Hoạt động của ngành

Hà Giang hấp dẫn du khách với du lịch cộng đồng

Cập nhật: 15/11/2021 05:41:48
Số lần đọc: 922
Không chỉ thu hút du khách nhờ thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp thuộc bậc nhất của núi rừng phía Bắc, du lịch Hà Giang giờ đây đã đổi khác với nhiều sản phẩm tăng tính trải nghiệm cho du khách, trong đó có du lịch cộng đồng. Người dân ở nhiều bản làng xa xôi của Hà Giang đã học cách làm du lịch, thu hút nhiều du khách.  


Làng văn hóa du lịch cộng đồng Pả Vi (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc) đang trở thành điểm du lịch thu hút nhiều du khách đến lưu trú, trải nghiệm.

Ấn tượng với homestay của người Mông

Nhắc đến Hà Giang, du khách không thể quên những địa điểm hấp dẫn, như: Núi đôi (Quản Bạ), phố cổ Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, dinh thự vua Mèo, nhà của Pao, phố Cáo... Bên cạnh đó, những cung đường khúc khuỷu, chênh vênh trên sườn núi là thử thách không nhỏ với nhiều du khách, nhưng cũng lại là niềm đam mê bất tận cho những ai thích mạo hiểm và khám phá sự khác biệt. Nhiều năm trở lại đây, với số lượng khách tăng rõ rệt, các dịch vụ du lịch tại Hà Giang dần phong phú và chuyên nghiệp hơn. Không ít nơi đã hình thành nên những bản du lịch cộng đồng, đồng bào dân tộc được hướng dẫn làm du lịch, cải thiện đời sống.

Đoạn đường từ Đồng Văn đến Mèo Vạc đi qua con đèo nổi tiếng Mã Pì Lèng (đứng đầu trong tứ đại đỉnh đèo tại Việt Nam), du khách có thể ghé thăm Làng văn hóa du lịch cộng đồng Pả Vi. Đây là làng văn hóa cộng đồng được xây dựng theo mô hình công - tư với diện tích hơn 46.000m2, có nghĩa là huyện Mèo Vạc đầu tư cơ sở hạ tầng và cho các hộ gia đình tự xây dựng homestay để làm du lịch. Những homestay ở đây được xây dựng đúng phong cách nhà của đồng bào dân tộc Mông. Nhà làm bằng tường đất theo phương pháp trình tường, kiểu nhà 3 gian hai chái, cột kèo bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương hai tầng. Mỗi homestay được bố trí xây dựng trên diện tích khoảng 300m2, có hàng rào bằng đá xếp xung quanh. Ngoài ra, khuôn viên các nhà đều được trồng nhiều hoa nên cảnh quan rất đẹp.

Các homestay tại đây có thể phục vụ lưu trú, ăn uống và biểu diễn các tiết mục nghệ thuật dân tộc phục vụ du khách.

Ông Nguyễn Văn Lưu, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mèo Vạc cho biết, làng được chia làm 3 khu, hiện có 28 hộ tham gia mô hình kinh tế này để khai thác du lịch. Trong làng, có nhà văn hóa thôn, nhà trưng bày theo mẫu truyền thống của người Mông, có khu sân chơi được dùng làm nơi biểu diễn văn hóa, văn nghệ truyền thống. Địa điểm này không chỉ giúp địa phương bảo tồn, quảng bá văn hóa dân tộc Mông phục vụ du khách, mà còn là nơi để bà con người Mông sinh hoạt và tìm hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống dân tộc mình.

Là du khách đến Hà Giang vào cuối tháng 10 vừa qua, chị Nguyễn Diệu Linh (Hà Nội) chia sẻ, chị khá ấn tượng khi trải nghiệm tại các bản du lịch cộng đồng, trong đó có Làng văn hóa du lịch Pả Vi. "Với mức chi phí khoảng 200 nghìn/người/đêm, chúng tôi được trải nghiệm không gian sống của người Mông cùng các dịch vụ chuyên nghiệp và môi trường trong lành. Cách làm du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc tại Hà Giang đã tốt hơn so với những năm trước", chị Nguyễn Diệu Linh nhận xét.

Homestay tại Làng văn hóa Pả Vi được thiết kế theo phong cách nhà của người Mông với tường đất, mái ngói âm dương, xung quanh trồng nhiều hoa tươi.

Nhân rộng những mô hình chuẩn

Tại Hà Giang, không chỉ có Làng văn hóa, du lịch cộng đồng Pả Vi đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, nhiều bản làng cư dân cũng đang từng bước xây dựng được những mô hình du lịch cộng đồng để đón khách du lịch, như: Làng du lịch cộng đồng Lô Lô Chải (gần cột cờ Lũng Cú, Đồng Văn); làng du lịch cộng đồng xã Du Già, huyện Yên Minh...

Ông Nguyễn Kiên Cường, Phó Chủ tịch xã Du Già (huyện Yên Minh) cho biết, cộng đồng dân cư của Du Già hiện có 1.600 hộ, trên 8.700 khẩu, với nhiều dân tộc thiểu số như Tày, Mông, Xuồng, Dao, Cao Lan... Nhằm thúc đẩy phát triển du lịch ở Du Già, huyện Yên Minh đã phê duyệt Đề án xây dựng thôn Cốc Pảng - khu trung tâm xã thành làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với phát triển dược liệu. Du khách không chỉ lưu trú, mà còn được trải nghiệm, khám phá cảnh quan, thiên nhiên tại các bản làng, những nét văn hóa độc đáo thông qua ẩm thực, những điệu dân ca, dân vũ.

Cảnh quan tại làng du lịch cộng đồng Lô Lô Chải (Lũng Cú, Đồng Văn).

"Theo thống kê, năm 2019, lượng khách du lịch đến với Du Già đạt trên 36 nghìn lượt, trong đó, trên 90% là khách quốc tế. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, các dịch vụ phục vụ du lịch như nhà nghỉ, homestay được làm theo phong cách của dân tộc Tày. Năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện, du khách đến ít hơn, hoạt động du lịch cộng đồng tại đây đang gặp không ít khó khăn, nhưng bà con vẫn cố gắng duy trì cơ sở lưu trú, nhà sàn, cải tạo cảnh quan để sẵn sàng đón khách quay trở lại", ông Nguyễn Kiên Cường chia sẻ.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Hồng Hải, tỉnh Hà Giang đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, hướng dẫn bà con các dân tộc làm du lịch, trong đó quan tâm nhiều hơn đến bảo vệ cảnh quan, môi trường, nâng cấp dịch vụ, bảo tồn bản sắc văn hóa từng dân tộc.

"Tỉnh sẽ có những đánh giá cụ thể về hiệu quả các làng du lịch cộng đồng để nhân rộng mô hình này tới những địa phương có đủ điều kiện phát triển du lịch để tăng tính trải nghiệm cho du khách khi đến Hà Giang", ông Nguyễn Hồng Hải nói.

Hoàng Lân

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục