Non nước Việt Nam

Hà Nội: Làng nghề cót nan Văn Khê

Cập nhật: 10/08/2021 09:03:19
Số lần đọc: 1006
Thôn Văn Khê (xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai), quê hương Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực (1417 - 1473) là một trong 4 làng nghề cót nan của huyện. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Mạnh Toàn, nghề cót nan (đan cót, rổ, rá, giỏ, nơm, thúng, mủng, bồ...) có mặt ở Văn Khê từ những năm 1920 và phát triển hưng thịnh nhất từ những năm 1950 đến những năm 1980.


Ảnh: Nguyễn Thắm.

Nguyên liệu đan lát chính gồm tre, nứa, lồ ô... Dù có đến hàng chục mặt hàng với hàng trăm mẫu mã nhưng đều được thực hiện với 7 công đoạn chính là: Chẻ nan, vót nan, gầy, đan, đát, lận và nứt. Khâu chẻ nan: Cưa tre, nứa, lồ ô... thành từng đoạn, dùng dao chẻ ra thành từng thanh mỏng, gọi là nan, với độ dày mỏng và to nhỏ khác nhau tùy theo loại sản phẩm.

Khâu vót nan: Dùng dao để vót nan, trau chuốt làm cho nan trơn láng thích hợp, mỏng và đều. Khâu gầy (gây, vào hàng): Sắp xếp các nan đầu tiên theo quy cách riêng của loại sản phẩm để tạo thành đường nét căn bản.

Khâu đan: Cách đan tùy loại sản phẩm, có thể là đan lóng (lòng) mốt (một nan đè một nan), đan lóng hai (đè qua hai nan), đan mắt cáo (hình lục giác)... Khoảng cách các nan tùy theo loại sản phẩm (thưa hoặc dày). Khâu đát, thực chất cũng là đan, thực hiện sau khi đã đan xong phần chính của sản phẩm và đan với nan nhỏ hơn, mắt đan dày hơn. Đây là khâu cần sự tỉ mỉ, tốn thời gian.

Khâu lận là tạo nên hình dáng của sản phẩm: Đặt phần mê lọt vào trong vành, tạo độ sâu nông khác nhau theo loại sản phẩm, sau đó cạp (cặp) vành, cắt bỏ đầu nan thừa cho miệng sản phẩm được bằng phẳng.

Khâu cuối cùng là nứt: Dùng dây mây để buộc vành trong, vành ngoài và phần mê lại với nhau bằng cách nứt đơn hay nứt kép tùy theo sản phẩm. Sau đó, sản phẩm được đem phơi nắng, treo ở nhà bếp hoặc hấp sấy cho khô nhằm chống mốc ẩm và mối mọt.

Ông Nguyễn Văn Nhẫn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hương, cho biết: Thời kỳ cao điểm, địa phương có gần 1.600 lao động làm nghề. Hiện nay, do nhu cầu hàng cót nan giảm nên chỉ còn gần 500 lao động làm nghề với thu nhập 70 - 100 nghìn đồng/người/ngày. Người lao động luôn cố gắng thay đổi về mẫu mã và chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Mong muốn của người dân là các cấp hoàn thành dự án xây dựng điểm công nghiệp làng nghề để các hộ có mặt bằng sản xuất rộng rãi; cùng với đó, có chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Lam Điền

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT