Non nước Việt Nam

Ninh Thuận: Làng gốm cổ Bàu Trúc

Cập nhật: 03/08/2021 10:10:10
Số lần đọc: 1026
Bàu Trúc là một trong số những ngôi làng cổ xưa nhất Đông Nam Á của người Chăm, đồng thời cũng là làng duy nhất làm gốm hoàn toàn thủ công bằng tay.



Ở trung tâm làng gốm Bàu Trúc có gian trưng bày với nhiều tác phẩm gốm thủ công độc đáo.

Nằm ở ven quốc lộ 1A, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 10 km về phía Nam là làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ở đây có khoảng 400 hộ gia đình, trong đó có trên 80% hộ vẫn tiếp tục theo nghề gốm.

Bàu Trúc là một trong số những ngôi làng cổ xưa nhất Đông Nam Á của người Chăm, đồng thời cũng là làng duy nhất làm gốm hoàn toàn thủ công bằng tay. Cùng với làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, làng gốm Chăm Bàu Trúc đều nằm trong chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của người Chăm, trở thành điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Ninh Thuận.

Ngôi làng Bàu Trúc trước đây có tên gọi theo tiếng Chăm là Paley Hamu Trok, có nghĩa là Ma Tró hay “làng trũng” trong tiếng Việt, xưa là địa danh làng Vĩnh Thuận thời Minh Mạng năm 1832. Vào năm 1964, do một trận lụt lớn mà dân làng phải di dời về vùng đất có nhiều cây trúc bên cạnh một cái ao lớn. Từ đó người dân gọi là làng Bàu Trúc. Làng phát triển được nghề gốm nhờ có mỏ đất, mỏ cát riêng biệt chỉ phù sa sông Quao mới có.

Theo truyền thuyết của người Chăm, tổ nghề của làng gốm Bàu Trúc chính là ông Poklong Chanh, vào thời hưng thịnh nhất của triều đại Poklong Garai đã từ chối làm quan triều đình và về làng dạy cho phụ nữ Chăm cách nắn, nung đất sét tạo thành những vật dụng phục vụ đời sống hàng ngày. Những người phụ nữ Chăm đã thổi hồn vào đất sét vùng sông Quao, tạo ra những tác phẩm tuyệt vời và giữ lửa cho nghề gốm truyền thống suốt hơn nghìn năm nay. Bởi thế, ở Ninh Thuận, phụ nữ người Chăm ai ai cũng biết làm gốm, còn đàn ông chỉ tham gia vào những việc như đập đất, nung gốm.

Tưởng nhớ công ơn của tổ nghề gốm, bà con ở đây đã lập đền thờ, tổ chức cúng tế ông Poklong Chanh vào dịp lễ Katê từ cuối tháng 9 đến tháng 10 theo lịch Chăm hàng năm ở Tháp Chàm Poklong Garai.

Để làm ra sản phẩm gốm Bàu Trúc, người ta dùng loại đất có độ dẻo cao. Đất được làm sạch, đập nhuyễn, ngâm nước, sau đó trộn với cát trắng hạt nhỏ theo tỷ lệ 2 đất sét 1 cát. Khâu chuẩn bị đất phải rất kỹ lưỡng, chỉ cần sót ít bụi bẩn thì sản phẩm sau khi nung sẽ bị nứt, hư hỏng ngay. Người làm gốm gửi tình cảm, tâm tư của mình vào từng đường nét hoa văn. Vì vậy sản phẩm của mỗi người thợ có những “tiếng nói” riêng không thể trộn lẫn được.

Điểm đặc biệt, độc đáo của làng nghề này là cách thức làm gốm truyền thống mà không cần dùng đến bàn xoay, tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào sự sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa, kinh nghiệm của người nghệ nhân một lòng đam mê, nhiệt huyết với nghề mà ông cha đã truyền lại. Đó chính là tinh hoa, nghệ thuật với nét riêng biệt, không trùng lẫn với bất kỳ nghề gốm của dân tộc nào.


Nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc tạo sản phẩm mà không cần dùng đến bàn xoay.

Các nghệ nhân sử dụng đôi bàn chân để làm bệ đỡ thay cho bàn xoay, đồng thời dùng đôi tay khéo léo của mình để tạo nên những sản phẩm độc đáo. Sau khi tạo dáng, sản phẩm được phơi nắng 4-6 giờ rồi dùng mảnh sành làm láng. Hoa văn trên gốm Bàu Trúc là những đường chạm khắc mang đậm nét văn hóa Chăm Pa, chủ yếu là hình răng cưa, khắc vạch, hình sóng nước, chấm vỏ sò, hoa văn móng tay…

Sản phẩm gốm Bàu Trúc được làm nhiều nhất là những bức phù điêu của phụ nữ Chăm, các vị vua Chăm, hình ảnh của vũ nữ và những vật dụng sử dụng hàng ngày trong đời sống. Không quá nhiều màu sắc cầu kỳ, cũng không tô vẽ, không dùng men, nhưng gốm Bàu Trúc đã mang một nét đẹp rất riêng có tính nghệ thuật cao bởi hình dáng sản phẩm, sự mộc mạc, cẩn thận, tỉ mỉ, tinh tế trong từng nét chạm khắc.

Gốm mộc được sản xuất trong khoảng 5-10 ngày rồi đem ra nung. Kỹ thuật nung cũng khá đặc biệt, không phải là lò nung điện hay than mà là được đun trực tiếp bằng rơm và củi xung quanh sản phẩm. Gốm được xếp bên trên một lớp củi khô và chất rơm lên trên cùng, thế nên khi ra lò, chất gốm cũng tạo nên một nét đặc sắc không nhầm lẫn ở đâu được. Thời gian nung khoảng từ 4-5 giờ, màu sắc gốm được tạo nên từ nhiều mảng màu tự nhiên vừa có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám như màu khói ám, rồi vệt nâu, tạo thành các sản phẩm gốm độc đáo, mang đặc trưng nền văn hóa Chăm. Sản phẩm ra lò được những già làng chọn lựa, chỉ những sản phẩm đủ tiêu chuẩn mới được đưa ra thị trường tiêu thụ. Nhờ coi trọng chất lượng, sản phẩm gốm làng Bàu Trúc không những được thị trường các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên ưa thích mà còn vươn ra cả thị trường quốc tế. Sản phẩm gốm Bàu Trúc hiện nay được trưng bày ở một số phòng trưng bày và quầy bán ở Mỹ như California, Texas… thu hút khách đến tham quan, tìm hiểu và mua hàng.

Đến tham quan làng gốm Bàu Trúc, du khách được theo dõi các nghệ nhân nắn, tạo hình gốm với những đôi bàn tay tài hoa, điêu luyện cùng những thao tác kỹ thuật vô cùng đẹp mắt, cũng có thể được trải nghiệm tự tay làm cho mình những chiếc bình hay cốc gốm, vẽ hoa văn và nung lửa như một nghệ nhân gốm thực sự. 

Với những giá trị độc đáo và đặc sắc, gốm của người Chăm Bàu Trúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận và đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Thủ tướng Chính phủ cũng đã trình Tổ chức UNESCO công nhận Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần phải bảo vệ khẩn cấp vào tháng 4/2019. Việc bảo tồn nghề gốm truyền thống vừa mang ý nghĩa kinh tế vừa là sự bảo tồn một trong những nghề thủ công truyền thống quan trọng của người Chăm Ninh Thuận còn lại cho đến nay./.

Đào Tú Uyên

Nguồn: Báo Đại đoàn kết

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT