''Làng trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa'' ở Hội An
Làng lụa Hội An nằm ở ngoại ô phố cổ Hội An (phường Tân An, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam). Trong không gian đầy ắp mảng xanh của hoa, lá, những cây dâu cổ… nằm cạnh một phố Hội rêu phong cổ kính, là nơi tái hiện nghề truyền thống “trồng dâu - nuôi tằm - ươm tơ - dệt lụa” của đất Quảng Nam đã hơn 500 năm qua. Với không gian đặc trưng như vậy, nơi đây đã thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Điểm nhấn của làng lụa chính là... “du lịch lụa”, du khách được các hướng dẫn viên giới thiệu quy trình trồng dâu, ươm tằm, quay tơ, đánh ống, dệt vải - lụa, nhuộm...
Ấn tượng đầu tiên của du khách khi bước chân vào cổng làng lụa là 40 cây dâu to lớn cành lá sum sê mà theo lời ông Lê Thái Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần tơ lụa Quảng Nam thì đây chính là những cây dâu Champa cổ thụ còn sót lại ở miền núi Quảng Nam được ông dày công sưu tầm mang về trồng. Trong đó, tuổi của một số giống cây dâu được các nhà chuyên môn đánh giá hơn trăm năm, ngày nay gần như đã tuyệt chủng.
Các thiếu nữ của làng nghề ở Hội An dệt lụa.
Một điểm nổi bật khác của Làng lụa Hội An chính là bộ sưu tập 100 trang phục cổ của 54 dân tộc Việt Nam cùng các bộ triều phục của vua quan, phụ nữ quý tộc, cung đình xưa… đang được trưng bày. Đến với Làng lụa Hội An, điều du khách cảm nhận không chỉ là một điểm tham quan thuần túy, mà là cảm xúc được sống, được trải nghiệm và hòa mình vào không gian dưới tái hiện của một ngôi làng cổ, nhà cổ, nơi những thôn nữ mặc áo bà ba đang tỉ mẩn ươm tơ, dệt lụa bên khung cửi cách đây hàng thế kỷ. Nơi đây cũng sưu tầm trưng bày thêm những sản phẩm lụa tiêu biểu ở các nước châu Á như: Ấn Độ, Campuchia, Lào, Thái Lan… làm cơ sở đối chiếu, so sánh về văn hóa và công nghệ dệt giữa các nước trong khu vực.
Từ năm 2014 tại Làng lụa Hội An đã diễn ra Festival Văn hóa tơ lụa lần thứ nhất. Kể từ đó đến nay, mỗi năm tại Làng lụa Hội An đều diễn ra Festival tơ lụa mang tính Quốc tế, trừ những năm diễn ra dịch bệnh COVID-19. Festival quy tụ những đại diện lớn nhất của ngành sản xuất tơ lụa và thời trang thế giới: Italia, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Cambodia… cùng các công ty sản xuất tơ lụa lớn tại Bảo Lộc, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng góp mặt như: Bảo Lộc Silk, Toàn Thịnh, Hạnh Silk… đưa sản phẩm đến triển lãm, tham gia hội thảo nhằm tạo cơ hội khai thông con đường hợp tác và phát triển thị trường chung với thế giới cho thời trang tơ lụa. Ngoài ra, các kỳ Festival Văn hóa tơ lụa thổ cẩm còn thu hút sự tham gia nhiệt tình của những làng nghề trong cả nước như Vạn Phúc, Nha Xá, Mã Châu, Mỹ Đức, Nam Cao, Tân Châu, Chăm Ninh Thuận và các nghệ nhân đến từ miền núi phía Bắc như Hà Giang, các nghệ nhân Khơme ở biên giới Tây Nam tỉnh An Giang, các nghệ nhân Cơ Tu của vùng núi miền Tây Quảng Nam và Đà Nẵng trình diễn kỹ thuật dệt và nhuộm truyền thống.
Các thôn nữ làng lụa thêu trên lụa.
Đến tham quan Làng lụa Hội An, du khách sẽ được nghe giới thiệu về các công đoạn để làm ra một tấm lụa; từ hái lá dâu, xem tằm ăn dâu, nhả kén, se tơ, kéo sợi và cuối cùng dệt thành sản phẩm... tất cả đều thực hiện bằng phương pháp thủ công trên các thiết bị đã từng được những nghệ nhân làng nghề sử dụng hàng trăm năm trước. Đặc biệt, với những sản phẩm được sản xuất tại chỗ với đủ loại hình như khăn choàng cổ, túi xách, mũ, áo, váy... du khách hoàn toàn yên tâm với chất lượng sản phẩm.
Qua nhiều năm xây dựng và phát triển, đến nay Làng lụa Hội An là đại diện duy nhất của Việt Nam trở thành thành viên sáng lập của Hiệp hội Tơ lụa thế giới và Hiệp hội Tơ lụa châu Á, từng được mời tham dự giới thiệu mô hình phát triển của đơn vị tại nhiều diễn đàn của khu vực Đông Nam Á và quốc tế./.
Tiên Sa