Non nước Việt Nam

Nghề đan chài của người Thái ở Bản Ngoang

Cập nhật: 06/01/2021 16:06:24
Số lần đọc: 1119
Người Thái có câu hát: “Mẹ ngồi đầu sàn kéo sợi, xe tơ/Bố ngồi bên cửa sổ, đan chài”. Thế nên, người đàn ông đan chài đã là hình ảnh quen thuộc trong đời sống của dân tộc Thái. Vì sống gần các khe suối, người Thái ở Bản Ngoang, xã Thẳm Dương (Văn Bàn) rất thạo nghề đan chài, lưới và các dụng cụ đánh, bắt cá để tìm kiếm nguồn thực phẩm, cải thiện bữa ăn hằng ngày và thết đãi khách.


Ông Hà Văn So vá lại chiếc chài bị rách.

Ở Bản Ngoang, đan chài không phát triển thành làng nghề, cũng chưa thành sản phẩm hàng hóa nhưng đa phần đàn ông trung tuổi trong làng thường rất thạo việc đan chài. Trong mỗi gia đình người Thái đều có từ 1 đến 2 chiếc chài với kích cỡ khác nhau dùng đánh bắt cá. Để hiểu rõ hơn công việc này, chúng tôi tìm đến nhà ông Hà Văn So, một người đan chài thành thạo trong làng. Từ khi còn là chàng thanh niên 17, 18 tuổi, ông So đã biết đan chài. Ông cho biết: Trước kia, nguồn cước khan hiếm, người dân nơi đây phải đan chài bằng sợi chỉ bông được xe kỹ. Bây giờ cước rất sẵn, giá cả hợp lý nên tôi mua dây cước ngoài chợ để đan chài, đan lưới. Dùng dây cước đan, chài cũng chắc hơn, ít bị rách, tuột dây.

Treo chài ra hiên nhà để vá lại chiếc chài cũ bị rách mấy mối, ông So chia sẻ sơ lược quy trình và kỹ thuật đan: Dây cước là vật liệu chính, kim đan được làm bằng tre hoặc trúc, vót nhọn 2 đầu có ngạnh, ở giữa có lỗ thủng để luồn cước qua. Chạc móc bằng tre để treo chài lên cao, khi đan phải treo ngược chạc để móc phần nóc chài. Sau khi đan bện xong dây nóc chài, người ta đan từ trên xuống, khi gần đến phần miệng thì có một vòng tròn được làm bằng mây hoặc tre vót vòng tròn để làm cân thân chài và dễ đan.

Ông So cho biết thêm: Khi đan, dùng kim móc cước thắt nút vòng vào nhau kết hợp động tác các ngón tay phải khéo léo để có được mặt chài bằng đều nhau, đan mắt chài theo từng vòng từ trái qua phải, cứ thế dần dần xuống phía dưới.

Đặc điểm chính của chài là mắt phía trên bao giờ cũng được đan thưa, càng xuống phía dưới đáy càng dày. Khi đan xong phải mắc vào miệng chài một vòng xích sắt (gồm những vòng tròn nhỏ, đường kính khoảng 1,5 - 2 cm, móc vào nhau). Vòng xích phải đủ nặng để khi quăng, cá không thể chui ra ngoài.

Mỗi buổi chiều sau khi kết thúc công việc đồng áng, ông So lại mang chài ra suối Nậm Con bắt cá. Có ngày chỉ được ít cá nhỏ nhưng đây là một thú vui, góp phần cải thiện bữa ăn gia đình. Sản phẩm làm ra không tạo cho người dân có thêm thu nhập lớn nhưng cũng giải quyết nhu cầu cấp thiết trong sinh hoạt. Vì vậy, nghề này vẫn còn phổ biến trong các gia đình người Thái ở Bản Ngoang, tạo nên nét riêng trong đời sống văn hóa.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT