Hoạt động của ngành

Hà Giang: Mèo Vạc bảo tồn văn hóa gắn phát triển du lịch

Cập nhật: 01/08/2019 08:46:36
Số lần đọc: 1074
Xác định phát triển du lịch (DL) là một trong những hướng đi mang tính “mũi nhọn”, nhằm khai thác lợi thế, nâng cao đời sống người dân, thời gian qua huyện Mèo Vạc đã tích cực bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy phát triển ngành “công nghiệp không khói”.

Nhận thức rõ lợi thế, tiềm năng cũng vai trò của DL trong việc thúc đẩy KT – XH địa phương, Mèo Vạc đã xác định chiến lược phát triển DL với những giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài. Ngoài việc triển khai hiệu quả các chính sách phát triển DL của tỉnh, huyện đã huy động nguồn lực phát triển DL cộng đồng. Thông qua các giải pháp linh hoạt, đổi mới cách làm, huyện chú trọng xây dựng các làng văn hóa DL cộng đồng gắn với xây dựng Nông thôn mới. Do đó, bức tranh DL của huyện ngày một khởi sắc; lượng khách đến tham quan, trải nghiệm ngày càng tăng.

Có dịp đến Làng văn hóa DL cộng đồng thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà hay Làng Văn hóa DL cộng đồng dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi có thể nhận thấy sự đổi thay trong nếp sống, nếp nghĩ của người dân. Hai ngôi làng đều giữ gìn kiến trúc nhà ở đặc trưng của dân tộc Giấy và dân tộc Mông; phong cảnh thoáng đãng, sạch sẽ; dọc các cung đường được trồng hoa tạo cảm giác thư thái khi dạo bước trong làng; hầu hết các gia đình đều phát triển dịch vụ nhà nghỉ homstay, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Qua công tác tuyên truyền, người dân không còn chỉ trông vào cây ngô, con bò mà đã bắt đầu tiếp cận với phát triển DL và nhận thức rõ ý nghĩa của việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.  Anh Hồng Mí Sinh, Trưởng Ban quản lý Làng Văn hóa DL cộng đồng thôn Pả Vi Hạ, cho biết: Lợi ích mang lại từ phát triển DL đã tạo động lực giúp người dân chú trọng mở rộng các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách. Mọi người trong thôn có ý thức thực hiện tốt quy chế hoạt động của làng; thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm DL đặc trưng của địa phương, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với khách DL.

Mèo Vạc – vùng đất đa sắc màu văn hóa nằm trong vùng lõi Công viên Địa chất toàn cầu Unesco - Cao nguyên đá Đồng Văn. Nơi đây, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mê đắm lòng người; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc được giữ gìn là những yếu tố giúp địa phương trở thành “miền đất hứa” trong phát triển DL cộng đồng. Hiện Mèo Vạc có 5 di tích văn hóa được xếp hạng Quốc gia, gồm: Danh thắng Mã Pì Lèng, hóa thạch Huệ biển, hang Rồng, Lễ hội Mừng năm mới của dân tộc Giấy, tri thức canh tác thổ canh hốc đá của cư dân Cao nguyên đá và Chợ tình Khâu Vai được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Mặt khác, các lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy giá trị, như: Lễ hội Cầu mưa của dân tộc Lô Lô, Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, Lễ hội Múa trống của dân tộc Giấy, Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao...

Đồng chí Mua Hồng Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Để DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các ban, ngành của huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân mở rộng dịch vụ homestay; nâng cấp, cải tạo nhà vệ sinh tại các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, các trạm dừng chân; tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm truyền thống địa phương đến với du khách… Đặc biệt, huyện xác định bảo tồn, phát triển văn hóa gắn với DL phù hợp với điều kiện thực tế và từng dân tộc; phấn đấu trở thành huyện trọng điểm về văn hóa, DL của tỉnh.

Nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc phục vụ phát triển DL, huyện đã quan tâm phát huy vai trò của các Hội Nghệ nhân dân gian; đẩy mạnh xã hội hóa phát triển DL; đa dạng hóa dịch vụ DL, như tổ chức các ngày hội văn hóa, hoạt động trải nghiệm tại chợ đêm Mèo Vạc; có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển DL, dịch vụ; sưu tầm giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; đưa văn hóa truyền thống vào truyền dạy trong trường học; tôn tạo, bảo vệ các di sản văn hóa; khôi phục những nét văn hóa đang dần bị mai một; phát triển các làng nghề truyền thống gắn với tạo ra các sản phẩm phục vụ DL. Mặt khác, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để tổ chức quản lý, thu hút đầu tư phát triển DL; trong đó, chú trọng cải cách thủ tục hành chính; tăng cường quảng bá, xúc tiến, mời gọi đầu tư; chú trọng quy hoạch để khai thác lợi thế về địa mạo, điều kiện tự nhiên và văn hóa tiêu biểu của địa phương…

 

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục