Hoạt động của ngành

Hà Giang: Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật: 01/06/2021 14:58:08
Số lần đọc: 816
Sau 3 năm triển khai Đề án phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, với tài nguyên phong phú, hệ thống dịch vụ du lịch đang được đầu tư đồng bộ, du lịch Hà Giang đã có nhiều khởi sắc; doanh thu du lịch, dịch vụ tăng bình quân 17,84%/năm. 

Du khách trải nghiệm cưỡi ngựa tại H’Mông Village huyện Quản Bạ. (Ảnh chụp trước ngày 25/4/2021)

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Hà Giang đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án triển khai các nhiệm vụ như: Phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2013 - 2020; chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh; phát triển sản phẩm nông nghiệp và làng nghề phục vụ du lịch Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn... 

Đến nay, toàn tỉnh Hà Giang có 59 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, gồm nhiều loại hình: Di tích lịch sử - văn hóa, lưu niệm sự kiện, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh và hóa thạch cổ sinh khu vực Công viên địa chất. 41 làng nghề được tỉnh công nhận và nhiều nghề khác tại địa phương đã được khôi phục và duy trì hoạt động sản xuất phục vụ du lịch. 15 làng văn hóa du lịch tiêu biểu được công nhận đạt tiêu chí, đi vào hoạt động khai thác có hiệu quả, thu hút lượng khách du lịch đáng kể, huy động được sự tham gia cộng đồng trong cung ứng dịch vụ. Có 79 điểm du lịch đang khai thác, trong đó 11 điểm du lịch được UBND tỉnh Hà Giang công nhận. Đặc biệt, chợ phiên vùng cao đã được đưa vào chuỗi sản phẩm khai thác phục vụ khách du lịch. Hà Giang thường xuyên tổ chức các lễ hội, sự kiện như: Hội Lồng Tồng; Gầu tào; Hội Khèn mông; Lễ cúng thần rừng của người Lô Lô; Hội Khu Cù Tê của người La Chí... Bước đầu đưa sản phẩm du lịch nông nghiệp vào khai thác gắn với các làng du lịch cộng đồng, với 6 làng nghề có sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao phục vụ du lịch. 

Mạng lưới kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang ngày càng phát triển, các dự án đầu tư vào du lịch ngày càng nhiều, hệ thống cơ sở lưu trú tăng nhanh. Hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang có 882 cơ sở lưu trú, với 7.165 buồng, phòng. Trong đó, có 20 khách sạn 1 sao; 13 khách sạn 2 sao; 4 khách sạn 3 sao; 1 khách sạn 4 sao; khách sạn đạt tiêu chuẩn là 57; homestay 509 cơ sở; nhà nghỉ 264 cơ sở. Cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu ăn uống, thưởng thức văn hóa ẩm thực địa phương được chú trọng, với 287 nhà hàng, quán ăn. Ẩm thực Hà Giang có nhiều món ăn truyền thống của các dân tộc vùng cao được du khách yêu thích. Đặc biệt, cháo Ấu tẩu và mèn mén đã được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam xác nhận lọt vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2020 – 2021); Mật ong Bạc hà và chè Shan tuyết Hoàng Su Phì lọt Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2020 – 2021), qua đó góp phần làm cho chương trình du lịch Hà Giang càng trở nên hấp dẫn.

Thực hiện việc đầu tư xây dựng, bảo trì, cải tạo và nâng cấp một số tuyến giao thông nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động khai thác du lịch; Hà Giang đã thực hiện nâng cấp các tuyến theo 4 trục hành lang Đông - Tây và 5 trục liên kết Bắc - Nam theo Quyết định số 438/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng nâng cấp, cải tạo về hạ tầng giao thông: Quốc lộ 4C, các đoạn đấu nối với tỉnh Cao Bằng, Lào Cai; khảo sát lập quy hoạch điểm đỗ xe tại các khu, điểm du lịch. 

Với sự quan tâm của tỉnh, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đi vào hoạt động đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu tham quan du lịch của du khách; khách du lịch đến Hà Giang trong giai đoạn 2017 – 2020 tăng bình quân 14,8%/năm. 

Để đạt được kết quả nổi bật như trên Hà Giang đã triển khai linh hoạt, hiệu quả đề án xúc tiến quảng bá du lịch. Đến nay đã tổ chức được nhiều hội nghị, hội thảo về phát triển du lịch có tính liên vùng và quốc tế, trong đó có hội nghị xúc tiến và không gian văn hóa du lịch Hà Giang tại các thành phố lớn như: Cần Thơ, Khánh Hòa, Hồ Chí Minh, Hà Nội… Xúc tiến du lịch - thương mại Hà Giang tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippin, Pháp, Nga… Ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch qua chuyển đổi số và du lịch thông minh giữa UBND tỉnh Hà Giang, Tổng Công ty Bưu chính viễn thông Mobiphone, Tổng cục Du lịch. Triển khai các chương trình liên kết phát triển du lịch trong khu vực 6 tỉnh Việt Bắc, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh. 

Bằng nhiều nỗ lực, du lịch Hà Giang đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, tạo việc làm và thể hiện rõ vai trò của một trong những ngành kinh tế tổng hợp quan trọng./.

Bài, ảnh: LÊ HẢI

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục