Non nước Việt Nam

Làng nghề nón lá Sai Nga (Phú Thọ)

Cập nhật: 30/11/2020 09:19:46
Số lần đọc: 1817
Nằm bên dòng sông Thao hiền hòa đỏ nặng phù sa, bao đời nay người dân xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cần mẫn với nghề làm nón lá.


Nghề làm nón truyền thống Sai Nga được truyền từ đời này sang đời khác

Như một lẽ tự nhiên, những chiếc nón lá bền đẹp qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Sai Nga đã đi vào thơ ca:

Hỡi ai đi ngược về xuôi
Muốn đội nón đẹp thì về Sai Nga.

Sự xuất hiện của làng nghề

Theo các cụ cao niên ở địa phương, nghề nón nơi đây xuất hiện và phát triển mạnh từ những năm 1950. Đầu tiên là một số người dân ở làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội) tản cư về đất Sai Nga đã mang theo nghề làm nón. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nghề nón đã tồn tại và phát triển, trở thành nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Ở Sai Nga, các thế hệ già trẻ đều biết làm nón. Chiếc nón là công cụ che nắng che mưa không thể thiếu trong đời sống của mỗi người; đồng thời là sản phẩm góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Để có chiếc nón đẹp

Nón Sai Nga bền, đẹp, chắc chắn và là vật che mưa hữu hiệu, vì giữa 2 lớp lá còn có một lớp mo mỏng mà bền. Nguyên liệu làm nón thường là bằng lá cọ. Đây là nguyên liệu sẵn có ở vùng đất Cẩm Khê nói riêng và vùng quê trung du Phú Thọ nói chung. Tuy nhiên, do lá cọ cứng nên đòi hỏi người khâu (hay còn gọi là may) nón phải thật khéo léo, bền bỉ và tinh tế.

Ngày nay, nhiều hộ dân trong làng mua thêm lá thanh, lá mai làm nguyên liệu thay thế lá cọ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người làm nghề lâu năm, nếu nón được làm bằng lá cọ thì sẽ bền và đẹp hơn. Nguyên liệu làm nón gồm lá, khuôn, vành, mo tre hoặc mo nứa, sợi cước, sợi len để nhôi và một lưỡi cày để là lá. Khi có đủ nguyên liệu thì người làm bắt tay vào làm từng công đoạn.

Kỹ thuật khéo léo và tinh tế

Một chiếc nón được hoàn thành phải mất khoảng 3 tiếng đồng hồ. Khâu nón là công đoạn rất khó bởi nếu không khéo tay thì dẫn đến lá bị rách, nón sẽ hỏng. Người nào khâu mau tay và chắc tay chiếc nón sẽ bền và đẹp hơn. Sau khi đã khâu xong thì bắt đầu nhôi. Đây cũng là công đoạn rất khó, nếu nhôi kỹ và chặt chiếc nón sẽ không bị sổ hoặc bung ra, còn làm qua loa, không đủ độ chặt kết quả sẽ ngược lại. Biên độ, lực tay thế nào đó cũng là bí quyết làm nghề của những người dân Sai Nga. Sau khi khâu xong chiếc nón, người thợ hơ bằng diêm sinh làm cho màu nón trở nên trắng và không bị mốc…

Sản phẩm giúp nâng cao đời sống người dân

Trung bình mỗi ngày một người có thể làm được 3-4 chiếc nón, nếu làm giỏi có thể được 5-6 nón. Sản phẩm làm ra đều được thương lái thu mua tận nơi hoặc bán tại chợ phiên, đa phần người làm nón ở Sai Nga vẫn thích đem nón đến chợ phiên và coi đó như một nét văn hóa truyền thống của làng mình. Chợ phiên Sai Nga họp 5 ngày hai phiên, chủ yếu mua bán nón, vật liệu làm nón (lá, cước, len, vành, hoa nón...).

Nón làng Sai Nga được đưa đi các nơi như hội chợ thương mại, trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên và sang Trung Quốc. Từ nghề làm nón, đời sống của người dân được cải thiện, nâng lên rõ rệt, nhiều hộ gia đình có tiền sắm sửa tiện nghi, vật dụng có giá trị, xây dựng nhà cửa khang trang.

Dù đi đâu thì hình ảnh chiếc nón lá vẫn luôn đậm sâu trong trái tim mỗi người, là một trong những món quà ý nghĩa dành tặng bàn bè quốc tế mỗi khi đến thăm quê hương đất Tổ Phú Thọ. Làng nghề nón lá Sai Nga là điểm đến du lịch tiềm năng của huyện Cẩm Khê.

Với những giá trị văn hóa tinh thần và thực tiễn, tháng 10/2020 vừa qua, làng nón Sai Nga đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.

Nguồn: Báo Đắk Nông

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT