Làng Bá Dương Nội (Hà Nội) lưu giữ thú chơi diều truyền thống
Người dân làng Bá Dương Nội với thú chơi diều. Ảnh tư liệu
Tự hào thú chơi truyền thống
Ở làng Bá Dương Nội, các cụ cao niên vẫn thường kể cho thế hệ trẻ về thú chơi diều truyền thống để nhắc nhớ về một truyền thống đẹp. Theo đó, thú chơi diều và lễ hội thả diều ở làng (diễn ra vào rằm tháng Ba hằng năm) gắn liền với tích ông Nguyễn Cả, một vị tướng giỏi thời nhà Đinh. Tương truyền, tướng Nguyễn Cả sau khi cùng vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân đã về quê dạy người dân trồng trọt, mở mang cơ nghiệp. Những ngày tháng hưởng cuộc sống điền viên, ông bày cho đám trẻ nhiều trò vui, trong đó có thả diều. Sau khi ông mất, người dân lập miếu thờ và mở hội thi diều hằng năm để tưởng nhớ công ơn của vị tướng.
Người làng Bá Dương Nội thả diều quanh năm, miễn là có thời gian và thời tiết đẹp. Song có lẽ, những cánh diều xuất hiện nhiều nhất trên bầu trời quê là vào mùa hè, khi gió nồm nam thổi mát. Có lẽ, đây là một trong số ít những ngôi làng có nhiều người dân biết làm và thích thả diều ở nước ta.
Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Hữu Khiêm tâm sự: “Người dân làng Bá Dương Nội làm nhiều loại diều và thường gọi theo hình dáng như diều cánh phản, diều cánh muỗm, diều cánh chanh. Cuộc sống đổi thay, kỹ thuật làm diều cũng được cải tiến hơn. Ngày xưa, chúng tôi dán cánh diều bằng giấy nên nhanh rách, nay thay bằng vải bạt bền chắc. Hay trước kia người ta thường dùng dây đay để làm dây diều thì nay dùng dây nilon cho độ bền cao. Bộ khung diều xưa được làm bằng những thanh tre nguyên đoạn dài, nay cũng được cải tiến thành các khớp nối có thể gấp gọn lại...”.
Ngoài kỹ thuật làm diều, người làng Bá Dương Nội còn có tài làm sáo diều. Sáo diều thường được làm bằng tre già. Mặt sáo làm từ gỗ vàng tâm, gỗ dổi hoặc gỗ mít vừa nhẹ, mềm, dễ làm mà các thớ gỗ lại không bị sứt nẻ, co ngót. Khi lên cao, sáo diều ngân nga những âm thanh du dương, trầm bổng, tùy theo sự kết hợp của từng cặp sáo... Đó là sự kết tinh của đôi bàn tay tài hoa và tâm hồn của người nghệ nhân chế tác sáo.
Bảo tồn nét văn hóa đặc sắc
Lý giải vì sao người dân làng Bá Dương Nội vẫn giữ được thú chơi diều truyền thống trước bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở ngôi làng ven đô này, NNƯT Nguyễn Hữu Khiêm cho rằng, đó là bởi cánh diều đã gắn bó hàng ngàn năm với dân làng Bá Dương Nội. Ngay từ khi còn nhỏ, người dân đã được đắm mình trong tiếng sáo diều du dương và thả diều khắp các triền đê. Cứ thế, tình yêu với cánh diều dần ngấm vào máu thịt. “Tôi quan niệm, chơi diều là chơi cho mình. Đó không chỉ là thú chơi mà còn hội tụ những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Cùng với đó là ước vọng về hòa bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi cho mọi người” - ông Nguyễn Hữu Khiêm nói.
Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà cho biết: “Câu lạc bộ diều làng Bá Dương Nội được thành lập với 25 thành viên. Nhiều người đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân, trong đó có 3 NNƯT Nguyễn Hữu Khiêm, Phạm Gia Độ (cụm 4), Phạm Văn Mai (cụm 3), ngoài ra có 2 người được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian là ông Nguyễn Mạnh Vượng (cụm 4) và ông Nguyễn Văn Bồi (cụm 8). Ngoài những nghệ nhân lớn tuổi, thế hệ trẻ cũng rất tài giỏi. Nhiều người trong số họ đang được các cấp, ngành hoàn thiện hồ sơ trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNƯT. Đó là sự tiếp nối để thú chơi diều của làng được giữ gìn. Chúng tôi muốn khai thác nét đẹp văn hóa này kết hợp với các điểm đến hấp dẫn để phát triển du lịch trên địa bàn huyện”.
Làm diều, chơi diều đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của làng quê ven sông Hồng. Mỗi độ tháng Ba về, làng Bá Dương Nội lại tưng bừng mở hội thi nhằm chọn ra những cánh diều đẹp nhất, bay cao nhất và có tiếng sáo diều hay nhất... để trao giải. Hội thi đã vượt ra ngoài không gian làng quê và ngày càng thu hút đông đảo du khách đến tham quan, thưởng thức. Trước bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, việc bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội và thú chơi diều của làng Bá Dương Nội càng cần được quan tâm hơn để hình ảnh làng quê truyền thống với những đặc trưng văn hóa còn mãi trong đời sống của người dân.