Ðộc đáo sàn Hạn Khuống văn hóa truyền thống dân tộc Thái
Lễ Hạn Khuống được phục dựng tại bản văn hóa Him Lam 2, TP. Ðiện Biên Phủ.
Sàn Hạn Khuống được dựng cao từ 1,2m - 1,5m xung quanh có lan can được trang trí hoa văn mang bản sắc dân tộc. Giữa sàn có cây nêu bằng tre to, dài phần ngọn còn nguyên lá và được trang trí các con giống đủ màu sắc gọi là “Lắc xáy chính”. Bốn góc sàn Hạn Khuống có 4 cây nhỏ trang trí đẹp mắt là “Lắc xáy”. 4 góc sàn đều có cầu thang lên xuống, gọi là sàn hoa Hạn Khuống. Chủ thể Hạn Khuống chọn những thiếu nữ Thái xinh đẹp của bản, có tài hát đối ứng “Xao tỏn khuống”. Bốn cô gái ngồi ở bốn góc gọi là “Xao lắc xáy”. Khi bếp lửa trên sàn bắt đầu nhóm lên, ngọn lửa cháy rực sáng cả một góc bản cũng là lúc các cô chủ Hạn Khuống rút thang lên, quay guồng xa của mình kéo sợi giăng ngang lối lên, xuống sàn Hạn Khuống. Lúc này, cuộc thi tài bắt đầu. Các chàng trai muốn lên sàn hoa thì phải thắng trong cuộc hát đối với các cô chủ sàn Hạn Khuống. Lời các bài hát đối thường lấy trong truyện thơ Thái “Xống chụ xon xao”, “Tản chụ xiết xương”. Khi đã vào cuộc, ngoài khắp đối là lời ứng tác giữa các chàng trai và các cô chủ Hạn Khuống. Lời ứng tác tinh tế, sắc sảo thể hiện sự thông minh, tài ba của những chàng trai, cô gái Thái. Khi đã cảm phục tài ứng tác của các chàng trai trong hát đối, các cô gái thả thang xuống chạm đất đưa tay mời các chàng trai lên sàn. Bên gái tiếp tục thử tài, lòng kiên trì, đối đáp của bên trai là không cho ghế, bên trai lại khắp xin ghế ngồi. Cứ thế, sau một loạt các bài khắp, các chàng trai vượt qua thử thách và được các cô gái đồng ý cho dự cuộc vui đến thâu đêm. Chàng trai và cô gái nào để ý nhau, có tình cảm với nhau thì tự đến tỏ tình bằng những lời khắp đối ân tình, sâu lắng. Ðêm càng về khuya, Hạn Khuống càng say nồng bởi những lời khắp đối, vai kề vai bên bếp lửa, làm cho đôi má tuổi mười tám đôi mươi các cô chủ Hạn Khuống rực hồng thêm xinh.
Ðể bảo tồn nét đẹp văn hóa trong lễ Hạn Khuống đang có nguy cơ mai một, những năm qua, TP. Ðiện Biên Phủ đã phối hợp với UBND các xã, phường xây dựng đội văn nghệ bản. Ðồng thời hỗ trợ khôi phục, dàn dựng các điệu múa truyền thống dân tộc Thái; bảo tồn và phát huy một số loại hình dân ca, dân vũ và nhạc cụ dân tộc; tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao lồng ghép các trò chơi dân gian, thể thao dân tộc chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn… Vì vậy, hầu hết đội văn nghệ các bản hoạt động thường xuyên, tự chủ được chương trình biểu diễn. Tiêu biểu là Ðội văn nghệ bản Him Lam 2 (phường Him Lam) đã thành lập được gần 10 năm, không chỉ phục vụ các hoạt động văn hóa, lễ tết của bản mà còn làm dịch vụ giao lưu văn nghệ, đáp ứng nhu cầu du khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó có Hạn Khuống. Các thành viên trong đội đã tự góp tiền thuê biên đạo múa của Ðoàn Nghệ thuật tỉnh và mời những người cao tuổi tham gia góp ý dàn dựng các tiết mục truyền thống. Tại bản Noong Chứn (phường Nam Thanh), gia đình ông Lò Văn Phong (chủ nhà hàng ẩm thực dân tộc Văn Phong) còn thiết kế sân khấu mang đặc trưng dân tộc Thái và nhờ nghệ nhân dàn dựng lại Lễ hội Hạn Khuống, diễn xướng “Xống chụ xon xao” - bản trường ca trữ tình của người Thái đen. Những người trực tiếp tham gia biểu diễn, phục dựng là người dân, thành viên đội văn nghệ bản.
Việc phục dựng các sinh hoạt văn hóa đã mai một nói chung, Hạn Khuống nói riêng đã góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống, để thế hệ trẻ dân tộc Thái hiểu về cội nguồn, văn hóa dân tộc./.