Non nước Việt Nam

Nghề làm cày của người Mông Bắc Hà, Lào Cai

Cập nhật: 25/04/2021 10:46:53
Số lần đọc: 938
Khi những cơn mưa rào tháng 4 xuất hiện cũng là lúc người dân vùng cao trong tỉnh bước vào mùa làm ruộng, làm nương. Làm ruộng ở vùng cao bây giờ dù đã có máy cày chạy bằng động cơ nhưng vẫn không thể thiếu cày tay do trâu kéo vì nhiều thửa ruộng nằm ở khe núi, khe đồi dốc, nhiều đá. Vì thế, nghề làm cày tay đến nay vẫn được người vùng cao duy trì, trong đó người Mông được mệnh danh là “vua” làm cày.
 
Nghề làm cày tay của người Mông có từ bao giờ không ai nhớ nổi, chỉ biết rằng chiếc cày là vật dụng quen thuộc và rất quan trọng của mỗi gia đình. Chẳng vậy mà theo tục của người Mông, ngày Tết vẫn có nghi lễ cúng thần cày. Thường trong mỗi hộ người Mông có 2 chiếc cày, 1 dùng cày nương và 1 dùng cày ruộng. Cách làm 2 loại cày này có khác nhau đôi chút.
 
Để hiểu rõ về nghề làm cày tay truyền thống của người Mông, chúng tôi tìm đến khu bán nông cụ ở chợ phiên Bắc Hà. Chỗ bán cày nằm biệt lập ở góc cuối cùng của khu bán nông cụ và người mua - bán ở đây đa số là đàn ông. Có một điều đặc biệt là họ đến đây để trao đổi với nhau về giá cả rất ít, chủ yếu hỏi han xem cày làm bằng gỗ gì, loại dùng để cày nương hay cày ruộng và cày cho loại trâu yếu hay khỏe, tầm vóc của người sử dụng…
 
Ông Tráng A Dín, 70 tuổi, người Mông ở thôn Tẩn Chư, xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà - một thợ làm cày tay có tiếng - kể: Nghề làm cày rất vất vả, cần sự tỉ mỉ và có bí quyết riêng nên trong một xã hoặc một vùng chỉ có một số người làm được. “Nói đúng ra đây là nghề gia truyền, như tôi đây được ông nội truyền nghề làm cày tay từ nhỏ. Theo tôi biết thì ở vùng cao Bắc Hà giờ chỉ còn 3 xã là Tả Van Chư, Cốc Ly và Bản Phố có hộ chuyên làm cày tay gia truyền” - ông Dín nói.
 
Theo tập tục từ lâu đời, hằng năm, vào dịp cuối đông, khi cây cối trên rừng cứng cáp vì không hút nhiều nước thì những thợ làm cày người Mông bắt đầu lên rừng tìm gỗ làm cày. Muốn có cày tốt thì việc chọn gỗ rất quan trọng, gỗ làm cày chủ yếu là cây dâu rừng (tù nhăng - tiếng Mông), gỗ chẩn, sến, trai hoặc nghiến…, những loại gỗ này cứng nhưng dẻo dai. Tuy nhiên, thợ làm cày thích dùng gỗ dâu rừng hơn cả vì loại gỗ này nhẹ, chịu được mưa nắng và bền khi ngâm lâu dưới nước.
 
Nhiều người dân vùng cao vẫn sử dụng cày tay để làm đất.
 
Chiếc cày có 2 bộ phận quan trọng là bắp cày và thân cày cần hình khối và độ cong nhất định nên khi đi lấy gỗ, người làm cày phải lựa chọn trước khi chặt sao cho vừa không phải đẽo gọt nhiều, vừa đảm bảo độ nông sâu cho mỗi loại cày.
 
Để làm ra chiếc cày, người thợ phải thành thạo các kỹ thuật đục, khoan, đẽo. Điểm đặc biệt nhất của nghề làm cày là không có công thức, không dùng mực thước, người thợ chỉ dùng kinh nghiệm làm “công cụ” đo và định chuẩn chiều dài, chiều cao.
 
Cày ruộng thường được làm to, dài hơn, có độ bám đất sâu hơn; cày nương thì ngắn hơn, nhỏ hơn và nhẹ để khi cày có thể linh hoạt chuyển hướng lưỡi cày tránh đá, tránh gốc cây…
 
Sau khi làm khung cơ bản, người thợ dựng đứng cày để đo chiều cao và chiều dài lấy chuẩn. Theo kinh nghiệm thì chiều cao từ lưỡi cày lên đến tay cầm cứ gần thắt lưng người là vừa, còn chiều dài thì cày ruộng dài khoảng hơn sải tay người lớn, cày nương ngắn hơn một chút. Khi lắp các bộ phận lại sao cho bắp cày, thân cày, lưỡi cày là một đường thẳng là chuẩn. Giá bán mỗi chiếc cày từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng, cộng thêm chiếc lưỡi cày bằng gang giá khoảng 250 - 300 nghìn đồng/cái.
 
Cần nói thêm rằng, người dân đi mua cày ở chợ phiên không bao giờ có lưỡi lắp sẵn, sau khi chọn được thân cày ưng ý họ mới đi mua lưỡi cày phù hợp với sức vóc của người cày và trâu nhà, rồi mang về lắp. Việc đúc lưỡi cày gang cũng là thợ có nghề làm.
 
Nếu muốn biết thêm về nghề làm cày, du khách hãy đến chợ văn hóa Bắc Hà, chợ phiên xã Cốc Ly, chợ phiên xã Lùng Phìn (Bắc Hà). Thời điểm này đang là mùa cày nương, làm ruộng vụ mới nên muốn thử cày tay, du khách có thể trải nghiệm cày bừa với người dân nơi đây.
Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT