Non nước Việt Nam

Giữ nghề nón lá Sai Nga

Cập nhật: 13/07/2021 16:25:51
Số lần đọc: 1000
Vài năm trở lại đây, các đoàn công tác thăm quần đảo Trường Sa thường gặp hình ảnh những người phụ nữ từ những hộ dân trên các đảo: Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn với vành nón lá nghiêng nghiêng, duyên dáng trên tay vẫy chào từ cầu cảng. Thật bất ngờ khi biết rằng đó là những chiếc nón lá Sai Nga của huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) gửi tặng. Không chỉ bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, những người dân miền trung du còn gửi gắm yêu thương tới những vùng miền xa xôi của Tổ quốc qua hình ảnh nón lá mộc mạc, nên thơ.

 


Một cơ sở hộ gia đình làm nón tại Sai Nga.

Vất vả bám nghề

Các bậc cao niên ở làng nghề Sai Nga cho biết, nghề nón nơi đây xuất hiện từ khoảng những năm 1950, từ nhóm người dân làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội) tản cư lên miền trung du. Cuộc sống mưu sinh ở miền đất mới đầy khó khăn, cực nhọc, nhưng các hộ dân vẫn bám trụ với nghề, truyền kinh nghiệm cho con cháu. Cùng với Sai Nga, nghề nón được phát triển rộng khắp tới các làng: Sơn Nga, Thanh Nga, Tùng Khê của huyện Cẩm Khê... Vừa đan nón, người dân làng nghề vừa ngâm nga những câu thơ quen thuộc: “Anh về quê mẹ Sai Nga/ Quê hương sao lạ, lại là quen thêm/ Em ngồi may nón bên thềm/ Câu xoan hát ghẹo cho mềm cái kim”. Ở miền đất này, những em học sinh nữ bậc tiểu học đã có thể đan nón thuần thục và các cô gái Sai Nga đi lấy chồng cũng mang theo nghề đan nón. Trước đây, xã Sai Nga có tới hơn 90% hộ dân làm nghề nón. Hiện tại, do sự phát triển của các khu công nghiệp, số hộ làm nghề giảm, nhưng chưa đến mức thưa vắng. Sai Nga vẫn có hợp tác xã nón lá với gần 30 hộ thành viên. Các hộ gia đình vừa làm nghề, vừa chia sẻ, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, nguyên liệu đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Hằng năm, hợp tác xã tổ chức nhiều đợt tập huấn về kỹ thuật, thị trường.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Giám đốc Hợp tác xã nón lá Sai Nga cho biết, năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề nón Sai Nga là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đây là niềm tự hào của người dân, đồng thời mở ra nhiều hướng phát triển mới cho làng nghề. Gần 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Thảo, ở khu Văn Phú 3 vẫn miệt mài đan nón. Dịch Covid-19, khó khăn về thị trường, không khiến bà nản lòng. Nghề thủ công này đã gắn bó với bà từ thời thơ ấu, tới giờ là hơn 50 năm. Trong gia đình, các cháu của bà Thảo đã biết đan nón từ lúc còn rất nhỏ, vừa học tập vừa tranh thủ khi rảnh rỗi phụ giúp gia đình. Bà Thảo chia sẻ, nếu công việc đều đặn, mỗi tháng người làm nghề thu nhập khoảng 4 đến 5 triệu đồng, đủ trang trải chi tiêu sinh hoạt hằng ngày.

Một chiếc nón hoàn thiện cần trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Nguyên liệu làm nón gồm: Lá, khuôn, vành, mo tre, hoặc mo vầu, sợi cước, sợi len và công cụ để là phẳng lá. Ðủ nguyên liệu, bà con mới bắt tay vào từng công đoạn. Lá làm nón được thu mua từ nhiều vùng miền, bán theo chợ phiên của làng. Mất khoảng ba giờ đồng hồ mới hoàn thành một chiếc nón, chưa kể, muốn thành phẩm đẹp hơn, cần xử lý qua diêm sinh và giữa hai lớp lá mỏng, có thể cài hoa lá trang trí. Chiếc nón đẹp phải tròn vành, cân đối, mầu trắng sáng, đường khâu mượt mà, khoảng cách đều tăm tắp.

Người dân Sai Nga chủ yếu làm hai loại: Nón kỹ và nón thưa. Nón kỹ là loại nón tuyển chọn các nguyên liệu kỹ càng, bên trong được lót ni-lông, cài hoa hoặc hình ảnh đẹp của quê hương, đất nước. Khi làm xong, nón được quang dầu bóng, cài quai, chóp nón khâu kỹ lưỡng. Loại nón này có giá từ 55.000 đến 100.000 đồng một chiếc. Nón thưa là loại ít công đoạn hơn, mỏng và đơn giản, được bán cho tiểu thương từ 20.000 đến 50.000 đồng một chiếc, chủ yếu tiêu thụ ở mảng du lịch và xuất khẩu. Bình quân mỗi năm, làng Sai Nga sản xuất ước đạt hơn 600.000 chiếc nón, doanh thu hàng chục tỷ đồng. Hầu hết sản phẩm làm ra đều đạt yêu cầu chất lượng, được thương lái thu mua tận nơi. Dù vậy, từ xưa tới tận bây giờ, người dân Sai Nga vẫn giữ truyền thống đem nón đến chợ phiên để bán như một nét văn hóa đặc sắc. Chợ Sai Nga chủ yếu mua bán nón và các vật liệu làm nón như: Lá, cước, len, vành, hoa nón... Ngoài lượng nón xuất khẩu, nón lá Sai Nga xuất hiện rộng rãi ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên… đặc biệt bán nhiều ở các hội chợ thương mại, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng… Nhờ bền bỉ giữ nghề, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ gia đình sắm sửa đủ tiện nghi, vật dụng có giá trị, xây dựng nhà cửa khang trang.


Người dân xem sản phẩm nón lá Sai Nga tại Hội chợ quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP tỉnh Phú Thọ năm 2020. Ảnh: Nguyễn Liên

Tiếp cận công nghệ hiện đại

Nghề làm nón Sai Nga được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa là niềm tự hào vừa khẳng định vị thế từ chỗ là nghề phụ trở thành điểm nhấn chính, hứa hẹn nhiều khởi sắc, đổi thay. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cẩm Khê Bùi Xuân Vĩnh chia sẻ, trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ phối hợp các ngành chức năng triển khai việc đưa máy móc hiện đại để giảm công lao động cho người dân làm nghề. Ngoài ra, khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, huyện cũng sẽ tổ chức cho đại diện làng nghề là thợ sản xuất lâu năm có tay nghề giỏi, uy tín trong làng, lãnh đạo làng nghề đi tham quan, học tập. Bên cạnh đó, huyện Cẩm Khê sẽ tập trung phát triển đưa thương hiệu nón lá Sai Nga không chỉ ở trong tỉnh mà ra toàn quốc, quốc tế.

Hiện các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện, xã đang quan tâm đầu tư xây dựng nhà trưng bày và giới thiệu, quảng bá sản phẩm gắn với du lịch làng nghề, hành trình di sản Hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trước nhiều thử thách về vấn đề bảo tồn và phát triển, địa phương đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng làng nghề nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu du lịch làng nghề. Với lợi thế đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua địa phận Cẩm Khê, địa phương đã có kế hoạch xây dựng trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm; khu sản xuất tập trung, đủ điều kiện thành điểm tham quan cho du khách. Công tác đào tạo nghề; cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi; tổ chức các cuộc thi tay nghề, phong tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi; đầu tư xây dựng phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm… là những mục tiêu chính của địa phương trong thời gian tới.

Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nghề nón Sai Nga gặp nhiều khó khăn từ nguyên liệu đầu vào đến bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực không ngừng, bà con đã tiếp cận mạng xã hội, áp dụng hình thức giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến... Công nghệ thông tin đã phủ sóng khắp Sai Nga, nhiều người cao tuổi sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, tự chụp ảnh, livestream quảng bá, bán hàng trực tuyến. Ðặc biệt, trong vài năm trở lại đây, xã Sai Nga thường xuyên đóng góp tích cực cho các hoạt động mang ý nghĩa xã hội lớn.

Vành nón mộc mạc chứa đựng nghĩa tình của miền trung du đã mang đến cho cầu cảng ở huyện đảo Trường Sa nét duyên đằm thắm, sâu lắng; làm dịu đi cái nắng gay gắt ở khu đô thị Cam Ranh, khi những người vợ, người mẹ quanh năm suốt tháng một mình lo việc gia đình, con cái, làm hậu phương vững chắc để những người lính vững tâm công tác. Còn đó nhiều bộn bề, vất vả, nhưng nghề nón Sai Nga vẫn âm thầm, kiên trì lan tỏa, phát triển bằng nghị lực vươn lên, hội nhập bền vững cùng bước tiến của đời sống văn hóa -  xã hội.

Bài và ảnh: Mai Lữ

Nguồn: Báo Nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT