Non nước Việt Nam

Làng cổ bên sông Cầu của vùng Kinh Bắc

Cập nhật: 07/01/2021 09:37:30
Số lần đọc: 1022
“Sông Cầu nước chảy lơ thơ” đã đi vào câu ca quen thuộc một thời của vùng Kinh Bắc. Dòng sông này đã bồi đắp phù sa màu mỡ cho một dải đồng bằng để hình thành nên những ngôi làng trù phú trải dài theo dòng chảy của lịch sử.


Cổng làng Thổ Hà.

Từ xa xưa, những vùng ven sông Cầu là nơi tập trung đông dân cư vì thuận lợi cho giao thương và canh tác nông nghiệp. Không những vậy, nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu tích của thời cha ông dựng nước và giữ nước.

Nổi tiếng cả vùng Bắc Bộ là làng Cổ Mễ, có đền Bà Chúa Kho thu hút đông khách vào dịp hội Xuân hằng năm. Vốn tên đền trùng với tên làng, nhưng đây là nơi người dân lập đền thờ người phụ nữ giữ kho lương cho triều đình nhà Lý trong cuộc chiến tranh chống giặc Tống xâm lược cho nên đổi thành tên như bây giờ. Làng Cổ Mễ nay thuộc phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, dù đã lên phường, lên phố nhưng người dân làng vẫn giữ gìn và tôn tạo lại cổng làng từ xưa cũ. Ngoài ra, trong làng còn có đình Cổ Mễ được xây dựng từ thế kỷ 16 với bia đá và chiếu đình độc đáo, hiếm có. Ðình làng được xem là công trình kiến trúc thuần Việt đặc sắc và được xếp hạng là Di tích quốc gia từ năm 1990. Nằm giữa đô thị trẻ và sôi động, làng Cổ Mễ thanh bình bên dòng sông Cầu đã chứng kiến bao sự đổi thay của xã hội. Những người dân quê còn tạo ra một không gian làng tươi đẹp với thủy đình, khu vui chơi, thể dục thể thao.

Bên kia sông Cầu có làng Thổ Hà, thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cũng là một làng cổ lâu đời của đất Kinh Bắc xưa. Vốn được biết đến là làng gốm có lịch sử từ thế kỷ thứ 14, nhưng những năm gần đây lại được biết đến với nghề làm bánh đa nem và mỳ gạo. Nổi bật nhất là cụm di tích đình, chùa có niên đại hơn 400 năm. Ðình Thổ Hà mái ngói thâm nâu phủ bóng thời gian là ngôi đình nổi tiếng của xứ Kinh Bắc, là đặc trưng tiêu biểu của nghệ thuật chạm khắc Việt Nam. Ðình và chùa làng đều được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Qua thời gian, làng Thổ Hà vẫn ẩn khuất sau tiếng xe cộ phố xá ồn ào và còn giữ được nhiều ngôi nhà cổ tiêu biểu cho kiến trúc nhà cổ thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Trong làng còn nhiều bức tường gốm cũ in dấu về một làng gốm truyền thống xưa và 22 ngôi nhà cổ có niên đại gần 300 năm thu hút nhiều bạn trẻ và du khách nước ngoài đến đây tham quan, tìm hiểu. Làng cách trung tâm Hà Nội hơn 30 km, qua TP Bắc Ninh, đi sang bến đò vẫn thấy cảnh trên bến cây đa, dưới thuyền nhộn nhịp thân quen bao đời. Tại đây, du khách được chụp ảnh cảnh làng quê, được tận mắt thấy các công đoạn làm bánh đa, mỳ gạo và mua về như một thức quà đậm ấm tình quê.

Xuôi dòng sông Cầu về phía Lục Ðầu Giang, cách Phả Lại 4 km là làng cổ Phù Lãng, thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Làng nằm ven sông với những chuyến đò xuôi ngược vận chuyển nguyên liệu để làm gốm. Là một trong những làng gốm cổ thuộc vùng Kinh Bắc xưa bên cạnh các làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), Thổ Hà (Bắc Giang), Phù Lãng tạo ra các sản phẩm gốm mầu da lươn đặc trưng riêng. Hiện nay, làng gốm này vẫn dùng củi đốt lò truyền thống để nung gốm, giữ nguyên nét đẹp thô mộc, dân dã của đất sét. Tại làng nghề, các bạn trẻ, học sinh và sinh viên sẽ được trải nghiệm thực tế quy trình nặn gốm và hoàn thiện một sản phẩm gốm truyền thống. Phù Lãng giờ đây không chỉ chuyên làm gốm mà còn là một địa điểm du lịch văn hóa làng nghề của Bắc Ninh và thu hút du khách các vùng lân cận. Trải qua bao đời, đến bây giờ, dù ở trong một tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa và hiện đại hóa nhanh như Bắc Ninh, nhưng làng Phù Lãng vẫn nép mình bên dòng sông êm đềm như thuở xa xưa. Việc lao động vẫn diễn ra nhịp nhàng bên trong những xưởng gốm của các gia đình. Ði một vòng quanh làng, qua các lò nung sẽ thấy gốm xếp ngập tràn trên sân nhà, bên bờ ruộng, dọc lối đi với đủ các loại chum vại, bình lọ, tiểu cảnh…

Dịp cuối tuần, những ngày nghỉ, thường có đông khách du lịch đi theo nhóm hoặc gia đình, cơ quan, đơn vị cùng nhiều đoàn học sinh, sinh viên về thăm các làng quê cổ kính, thanh bình ven sông Cầu để thêm hiểu, thêm yêu quê hương đất nước với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa đặc sắc.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT