Non nước Việt Nam

Gìn giữ nhà vườn xứ Huế

Cập nhật: 18/01/2021 08:46:14
Số lần đọc: 1033
Mang bản sắc riêng độc đáo, hệ thống nhà vườn là tài sản của văn hóa xứ Huế. Tuy nhiên, trải qua hàng trăm năm chịu tác động từ thời tiết, thiên tai, kiến trúc nghệ thuật của các nhà vườn cổ hiện xuống cấp nghiêm trọng. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang tích cực triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”.


Ngôi nhà rường cổ của bà Lê Thị Túy ở số 2/3 Phú Mộng, phường Kim Long, TP Huế.

Ðầu tư bảo tồn nhà vườn

Mười năm sau khi chủ nhân là bà Xuân Yến qua đời, vào năm 2018, nhà vườn An Hiên (phường Kim Long, TP Huế) đã được chuyển nhượng cho Công ty Khách sạn Silk Path ở Hà Nội. Nhiều người Huế quan tâm và yêu thích ngôi nhà vườn này từng lo lắng trước nguy cơ ngôi nhà vườn rộng gần 6.000 m2 bị chia năm, xẻ bảy và cũng lo rằng, việc tu sửa tân trang sẽ làm mất đi những giá trị đặc sắc của vườn An Hiên. Có thể nói, đây là ngôi nhà vườn đặc sắc và tiêu biểu cho nét văn hóa riêng, từ lịch sử, nghệ thuật tạo lập đến cái tên vẫn là nhà vườn An Hiên này. Ngôi nhà vườn nguyên là phủ An Hiên do một vị quan triều Nguyễn xây dựng cuối thế kỷ 19. Năm 1934, quan tuần phủ Nguyễn Ðình Chi mua lại phủ An Hiên. Sau này, vợ ông là bà Xuân Yến (Tuần Chi) đã tạo lập An Hiên thành một khu vườn kiểu Huế, lấy cái đẹp hoa lá cây trái làm trọng. Ngôi nhà vườn đã trở nên nổi tiếng hơn qua bút ký “Hoa trái quanh tôi” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ðiều đáng mừng là sau khi mua lại, Silk Path đã tìm mọi cách để phục hồi những giá trị đặc sắc một thời của An Hiên. Họ giữ nguyên từng gốc bạch mai, trà mi, hải đường, từng cây mít, cây dâu mà bà Xuân Yến đã trồng và đưa thêm nhiều thứ cây cối giá trị khác bổ sung. Chủ nhân mới cũng đã tìm kiếm khắp nơi để mua lại những hiện vật nội thất của nhà vườn An Hiên thất lạc để đưa về đây trưng bày. Theo đại diện chủ sở hữu nhà vườn, khi quyết định mua lại nhà vườn An Hiên, đơn vị không đặt nặng doanh thu mà muốn bảo tồn giá trị lịch sử hiếm có. Sau khi đưa vào hoạt động, mỗi ngày, nhà vườn đón từ vài chục đến vài trăm du khách đến tham quan, chụp hình, nghe ca Huế. Ngôi nhà còn trở thành điểm đến hấp dẫn với các đạo diễn, nhà làm phim muốn lấy bối cảnh nhà vườn, không gian trầm lặng nên thơ của Huế.

Thế nhưng, không phải ngôi nhà vườn nổi tiếng nào ở Thừa Thiên Huế cũng may mắn như An Hiên. Hầu hết các nhà vườn ở Huế đều được xây dựng trước năm 1945 nay đã xuống cấp do ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết khắc nghiệt. Châu Hương Viên của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị tại phường Vỹ Dạ (TP Huế) vốn là một khu nhà vườn rộng lớn, tráng lệ, chuẩn mực cho kiến trúc nhà vườn Huế đầu thế kỷ 20, song đến nay, người thừa kế ngôi nhà này không có điều kiện chăm sóc, sửa chữa nên khu nhà vườn chỉ còn duy nhất một ngôi nhà rường cổ xập xệ. Nhìn rộng ra, nhà vườn Huế còn đứng trước nguy cơ bị thu hẹp do đô thị hóa diễn ra nhanh, lối sống đô thị thay đổi dẫn đến đất vườn bị phân chia, chuyển nhượng, phát sinh cải tạo xây dựng nhà, có nơi bị xé lẻ để bán.

