấu quay trở lại làm hại dòng họ mình.
Sau khi ăn hết thịt dê ở trong rừng, cả dòng họ quay trở về nhà trưởng họ tiếp tục liên hoan. Mọi người chúc nhau một năm may mắn, an lành, hạnh phúc./.