Những làng nghề truyền thống ở Hà Giang
Hà Giang không chỉ nổi tiếng với những cảnh rừng già núi đá chập trùng mà còn được biết đến là địa bàn cư trú của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số. Ngoài việc sở hữu kho tàng văn hóa sắc tộc đa dạng, người dân nơi đây còn duy trì và phát triển nhiều nghề truyền thống cha truyền con nối từ đời này qua đời khác.
Nghề dệt vải lanh
Cách trung tâm huyện Quản Bạ chừng 20km, xã Lùng Tám là nơi cư trú và sinh sống của một bộ phận tộc người H’Mông, cũng là một “làng nghề truyền thống” nổi tiếng với nghề dệt vải lanh.
Nghề dệt vải lanh là nghề thủ công mà đồng bào H’Mông ở đây đã duy trì và phát triển từ rất nhiều đời nay, từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Tới đây, du khách không chỉ bị hút hồn bởi cảnh núi non hùng vĩ mà còn phải nao lòng trước những cô gái H’Mông ngồi bên khung cửi đai lưng dệt vải. Theo quan niệm truyền thống, se lanh dệt vải là công việc mà bất kỳ phụ nữ H’Mông nào cũng phải thành thạo khi đến tuổi trưởng thành. Mọi công đoạn dệt vải của họ đều được thực hiện thủ công, từ trồng cây, tách vỏ đến se sợi, dệt lanh với những dụng cụ thô sơ, đơn giản.
Nghề chạm bạc
Nếu có dịp đến Hà Giang, chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua hình ảnh những cô gái người Dao trong bộ trang phục màu chàm, với những món đồ trang sức như xà tích, vòng cổ, hoa tai…bằng bạc lấp lánh. Đó đều là những sản phẩm được ra đời từ các làng nghề chạm bạc truyền thống ở huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Yên Minh, Vị Xuyên, Mèo Vạc…
Trên khắp cao nguyên đá này, không chỉ có một mà có rất nhiều làng nghề chạm bạc thủ công.
Những sản phẩm bạc đều mang nét đặc trưng riêng của mỗi tộc người khác nhau nhưng đều có chung một điểm là rất độc đáo và tinh xảo. Với những mảnh bạc vụn thô ráp, các nghệ nhân vùng cao đã khéo léo tạo hình và chạm, khắc nhiều hoa văn tinh tế thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc.
Sau những chiếc bếp lò đỏ lửa, người thợ miệt mài với đe, búa, kìm, nỉa… để tao ra những món đồ trang sức như vòng tai, lắc, nhẫn…theo chân các thiếu nữ đến các lễ hội và phiên chợ vùng cao, tạo điểm nhấn khó quên về đồng bào dân tộc Dao.
Nghề làm khèn
Nhắc đến Hà Giang, chúng ta không thể không nhắc đến tiếng khèn của những chàng trai bản. Cây khèn mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với đời sống tinh thần của đồng bào Mông. Đó chính là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, là tâm hồn, là bản sắc của đồng bào dân tộc Mông.
Họ có thể chế tác ra những chiếc khèn Mông làm trái tim ai xao xuyến. Để làm một chiếc khèn 6 ống và một bầu cộng hưởng, họ phải tìm đúng và đủ các nguyên liệu cho mỗi bộ phận của một chiếc khèn như gỗ, vỏ cây đào rừng và trúc. Sau đó, họ lại mất thêm gần 10 ngày để chế tác thành một chiếc khèn hoàn thiện.
Mặc dù công cụ chế tác thô sơ mộc mạc, kỹ thuật làm khèn chỉ phụ thuộc vào độ tinh nhạy và khéo léo của đôi mắt và đôi tay nhưng những chiếc khèn này lại có âm thành trầm bổng, da diết.
Nghề làm giấy bản
Từ năm 1925, người Dao nơi đây đã biết tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn từ thiên nhiên là cây vầu non, dây leo để làm ra giấy bản nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tâm linh của mình, thường sử dụng trong các nghi lễ cấp sắc, cầu an, ma chay, cưới hỏi….. Mỗi tờ giấy bản không chỉ mỏng tang mà còn bền, dai, màu đẹp, phảng phất hương thơm của cây rừng nhưng lại được làm từ những công cụ thô sơ.
Nghề rèn
Nghề rèn là nghề truyền thống của nhiều bà con dân tộc ở huyện Vị Xuyên, Xín Mần, Mèo Vạc ở Hà Giang.
Sản phẩm rèn làm ra thường là những công cụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và quá trình lao động sản xuất của con người như: con dao, lưỡi cày, liềm, lưỡi cuốc… nhìn bề ngoài không có độ bóng bẩy nhưng nói về độ bền thì hiếm nơi nào có được.
So với nghề thủ công khác, nghề rèn đòi hỏi sức khỏe vì mất nhiều công sức. Người làm nghề rèn phải thật sự khỏe có đôi tay rắn chắc để làm ra nhiều sản phẩm trong thời gian ngắn. Bên cạnh sức khỏe, người nghệ nhân cũng cần có sự khéo léo và điêu luyện.
Nguồn: TTXTDL Hà Giang