Từ năm 2006, HÐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nghị quyết về bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn 2006 - 2010. Theo đó, 150 nhà vườn được đề xuất triển khai bảo vệ, trùng tu và tôn tạo. Do số lượng được đề xuất bảo tồn quá lớn, trong khi các chính sách hỗ trợ về thuế sử dụng đất không được áp dụng cơ chế đặc thù như miễn thuế đất, các chủ nhà vườn có diện tích lớn gặp nhiều khó khăn nên chính sách bảo vệ nhà vườn Huế chậm được triển khai. Ðể tiếp tục hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có sự điều chỉnh các chính sách hỗ trợ nhà vườn cổ. Theo đó, giai đoạn từ 2015 - 2020, tỉnh đã tập trung hỗ trợ để bảo vệ, trùng tu, tôn tạo từ 25 đến 40 nhà vườn Huế đặc trưng, thay vì 150 nhà vườn. Kinh phí trùng tu cho nhà loại một cao nhất không quá 700 triệu đồng/ngôi nhà; nhà loại hai không quá 500 triệu đồng và nhà loại ba không quá 400 triệu đồng/ngôi nhà. Các nhà vườn trong diện bảo tồn bảo đảm các yếu tố, như diện tích vườn phải lớn hơn 600 m2, có kiến trúc, mỹ thuật của nhà đặc trưng Huế, như: nhà rường một gian hai chái, ba gian hai chái, các cấu kiện chạm trổ công phu.

Hiện toàn TP Huế còn 76 nhà vườn đạt tiêu chí nhà vườn Huế đặc trưng. Thực hiện đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”, đến nay thành phố đã có 10 trong số 18 nhà vườn tham gia đề án được hỗ trợ kinh phí trùng tu, chiếm khoảng 61%; 39 nhà vườn được đánh giá xếp loại và đưa vào danh sách vận động tham gia. Ðến nay, UBND tỉnh đã cấp cho Quỹ Hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng hơn 9,3 tỷ đồng để hỗ trợ trùng tu tôn tạo. Tháng 4-2020, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt danh sách nhà vườn tham gia hỗ trợ trùng tu tại huyện Phong Ðiền và TP Huế.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP Huế, kiêm Phó Trưởng ban quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế Phạm Thị Quỳnh Dao cho biết, theo thống kê của TP Huế, từ 300 ngôi nhà vườn có hàng trăm năm tuổi, qua 20 năm không được trùng tu, sửa chữa, đến nay nhiều nhà xuống cấp, hư hỏng; một số nhà không có điều kiện trùng tu nên đã tháo hạ, tập trung nhiều tại các phường Kim Long, Thủy Biều, Vỹ Dạ, Phú Nhuận... Ðể triển khai đề án hỗ trợ nhà vườn Huế năm 2021 và các năm tiếp theo có hiệu quả, cuối tháng 8-2020, Ban quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế đã đến nhà vườn tại các phường Phú Cát, Kim Long, Phú Nhuận, Vỹ Dạ, Phú Hiệp và Thủy Biều để vận động, đồng thời giới thiệu chính sách hỗ trợ đến từng chủ nhà với mong muốn các nhà vườn tự nguyện đăng ký tham gia đề án.

Chúng tôi đã đến thăm làng cổ Phước Tích (huyện Phong Ðiền) bên dòng Ô Lâu hiền hòa, cách trung tâm TP Huế khoảng chừng 45 km. Ðây là ngôi làng thứ hai của Việt Nam được công nhận là làng di sản cấp quốc gia. Trong làng hiện có 117 ngôi nhà, trong đó có 24 ngôi nhà cổ có giá trị, ngôi nhà cổ nhất được dựng vào năm 1850, kế đến là ngôi nhà được dựng vào năm 1870. Hệ thống đường, cây xanh nối liền nhau một cách tự nhiên và sinh động làm nên một vùng sinh thái độc đáo. Tham gia đề án bảo tồn và hỗ trợ  nhà vườn, làng Phước Tích đang có 25 trong số 26 nhà vườn tham gia đề án nêu trên, trong đó có 14 nhà loại một, chín nhà loại hai, ba nhà loại ba. Năm 2017, tỉnh đầu tư kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng trùng tu ba nhà vườn; năm 2018 đầu tư hơn 5,95 tỷ đồng trùng tu tám nhà, năm 2019 đầu tư gần 5,3 tỷ đồng trùng tu chín nhà. Năm 2020, tỉnh tiếp tục đầu tư hơn hai tỷ đồng trùng tu ba nhà, trong đó có một nhà loại một. Một số chủ nhân nhà vườn đã chủ động cùng với kinh phí hỗ trợ từ đề án để đầu tư trùng tu lớn. Có thể nói, với những lợi thế về quần thể nhà rường cổ, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, nhà thờ, di tích văn hóa Chăm Pa..., làng cổ Phước Tích ngày nay đang trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với khách du lịch.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, Thừa Thiên Huế đang lưu giữ hàng trăm nhà vườn (còn gọi là phủ phòng), trong đó có hơn 50 ngôi nhà được xem là di sản có một không hai của nhân loại. Kiến trúc phủ phòng phản ánh văn minh, văn hóa cố đô Huế thế kỷ 19. Vấn đề đặt ra là cần sớm lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới đối với nhà vườn Huế.

Gắn trùng tu với phát triển du lịch

Là chủ nhà vườn hội tụ đầy đủ các tiêu chí nhà vườn Huế đặc trưng, như tuổi đời hơn 200 năm, diện tích 17.000 m2, từ năm 2018, ông Hồ Xuân Doanh, ở phường Thủy Biều (TP Huế) được hỗ trợ 700 triệu đồng để tu sửa và nâng cấp nhà vườn của mình. Ðầu năm 2019, gia đình ông Doanh quyết định tự đầu tư thêm 500 triệu đồng xây dựng thêm một căn nhà rường chuẩn Huế để phát triển một số dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu khách tham quan, thưởng thức ẩm thực Huế. Gia đình ông đã cải tạo vườn, trồng mới thêm một số cây ăn quả, rau xanh để phục vụ du khách.

Tại phường Kim Long, trong hai năm 2017-2018, có bốn nhà vườn được nhận hỗ trợ sửa chữa từ đề án, gồm nhà vườn ông Hoàng Xuân Bậc, Lê Lương, Hồ Văn Bình và Ðoàn Kim Khánh. Chủ nhà vườn Hoàng Xuân Bậc (34 Phú Mộng, phường Kim Long), ông Hoàng Xuân Tiệp cho rằng, sau khi nâng cấp, ngôi nhà đã khang trang và sạch đẹp hơn nhiều so với trước, nhờ đó lượng khách ngày càng đông. Ngoài 500 triệu đồng được đề án hỗ trợ, gia đình đầu tư thêm 200 triệu đồng xây dựng khu ẩm thực. “Nếu không có nguồn hỗ trợ từ đề án, gia đình chúng tôi rất khó trùng tu vì nguồn kinh phí lớn”, ông Tiệp chia sẻ.

Những quy định về chính sách quản lý và bảo vệ nhà vườn của đề án phù hợp tình hình thực tế và cơ bản đáp ứng nguyện vọng của phần lớn chủ nhà vườn. Họ thấy rõ được lợi ích khi tham gia đề án nên tích cực hưởng ứng và phối hợp thực hiện. Mặt khác, nhiều chủ nhà vườn không còn lo ngại bị ảnh hưởng đến quyền sở hữu, thừa kế, sử dụng.

Theo Phó Trưởng Ban quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế Phạm Thị Quỳnh Dao, sau khi tu sửa, một số nhà vườn Huế đặc trưng đã đầu tư kinh phí để mở thêm các dịch vụ du lịch, như cho thuê xe đạp tham quan nhà vườn, ẩm thực, ngâm chân, trải nghiệm làm mứt, kẹo, làm hương… Các doanh nghiệp như Huetourist cũng đã vào cuộc khi nhanh chóng mở tua du lịch hấp dẫn “Sáng Thủy Biều, chiều Tam Giang”, đưa khách đến tham quan nhà vườn Thủy Biều. Ðến nay, có chín nhà vườn tham gia đề án tổ chức kinh doanh du lịch, phục vụ du khách. Trong đó, ba nhà vườn kinh doanh dịch vụ homestay; nhiều nhà đạt doanh thu từ 30 đến 90 triệu đồng/tháng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Trần Song cho biết, đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” không bắt buộc các chủ nhà vườn đủ điều kiện phải tham gia, mà xuất phát từ ý thức tự nguyện của các chủ nhà vườn. Thành phố đã chỉ đạo Ban quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách đến từng chủ nhà vườn để tìm hiểu nguyện vọng, giải đáp các thắc mắc, khuyến khích họ tham gia.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT