Non nước Việt Nam

Nghề chế tác trống Ghi-năng đang khát truyền nhân

Cập nhật: 29/01/2021 14:54:19
Số lần đọc: 1038
Trống Ghi-năng là một trong ba nhạc cụ truyền thống không thể thiếu trong các nghi lễ, đời sống tinh thần của đồng bào Chăm.

Cặp trống Ghi-năng vừa mới chế tác.

Theo thời gian, số lượng trống Ghi-năng ngày một ít đi vì hư hỏng. Nghệ nhân chế tác đã hiếm, thế hệ tiếp nối càng khan hiếm hơn. Và hiện nay, nghề làm trống Ghi-năng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang có nguy cơ bị mai một.

Nguy cơ thất truyền nghề làm trống Ghi-năng

Nghệ nhân Thổ Đồng ở xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận là một trong số rất ít người vừa biết đánh trống Ghi-năng vừa biết chế tác ra nó. Ông Đồng cho biết, để tạo ra cái trống Ghi-năng, đòi hỏi người làm phải thật khéo léo, tỉ mỉ và có kỹ thuật cao... Làm ra một sản phẩm là cả một quá trình rất công phu. Ông làm vì niềm đam mê, vì yêu thích và muốn bảo tồn nhạc cụ của dân tộc mình. Hơn 20 năm gắn bó với nghề làm trống Ghi-năng, ông Đồng đã chế tác ra hàng chục cặp trống, nhưng ông vẫn chưa tìm được một người nào “nặng lòng” với nhạc cụ dân tộc để cùng đồng hành với ông. Không chỉ với trống Ghi-năng, hiện ông đang chế tác thêm trống Paranưng.

“Thầy dạy làm trống Ghi-năng, còn Paranưng này thì bà con mang tới cho mình sửa vì bà con thấy mình biết làm trống Ghi-năng. Bà con mang tới nhưng mình đâu biết làm trống Paranưng, nhưng cũng phải làm, trống bà con mang tới nó chỉ hư một vài bộ phận, mình tháo hết ra và xem lại kết cấu của nó, từ đó làm theo, làm y như cái cũ vậy.”, ông Đồng chia sẻ.

Nhiều năm qua, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc luôn được ngành Văn hóa của tỉnh Bình Thuận quan tâm. Cụ thể, tỉnh đã thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các tài liệu, hiện vật trong cộng đồng người dân tộc thiểu số”, trong đó có nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm.

Năm 2017, UBND tỉnh giao cho Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh chủ trì Đề tài khoa học “Bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian (dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian) cho 4 dân tộc tiêu biểu tỉnh Bình Thuận (Chăm, K’ho, Raglai, Chơ Ro) thông qua hình thức biểu diễn nghệ thuật”. Đề tài này đã được Hội đồng Khoa học cấp tỉnh đánh giá và xếp loại xuất sắc trong năm 2020. Thông qua đề tài này, đã dàn dựng được 5 tiết mục rất đặc sắc. Trong đó có 3 tiết mục của người Chăm mà trống Ghi-năng đóng vai trò chủ đạo. 

Khơi dậy tinh thần yêu trống Ghi-năng trong giới trẻ Chăm

Mặc dù có nhiều nỗ lực bảo tồn của ngành chức năng Bình Thuận nhưng những năm gần đây, trống Ghi-năng ngày càng có dấu hiệu hao hụt dần. Hiện, nghề chế tác trống Ghi-năng ở Bình Thuận không còn phổ biến, nghệ nhân biết làm trống lần lượt qua đời, trong khi đó chưa có lớp trẻ kế cận nghề này. 

Theo các nhà nghiên cứu văn hoá Chăm, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghề làm trống Ghi-năng mai một là do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường không nhiều, trống Ghi-năng chủ yếu phục vụ lễ nghi truyền thống của người Chăm. Ông Nguyễn Ngọc Ẩn – Nhà sưu tầm cổ vật ở Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cho biết: "Tôi cho rằng hiện nay chỉ có 1 – 2 nghệ nhân biết làm trống Ghi-năng, tôi nghĩ nên có một sự đầu tư, quảng bá mạnh hơn nữa để nó có sức hút và sức tiêu thụ trống Ghi-năng. Mong rằng chính quyền địa phương cũng như các sở, ban, ngành, quan tâm đến nghệ thuật làm trống và giới thiệu đến các khách du lịch."

Bà Lư Thái Tuyên - Phó Giám đốc Bảo tàng Bình Thuận trăn trở, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của nhạc cụ truyền thống của người Chăm, trong đó có trống Ghi-năng chỉ dừng lại ở việc giới thiệu tại các điểm du lịch, tại các trung tâm tâm trưng bày…

“Ngoài việc giới thiệu, cũng cần mời nghệ nhân về chế tác tại điểm để phục vụ khách tham quan biết được cái quy trình làm được cái nhạc cụ đó. Thứ hai nữa nếu chế tác tại điểm, tại trung tâm thì đây cũng là một hình thức truyền dạy lại cho các thế hệ Chăm biết được cách chế tác nhạc cụ Chăm.”, bà Tuyên chia sẻ.

Để khôi phục, bảo tồn nhạc cụ trống Ghi-năng, ông Võ Thành Huy – Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết, sở đã có định hướng và giao cho các đơn vị, đặc biệt là nhà hát và Bảo tàng Bình Thuận nghiên cứu làm sao thông qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật phải đưa nhiều hơn các tiết mục có sự hiện diện của trống Ghi-năng.

Nguồn: VOV.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT