Gỏi sầu đâu giao duyên hai miền
Những ngày cuối xuân đầu hạ, khi miền Bắc và miền Trung bỗng chốc mơ màng với hoa xoan nở tím trời, thì tận miền Tây, một loài cây cùng họ hàng có tên là sầu đâu cũng nở chùm hoa trắng và ra lá non xanh.
Gỏi sầu đâu. Ảnh: B.N
Đất miền Tây mênh mông sông nước, lại đầy nắng gió, nên cái món khô cá có thể bắt gặp bất cứ đâu.
Con cá tóm được trên đồng, trên những con mương dọc miệt vườn, hay trên sông Tiền sông Hậu mênh mông, xẻ ra rồi cứ mặc cho nắng gió miền Tây làm săn lại từng thớ thịt.
Khô cá lóc đồng Cà Mau, khô cá sặc Bạc Liêu, khô cá tra phồng An Giang, khô cá dứa Cần Giờ, rồi khô cá lòng tong, khô nhái, khô cá kèo, đủ loại khô cá, cứ như có cá là có khô.
Người miền Tây có lẽ cũng mê gỏi như xứ miền Trung. Có khô rồi, họ bứt mấy lá sầu đâu non, bứt thêm trái xoài non ngoài vườn, rồi vô nhà lục kiếm vài con khô cá nướng lên lửa than.
Có khi mấy con khô cá được lia vô đống rơm khô cho thơm nức, đem xé vụn ra. Mớ lá sầu đâu non vừa trụng sơ với nước sôi lên màu xanh mát mắt, thêm ít xoài băm hoặc thái sợi, trộn với khô cá vừa xé, rồi chan chén mắm me lên.
Món ăn chỉ dân dã và bình dị là vậy, nhưng lại trở thành đặc sản lúc nào không hay. Đi dọc vùng An Giang, hay Tây Ninh những ngày sau tết, từng chùm từng bó lá non kèm hoa trắng nho nhỏ được bày bán, như mời gọi tò mò.
Lá sầu đâu có vị đắng, ăn không quen sẽ nhăn mặt khi cái đắng chiếm đầy khoang miệng. Nhưng sau đó là vị mặn mà của khô cá, chút chua của mắm me. Nhai kỹ sẽ nghe mùi vị hòa trộn, rồi nuốt xuống, nghe vị hậu ngọt dần lan ra thay thế vị đắng từ từ tan ra đầu lưỡi. Có người nói, giống như uống một ly trà vậy, đắng ban đầu mà về sau lại ngọt.
Những ngày lang thang, bước chân người con gái miền Trung lạc vào tận đâu đó lênh đênh Tràm Chim, bồng bềnh chợ nổi Cái Răng. Thử tô hủ tiếu nức tiếng gây thương nhớ, rồi ăn lẩu cá linh non bông điên điển mùa nước nổi.
Đến cả nhâm nhi miếng thịt chuột đồng nướng lu hay mớ tép rong xào bông so đũa, rồi nhăn mặt xuýt xoa nghe vị đắng gỏi sầu đâu đầu hè.
Tôi bị hớp hồn bởi những cọng rau xanh mướt miền Tây, đến nỗi lên máy bay vẫn còn tha theo về cọng bông súng, bịch bông điên điển và bó ngọn sầu đâu lá non làm gỏi.
Miền Trung không có sẵn khô cá lóc, cũng chẳng quen với vị chén mắm me, tôi biến tấu món gỏi sầu đâu với tôm đất mẹ mua phiên chợ sớm. Những con tôm vừa bắt ở cửa sông, búng tanh tách, thêm ít thịt ba chỉ thái mỏng, rồi nướng sơ con mực khô, mà phải là con mực khô Tam Tiến.
Bởi món độc đáo này được ngư dân đánh bắt rồi phơi lên sào của thuyền đang lênh đênh ngoài biển, được làm khô bởi nắng gió Biển Đông. Vị ngọt của mực khô xé sợi, vị béo của thịt ba chỉ, và con tôm đất chắc thịt, hòa lẫn trong vị đắng của lá sầu đâu non, tôi gọi đây là món gỏi hai miền.
Một thứ lá chỉ có miền Nam, đã vượt ngàn cây số đường bay để giao duyên với con tôm con mực của biển miền Trung, ngọt ngào, giòn tan, thêm chút đắng đót, mà vị cứ đọng lại mãi.
Bảo Ngọc
Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Đăng ngày 05/05/2024