Về nơi ra ngõ là gặp nghệ nhân
Nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào với những sản phẩm thêu tay tinh xảo, đầy chất nghệ thuật.
Tinh hoa của nghề
Sẽ không quá khi nói rằng, ở xã Thắng Lợi và Quất Động cứ ra ngõ là gặp nghệ nhân. Hàng trăm năm qua, dù nghề thêu trải qua thăng trầm nhưng bao giờ những người tâm huyết với quê hương cũng có cách gìn giữ để nghề thêu tay được “sống”. Nhiều người tiếp nối tổ nghiệp, làm nên tiếng tăm, thương hiệu của vùng đất danh hương. Ở thời hiện đại, những nghệ nhân như Nguyễn Quốc Sự, Bùi Lê Kính, Lê Văn Kinh, Nguyễn Xuân Dục, Phạm Viết Đinh, Phạm Viết Tương, Nguyễn Đức Khoa, Nguyễn Thúy Đào... cùng hàng trăm người có tay nghề cao vẫn đang miệt mài tạo nên những sản phẩm thêu tay tinh xảo, đầy chất nghệ thuật. Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Quốc Sự nói: “Người dân quê tôi tự hào vì đã phát triển tiếng thơm nghề cha ông. Nghề thêu tay đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sản phẩm có nét đẹp riêng, không giống sản phẩm của các làng nghề thêu khác”.
Theo tài liệu, tổ nghề thêu của hai xã là Lê Công Hành, tên khai sinh là Trần Quốc Khái. Ông sinh năm Bính Ngọ (1606) tại làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay là xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội). Trong cuốn “Thường Tín đất danh hương” xuất bản năm 2004 có viết: “Bùi Công Hành là người có công với đất nước, được triều đình Lê sơ ban thưởng Quốc tính (được mang họ nhà vua). Lê Công Hành từng đi sứ Trung Quốc 10 năm. Khi về ông mang nghề thêu và làm lọng dạy cho dân làng Quất Động và dân quanh vùng, trở thành một nghề kiếm sống những khi nông nhàn”. Bản sắc phong có niên đại năm 1637, hiện còn được lưu giữ khá nguyên vẹn tại đình Đào Xá (xã Thắng Lợi), ghi rất đầy đủ những thông tin này.
Người dân hai xã Quất Động và Thắng Lợi thờ tổ nghề thêu. Đền thờ Lê Công Hành được lập vào thế kỷ XX tại thôn Hướng Xá (xã Quất Động). Nghề thêu những năm qua được nhân dân truyền dạy và phát triển ở các xã Dũng Tiến, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Chương Dương... thuộc huyện Thường Tín và được truyền dạy tại Huế, Đà Lạt. Nghề đã góp phần phát triển kinh tế, xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới và tạo nên sức sống của nhiều vùng nông thôn.
Điều đáng nói, Nghệ nhân dân gian Lê Văn Kinh (người gốc ở xã Quất Động) đã mang nghề vào Huế lập nghiệp, dạy cho hàng nghìn học trò, tạo nên thương hiệu tranh thêu tay xứ Huế. Ông cũng là người xác lập kỷ lục vì hoàn thành bộ tranh thêu bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền sư bằng 14 thứ tiếng. Suốt nhiều năm, cơ sở thêu tranh ở 82 Phan Đăng Lưu (thành phố Huế) của ông Kinh là địa chỉ được nhiều khách nước ngoài tìm đến. Ở đó có hàng nghìn mẫu tranh thêu về Huế như cảnh sông Hương, núi Ngự, cầu Tràng Tiền, chùa Thiên Mụ, Đại Nội, hay hình ảnh một bến nước, đêm trăng Vĩ Dạ, con đò... Nhờ những bức tranh sinh động ấy, du khách nước ngoài hiểu hơn về cảnh đẹp và văn hóa Huế. Con gái ông, chị Lê Khánh Hà đã tiếp nối nghề của bố, xây dựng cửa hiệu tranh thêu ở đường Lê Lợi (thành phố Huế). Sổ vàng gia đình ông Kinh đầy ắp những dòng lưu bút, có người ví ông như báu vật nhân văn sống, có bàn tay vàng, vẽ Huế bằng đường kim mũi chỉ.
Các nghệ nhân nghề thêu tay tự hào chia sẻ, những năm qua sản phẩm thêu của Quất Động, Thắng Lợi được xuất khẩu sang Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... và tạo được tiếng vang rất lớn về sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đất nước.
Khi nghệ nhân cũng là họa sĩ
Biết bao lần tôi đắm mình trong những bức tranh thêu tay của các nghệ nhân. Đã bao lần tôi tìm hiểu sự cẩn trọng trong từng đường kim mũi chỉ, khi các nghệ nhân đã bỏ rất nhiều thời gian để hoàn thành một bức tranh về Hà Nội sinh động, hay là bức chân dung danh nhân mà mỗi đường nét đều có hồn. Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự (xã Thắng Lợi) là người nổi tiếng bởi những bức tranh thêu chân dung Bác Hồ, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ... và nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Thường Tín.
Để có mỗi bức chân dung khổ lớn, ông Sự phải trải qua một đến vài năm tỉa tót từng sợi tơ, sợi chỉ để có những đường nét tươi tắn. Ông Sự chia sẻ thêm: “Giai đoạn chỉnh sửa tranh là khó nhất. Thêu chân dung phải rất kỳ công. Tranh thêu tay vẫn được bán đầy trên thị trường, nhưng để tìm được bức có hồn chẳng đơn giản chút nào. Người thêu tranh giỏi phải có tâm hồn họa sĩ thực thụ”.
Hiện ông Sự còn giữ bức thêu “Nàng Mona Lisa”. Nhiều khách đánh giá tranh có hồn, sắc nét và đẹp diệu kỳ. Cũng bởi ông đã học thêm các khóa về hội họa, đã biết cách phối hàng trăm màu chỉ, bỏ ra gần ba năm trời để thêu từng chi tiết nhỏ như khóe mắt, nét cười. Một “tay chơi” đã trả hơn 300 triệu đồng để mua nhưng ông không bán. Nhiều du khách nước ngoài đến thăm cũng thấy ngạc nhiên. Họ từng được thấy nhiều bức tranh chép, nhưng tranh thêu mà làm được như ông Sự thì thật tài tình.
Cũng coi việc thêu tranh là nghiệp và phải đạt đến tâm hồn nghệ sĩ thì mới có thể cho ra đời tác phẩm chất lượng tốt, nghệ nhân Hoàng Thị Khương (xã Quất Động) luôn được khách trong nước và quốc tế đánh giá cao. Từ tấm bé bà Khương đã vượt qua khó khăn, học nghề cha ông rồi dạy nghề cho nhiều người khuyết tật khác bằng cái tâm và sự đồng cảm. Năm 2013, bà Khương đứng ra vay vốn mở Công ty Thêu tranh nghệ thuật. Bà tự hào vì nhiều lần được đi Hàn Quốc và nhiều tỉnh, thành phố trong nước để giới thiệu sản phẩm, dạy nghề và chia sẻ kinh nghiệm. Ở các hội chợ, hội nghị về làng nghề và về nghị lực của người khuyết tật, bà luôn thắp sáng tình yêu nghề, yêu cuộc sống.
Bà Khương nói: “Tôi là người kỳ công, nhiệt huyết và dám đầu tư nhiều thời gian để có những tác phẩm giá trị”. Bà Khương có một số tác phẩm để đời như bức “Sơn thủy hữu tình”, “Mã đáo thành công”... Bà đã mất đến 4 năm để tạo ra một tác phẩm ưng ý, khách nước ngoài sẵn sàng chi hàng trăm triệu đồng, nhưng như bà chia sẻ: “Tôi dự kiến triển lãm cá nhân. Có những bức không thể bán”.
Hiện nay, nghề thêu ở Thường Tín gặp không ít khó khăn do cơ chế thị trường, do sự áp đảo của dòng tranh thêu máy. Huyện Thường Tín đã có phương án hỗ trợ, tổ chức lớp dạy nghề, giúp quảng bá thương hiệu... Theo bà Uông Thị Phượng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín, hiện nay, ngoài nỗ lực của chính mình, các nghệ nhân làng nghề thêu tay cũng mong muốn Thành phố tổ chức thêm hội chợ giới thiệu, quảng bá nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho rằng, làng nghề đã đóng góp không nhỏ vào giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Thường Tín. Huyện đã có giải pháp hỗ trợ các làng nghề, tôn vinh nghệ nhân có tâm huyết truyền dạy, giữ nghề truyền thống.
Trong cuộc trò chuyện với tôi, nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự cũng chia sẻ: “Giờ đây, đề tài để làm tranh thêu cũng phải đổi mới, không thể mãi theo cách truyền thống. Cần cập nhật các mảng tranh phù hợp để trang trí không gian hiện đại. Cùng với đó là quảng bá sản phẩm tốt hơn nữa để nhiều người biết đến”. Đồng quan điểm ấy, nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào tâm sự thêm: “Nhiều khách hiện nay thích dòng tranh thêu cách điệu, có khi ít chi tiết nhưng giàu sức gợi. Điều đó buộc mỗi người thêu phải không ngừng sáng tạo”./.
Nguyễn Văn Học