Hoạt động của ngành

Hà Giang bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 05/08/2024 14:05:48
Số lần đọc: 277
Hà Giang có cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống. Từ nguồn văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, sự phong phú về tiềm năng, lợi thế phát triển các loại hình du lịch, tỉnh Hà Giang đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa để phát triển du lịch.


Bảo tồn kiến trúc nhà trình tường truyền thống của người Mông Hà Giang.

Định vị văn hóa Hà Giang

Là tỉnh vùng cao biên giới thuộc vùng Đông Bắc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, quá trình hình thành nền văn hóa của vùng đất cực Bắc Tổ quốc gắn bó chặt chẽ với điều kiện tự nhiên và xã hội. Đây cũng là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc rất ít người như: Pà Thẻn, Lô Lô, La Chí, Pu Péo, Phù Lá…  Mỗi dân tộc đều sở hữu các giá trị văn hóa độc đáo riêng, gắn với các phong tục, tập quán và lễ hội truyền thống. Cùng với đó, những đặc trưng trong chữ viết, tiếng nói, hình thức văn học dân gian truyền miệng, trang phục, kiến trúc, công cụ sản xuất cũng tạo ra văn hóa đặc trưng cho Hà Giang.

Trải qua thăng trầm lịch sử và điều kiện tự nhiên đặc thù, những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ở Hà Giang được thể hiện ở văn hóa vật chất, các quan hệ ứng xử xã hội và đời sống tinh thần. Khác biệt tạo nên sự đa dạng, nổi bật nổi bật trong bức tranh văn hóa Quốc gia đó là Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Đặc biệt, sắc thái văn hóa của người dân tộc Mông tạo ra sự riêng biệt cho vùng đất này. Những di sản vật thể của người Mông thể hiện trong quá trình chinh phục tự nhiên, canh tác, tạo sinh kế trên đá, xây dựng nhà cửa với kiến trúc trình tường, bờ rào đá… Trong điều kiện sống tại vùng núi cao từ 800-1.700m so với mực nước biển, ngươi Mông sáng tạo ra phương pháp thổ canh hốc đá, canh tác nương đá để sản xuất. Họ cũng rất giỏi nghề đan lát, dệt vải lanh, đặc biệt là nghệ thuật múa khèn.

Làng Văn hóa du lịch dân tộc Mông xã Pả Vi (Mèo Vạc) được xây dựng độc đáo.

Nền văn hóa Hà Giang đa dạng, có sức hút đặc biệt thông qua nhiều lễ hội truyền thống. Trong đó, nhiều lễ mang hội thương hiệu du lịch Hà Giang, điển hình như: Lễ hội hoa Tam giác mạch, Lễ hội Khèn Mông, Lễ hội bàn Vương, Lễ hội Quỹa Hiéng (lễ hội Qua năm), Lễ hội Chợ tình Phong Lưu Khâu vai … Mỗi lễ hội đều mang những nét riêng của từng tộc người, điều kiện tự nhiên và môi trường sống đã tạo nên tính độc đáo riêng có. Kho tàng văn hóa Hà Giang còn thể hiện sinh động với 131 di sản văn hóa vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể. Nổi bật là các di sản của các dân tộc rất ít người có số dân dưới 10.000 người như: Bố Y, Lô Lô và Pu Péo, Cờ Lao… Tất cả những giá trị văn hóa đó đã tạo nên bức tranh văn hóa Hà Giang hài hoà, thống nhất vừa có những nét khác biệt riêng.

Bảo tồn văn hóa đưa du lịch “cất cánh”

Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Hà Giang được định hướng phát triển thành Khu du lịch Quốc gia. Trước bối cảnh thương mại hóa, việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc chính là “chìa khóa” tạo nên giá trị, sức hấp dẫn cho du lịch Hà Giang. Với chủ trương “Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn, phát triển văn hóa”, thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, tăng cường chỉ đạo các ngành tổ chức kiểm kê di sản, kiểm tra đánh giá thực trạng các di tích, danh thắng đã được xếp hạng trên địa bàn để tu bổ, tôn tạo. Nhờ đó, địa danh sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan.

Nghề làm nón hai mê của người Tày, huyện Quang Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Thực hiện chiến lược xây dựng du lịch xanh, bản sắc, Hà Giang tập trung phát triển du lịch dựa trên giá trị tự nhiên gắn với khai thác giá trị di sản Công viên Địa chất toàn cầu làm mũi nhọn, du lịch văn hóa làm nền tảng. Tỉnh tập trung xác định ưu thế và đối tượng ưu tiên bảo tồn đó là cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ Cao nguyên đá Đồng Văn và sự đa dạng trong văn hóa của đồng bào 19 dân tộc. Hà Giang đã ban hành nhiều chính sách bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, như : Các nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; xóa bỏ hủ tục; bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hoá đặc trưng của dân tộc Mông; giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong trường học…

Từ chủ trương “Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn các giá trị văn hóa”, công tác bảo tồn đã tạo ra cho Hà Giang những sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao. Nổi bật, là các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có 35 Làng văn hoá du lịch cộng đồng, trong đó, nhiều làng nhận Giải thưởng của ASEAN và công nhận OCOP 3 sao. Tỉnh đầu tư xây dựng, hoàn thiện chất lượng dịch vụ tại 106 điểm du lịch. Quy hoạch vùng du lịch theo 3 không gian chính là không gian du lịch đồi núi thấp; không gian du lịch đồi núi đá phía Bắc và không gian du lịch đồi núi đất phía Tây. Các không gian được gắn với sản phẩm du lịch thương mại, nông nghiệp, sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng và nghỉ dưỡng.

Lễ cúng tổ tiên đặc trưng của người Lô Lô tại Hà Giang.

Tích cực bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, ngành Văn hóa Hà Giang phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp thêu hoa văn trang phục, truyền dạy làn điệu dân ca, dân vũ và kỹ thuật sử dụng nhạc cụ truyền thống. Xác định nòng cốt trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là đội ngũ nghệ nhân dân gian, do đó, Hà Giang quan tâm thành lập, duy trì trên 190 Hội nghệ nhân dân gian với trên 9.000 hội viên. Thành viên chủ chốt là những người cao tuổi, người có uy tí rất am hiểu phong tục, tập quán các dân tộc, họ lưu giữ, trao truyền cho thế hệ trẻ và tích cực vận động nhân dân xóa bỏ mê tín, hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh.

Có thể khẳng định, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch là hướng đi phù hợp, đưa du lịch Hà Giang vươn mình mạnh mẽ. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm, đầu tư phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội, tạo tính bền vững của các giá trị văn hóa, bản sắc riêng phục vụ phát triển du lịch./.

VA

 

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản - dangcongsan.vn - Đăng ngày 3/8/2024

Cùng chuyên mục