Phụ nữ Đồng Lâm (Hạ Long): Giữ gìn nghề thêu thổ cẩm
Chị Triệu Thị Loan (bên phải), Chủ nhiệm CLB may thêu thôn Đồng Quặng, xã Đồng Lâm, TP Hạ Long, hướng dẫn thành viên trong CLB thêu áo.
Xã Đồng Lâm có rất đông đồng bào dân tộc Dao Thanh Y sinh sống. Một trong những nét đẹp văn hóa của người Dao Thanh Y là bộ trang phục truyền thống với những nét hoa văn thêu tay độc đáo, tinh tế, công phu. Nhiều năm trở lại đây, cách ăn mặc của người Dao ở Đồng Lâm dần giống với người Kinh; trang phục dân tộc thường chỉ dành để mặc vào ngày lễ trọng hoặc hội lớn, những dịp đặc biệt. Vì ít mặc, ít may, nên những cách thêu thùa, may vá vốn là công việc hàng ngày của phụ nữ Dao xưa kia đến nay đã ngày càng mai một, chị em không còn mặn mà với việc thêu thùa.
Trước thực trạng này, Hội Phụ nữ xã Đồng Lâm đã tuyên truyền, phát động các chi hội phụ nữ trong xã thành lập câu lạc bộ (CLB) may thêu trang phục truyền thống dân tộc Dao Thanh Y. Đầu năm 2019, cả 5 chi hội phụ nữ của 5 thôn thuộc xã Đồng Lâm là Đồng Trà, Đồng Quặng, Cài, Khe Lèn, Đèo Đọc đều tổ chức ra mắt CLB may thêu. Mỗi CLB có từ 7 đến 15 chị em, đều là những người biết thêu thổ cẩm, thêu trang phục dân tộc mình. Tranh thủ lúc nông nhàn, ngày mưa gió hay lúc rảnh rỗi, các chị lại tập trung ngồi thêu thùa, may vá.
Chị Triệu Thị Loan, Chủ nhiệm CLB may thêu thôn Đồng Quặng, cho biết: Để may thêu một bộ trang phục, nhất là trang phục cho phụ nữ Dao Thanh Y không hề đơn giản, bởi có nhiều bộ phận, như: Áo, quần, khăn đội đầu, dải quấn chân… Mỗi thứ lại có những họa tiết, màu chỉ, cách trang trí, kỹ thuật thêu thùa khác nhau. Vì vậy, khi thành lập CLB, chị em có thể trao đổi, dạy nhau những mẫu thêu khó hay những họa tiết mới, lạ. Đặc biệt là khi thấy các bà, các mẹ chăm chỉ thêu thùa, các con cháu cũng có ý thức học thêu và thêu theo.
Do còn làm việc đồng áng, phát triển kinh tế nên thời gian các chị em dành cho thêu không nhiều, vì vậy để hoàn thành đôi vạt áo, tay áo, ống quần hay khăn đội đầu có khi cũng mất một, hai tháng. Còn thêu một bộ trang phục truyền thống Dao Thanh Y dành cho nữ có khi mất vài tháng đến nửa năm. Một bộ trang phục hoàn thành có giá lên tới 3-5 triệu đồng, không phải chị em nào cũng có điều kiện để mua. Vì vậy, chị em trong các CLB thường giúp đỡ, hỗ trợ nhau để hoàn thành bộ trang phục nhanh hơn. Chị em nào sắp tham gia đám hội, đám cưới, lễ cấp sắc, bàn cổ… trong gia đình, dòng họ sẽ được “ưu tiên” nhận những tấm thêu đẹp nhất để may thành áo quần, khăn, váy…
Chị Triệu Thị Mai, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Cài, xã Đồng Lâm, chia sẻ: CLB may thêu thôn Cài ngày càng thu hút đông chị em tham gia thêu may trang phục truyền thống. Chúng tôi được các cô, các bà có kinh nghiệm truyền dạy cho những mẫu thêu khó, kỹ thuật khó. Chị em cũng tích cực trao đổi, giao lưu, học hỏi mẫu thêu từ các CLB và chị em người Dao ở các xã lân cận. Vì muốn CLB và phong trào thêu, mặc trang phục truyền thống ngày càng lan tỏa, tôi đã nhận mua hết những sản phẩm các chị em thêu được, từ đó may hoàn thiện các bộ trang phục.
Nghề thêu thùa, may vá của người Dao Thanh Y rất độc đáo. Các họa tiết thêu không theo mẫu vẽ sẵn mà thêu theo trí nhớ, theo thẩm mỹ, sự khéo léo, sáng tạo của mỗi người và được các thế hệ phụ nữ trong gia đình truyền dạy cho nhau. “Mỗi CLB, mỗi chị em đều đang nỗ lực giữ gìn, trao truyền nghề thêu trang phục truyền thống người Dao Thanh Y cho con, em mình. Việc thêu may và mặc trang phục truyền thống là cách tốt nhất để lưu giữ, phát huy nét đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Hội Phụ nữ xã sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ để các CLB, các chị em giữ gìn, phát huy, truyền nghề cho các thế hệ trẻ, hướng tới đưa các sản phẩm thêu may, trang phục truyền thống trở thành hàng hóa…” – chị Bàn Thị Lê, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đồng Lâm, cho biết.