Non nước Việt Nam

Sức sống làng nghề xứ Huế

Cập nhật: 13/05/2021 10:48:40
Số lần đọc: 1009
Trải qua hàng trăm năm với bao thăng trầm, những làng nghề truyền thống của tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn hiện hữu và phát triển đến ngày hôm nay trong từng nếp nhà, nhịp sống của người dân.  


Các bạn trẻ tại làng hương Thủy Xuân, TP Huế. (Ảnh chụp trước ngày 29-4) 

Không chỉ mang ý nghĩa văn hóa tinh thần, những làng nghề truyền thống còn là nguồn kế sinh nhai cho các thế hệ người dân nơi đây. Với những nỗ lực bảo tồn và phát triển của người dân làng nghề, cùng chính sách hỗ trợ, quảng bá của chính quyền các cấp, nhiều làng nghề xứ Huế đang bừng lên những sắc màu tươi mới.

Lan tỏa “của riêng” thành của chung

Chúng tôi tìm về làng nghề truyền thống làm hoa giấy Thanh Tiên nằm dọc hạ lưu sông Hương (thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế). Đến nhà của họa sĩ, Nghệ nhân Ưu tú làm hoa giấy Thân Văn Huy, thì gặp đoàn du khách Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang được nghệ nhân dẫn tham quan. Nghệ nhân Thân Văn Huy cho biết, để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống cần gắn liền với du lịch, từ 3 năm nay ông đã cải tạo không gian sống của gia đình, đặt tên là Liên Hoa Thanh Tịnh Viên và biến nơi này thành một bảo tàng thu nhỏ làm điểm tham quan, giới thiệu về nhà rường Huế, văn hóa tín ngưỡng thờ ông bà của người Việt và thực hành làm hoa giấy Thanh Tiên.

Vừa tỉ mẩn hướng dẫn khách gấp những cánh hoa sen, nghệ nhân Thân Văn Huy vừa kể lịch sử của làng nghề đã tồn tại và phát triển 300 năm nay. Nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên vốn xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng dân gian của người Huế. Nhưng xứ Huế khí hậu vốn khắc nghiệt, lúc nắng như đổ lửa, lúc mưa dầm, hoa tươi thờ cúng thường không giữ được lâu. Người dân làng Thanh Tiên với óc tưởng tượng phong phú và bàn tay khéo, nghệ thuật, họ đã mô phỏng các loại hoa ở tự nhiên như: Hoa bìm bìm (loa kèn), hoa cúc, tường vi, hoa quỳ, hoa sen... sáng tạo ra hoa giấy, trước thờ cúng gia tiên, thần linh, sau trang trí nhà cửa đón Tết. Dần dà qua năm tháng đã phát triển thành làng nghề làm hoa giấy nổi tiếng đất cố đô, không còn là sản phẩm của riêng làng nhỏ ven sông nữa mà đã lan tỏa thành nét văn hóa của nhân dân Huế và các tỉnh, thành phố lân cận như Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng... “Xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng/ Cứ đến tháng Chạp cả làng làm hoa”, người dân làng tôi ai cũng thuộc câu đó. Nhưng nay thì khác rồi, không chỉ dịp Tết đến dân làng mới làm hoa, giờ làm quanh năm. Hồi đầu tháng 4 vừa rồi, gia đình tôi mới hoàn thành xong đơn hàng của một doanh nghiệp ở Phú Quốc đặt gần 15 nghìn cành. Cả nhà 4-5 người làm không xuể, tôi phải đặt các nhà trong làng mới kịp giao hàng đúng hẹn”, nghệ nhân Thân Văn Huy cho hay.

Có được sự bừng sắc của hoa giấy Thanh Tiên như ngày hôm nay, theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2013, làng hoa giấy Thanh Tiên đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Đó là sự nỗ lực của các nghệ nhân, người dân trong việc quảng bá làng nghề, tạo nên sắc màu riêng biệt tại các kỳ Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế, lễ hội áo dài, cung đình, các sự kiện ngoại giao...;  xuất khẩu sang nhiều nước, tạo công ăn việc làm và có nguồn thu nhập nâng cao đời sống cho người dân. 

Nghệ nhân Thân Văn Huy kể, từ kỳ Festival nghề truyền thống Huế lần đầu tổ chức (năm 2005), ông đã mang những cành hoa giấy Thanh Tiên cắm dọc các ụ cỏ dọc bờ sông Hương, tạo nên những khóm hoa, vườn hoa rực rỡ. Nghệ nhân bảo, đó là lần đầu tiên tôi gây lỗi với ông bà tổ tiên khi đưa hoa thờ cúng ra để cắm trang trí. Từ sự thay đổi quan niệm đó, nghệ nhân Thân Văn Huy cùng người dân trong làng tìm tòi, sáng tạo để “thay áo mới” cho hoa, đặc biệt là hoa sen. Hoa sen của Thanh Tiên giờ nổi tiếng cả nước, có hoa sen hồng, hoa sen 5 màu, nụ sen, hoa sen nở hé, hoa sen nở xòe... bông lớn tới 30cm, với thân cây mây dài mềm mại cắm vào những chum lớn. “Hồi diễn ra trưng bày và bầu chọn Quốc hoa Việt Nam tổ chức năm 2011 tại TP. Hồ Chí Minh, tôi đã mang hoa sen giấy của làng đi trưng bày, rất nhiều người dân và du khách quốc tế đã hỏi và đặt mua hoa của chúng tôi, họ bảo hoa giấy nhưng kỹ thuật gấp cánh, làm nhụy hoa trông sống động như hoa thật”, nghệ nhân Thân Văn Huy nói. 

Tăng tính kết nối để phát huy giá trị làng nghề

Nằm trên trục đường Huyền Trân Công Chúa, cách TP. Huế khoảng 7km về hướng tây nam là làng hương lớn nhất xứ Huế - làng hương Thủy Xuân, nổi tiếng với nghề làm hương trầm. Làng nghề làm hương Thủy Xuân nằm trên tuyến đường tham quan du lịch lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh nên khá thuận lợi để người dân thập phương và khách du lịch biết đến. Bên khay bột hương của nghệ nhân Tôn Nữ Ánh Tuyết, nhóm nữ sinh Trường Đại học Sư phạm Huế thích thú trải nghiệm se hương. Nghệ nhân Tôn Nữ Ánh Tuyết cho biết, xưa kia, chân hương chỉ có màu nâu và đỏ, thì nay, người dân Thủy Xuân đã nhuộm thêm nhiều màu như vàng, xanh, tím, hồng... cho phong phú, bắt mắt, hấp dẫn khách. Năm trước, những tấm hình khách du lịch đội nón lá Việt Nam, tạo dáng bên những khóm hương bung tỏa nhiều màu, đẹp như tranh vẽ, cùng nụ cười hiền hậu, chân chất của các nghệ nhân làm hương Thủy Xuân đã lan tỏa rất mạnh mẽ trên các trang báo điện tử, truyền hình và mạng xã hội, thu hút khách, đặc biệt là giới trẻ đến đây “check-in”. Nghệ nhân Tôn Nữ Ánh Tuyết cho biết thêm, làng hương Thủy Xuân khoảng 50 hộ còn giữ nghề, trong đó 20 hộ kết hợp làm du lịch. Số lượng hương bán được nhiều chủ yếu vẫn là qua các công ty, đại lý để chinh phục các thị trường khó tính như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... và bước đầu xuất khẩu. Để phát huy làng nghề truyền thống, các nhà đã kết hợp với nhau và nhiều làng nghề khác như làng Sình với tranh in giấy; làng nón Kim Long, Dạ Lê; làng hoa giấy Thanh Tiên; làng gốm Phước Tích... trưng bày các sản phẩm làng nghề, làm điểm dừng chân nghỉ ngơi và trải nghiệm cho khách du lịch, mong được “khoe” cái đẹp tới nhiều người.

Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 86 làng nghề, 57 nghề truyền thống hoạt động riêng lẻ. Ông Phan Thanh Hải cho biết, việc bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống được tỉnh Thừa Thiên Huế xác định ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Thông qua nhiều hoạt động như: Chương trình xây dựng nông thôn mới; Đề án khôi phục và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống; Chương trình mỗi xã một sản phẩm; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ... đã góp phần bảo tồn, khôi phục và phát triển các làng nghề. Đặc biệt với 8 kỳ tổ chức Festival nghề truyền thống Huế qua gần 15 năm, đã tác động tích cực đến sự hồi sinh và phát triển của các làng nghề, qua đó các điểm giới thiệu quảng bá nghề truyền thống mới được hình thành, nhiều điểm đến du lịch được nhà nước và tư nhân đầu tư xây dựng. 

Dù thời gian này, ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhưng người dân ở các làng nghề xứ Huế vẫn rất lạc quan và hy vọng vào thời điểm mọi thứ khởi sắc trở lại. Cùng với đó, họ mong muốn dịch bệnh nhanh chóng qua đi để việc tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2021 (dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 6 tới) sẽ góp phần quảng bá mảnh đất, văn hóa và hình ảnh Huế đến bạn bè, du khách gần xa.

 

Nguồn: https://www.qdnd.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT