Hoạt động của ngành

Hà Giang: Yên Minh bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững

Cập nhật: 30/03/2022 05:23:23
Số lần đọc: 892
Nằm trong vùng lõi Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, mảnh đất Yên Minh chứa đựng kho tàng văn hóa đặc sắc từ ngàn đời. Những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa các dân tộc được huyện chú trọng và xác định đây là biện pháp hiệu quả nhằm phát huy giá trị văn hóa trong đời sống và tạo điều kiện cho du lịch phát triển bền vững.  


Lễ hội Gầu Tào được tổ chức hàng năm thu hút khách du lịch. Ảnh: Tư Liệu

Văn hóa và du lịch có mối quan hệ gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau, xu hướng du lịch văn hóa rất phù hợp với tiềm năng, định hướng phát triển hiện nay. Có thể thấy, giữ gìn được các giá trị văn hóa, những lễ hội, phong tục tín ngưỡng sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, có sức hút lớn với khách du lịch. Mặt khác, hoạt động du lịch cũng là cầu nối hữu hiệu giúp quảng bá, phát huy giá trị di sản, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, từ đó giới thiệu hình ảnh, văn hóa Hà Giang tới du khách cả nước và bạn bè quốc tế.  Huyện Yên Minh có 17 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa riêng, nhất là các lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca, trang phục, nghề truyền thống và nhiều di tích lịch sử, danh thắng được công nhận, xếp hạng. Cùng với các loại hình dịch vụ phát triển, hệ thống cơ sở lưu trú mở rộng, hạ tầng giao thông thuận lợi là những lợi thế để địa phương phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa sẵn có.

Nét đẹp văn hóa của Chợ tình Du Già được lưu giữ trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: Tư Liệu

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch. Từ góc độ này, kho tàng di sản ở loại hình vật thể, phi vật thể, cùng hệ thống di tích thiên nhiên, lịch sử, văn hóa của Yên Minh chính là nguồn tài nguyên du lịch lớn, tạo nên sức hấp dẫn, độc đáo cho sản phẩm du lịch địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 di tích lịch sử cấp tỉnh gồm: Khu di tích Sùng Chứ Đà; Đồn Pháp - Tường thành Lũng Hồ; cơ sở cách mạng Đường Thượng; hang Mậu Long được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Những năm qua, cùng với các hoạt động quảng bá, công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch luôn được huyện quan tâm sát sao. Trong đó, tập trung khôi phục, phục dựng nhiều lễ hội truyền thống các dân tộc như: Lễ hội Gầu tào, Lồng tồng, Cầu trăng, Cấp sắc, Thượng thọ... Nổi bật, huyện đã khôi phục lại Tết Cá của người Tày xã Mậu Duệ; năm 2016, lễ hội này được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, thành lập, duy trì hoạt động của các đội văn nghệ dân gian; tiếp tục khôi phục, phát triển các nghề truyền thống như: Dệt vải lanh, đan cót, mũ, rèn nông cụ lao động…

Không ngừng phát huy nội lực, Yên Minh còn tìm hướng đi, cách làm phù hợp trong phát triển du lịch địa phương với sự chung tay của nhiều thành phần. Thời gian qua, huyện đẩy mạnh phát triển văn hóa, du lịch địa chất, du lịch mạo hiểm, trải nghiệm. Đầu tư xây dựng Nhà trưng bày văn hóa các dân tộc; xây dựng chòi vọng cảnh, tạo tuyến đường du lịch mạo hiểm dài trên 10 km tại đồi thông xã Lao Và Chải để phục vụ khách du lịch… Cùng với đó, huyện đã mời những đoàn doanh nghiệp, chuyên gia về góp ý, xây dựng sản phẩm du lịch với hy vọng phát huy được tiềm năng theo hướng hiện đại, vừa giữ được nét độc đáo của văn hóa. Hoạt động thu hút đầu tư ngoài ngân sách trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch trên địa bàn cũng có nhiều triển vọng với sự tham gia đầu tư của một số công ty, tập đoàn lớn. Hiện, huyện đang triển khai 2 dự án, gồm: Khu nghỉ dưỡng cao cấp P’apiu Lũng Hồ - Du Tiến và khu du lịch sinh thái xã Du Già. Hai dự án này hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển du lịch các xã phía Nam, phát huy vẻ đẹp thiên nhiên, bản sắc văn hóa, con người Yên Minh…

Đến Yên Minh hôm nay, du khách không chỉ có cơ hội đến với một miền đất lịch sử, khám phá thiên nhiên hùng vĩ mà còn đến với một miền đất văn hóa đặc trưng. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thống nhất về nhận thức, hành động trong bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử, các loại hình văn hoá vật thể, phi vật thể trên địa bàn. Nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng dựa trên bảo tồn những giá trị văn hóa, đảm bảo sự phát triển hài hòa; phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch.

Phạm Hoan

Nguồn: Báo Hà Giang - baohagiang.vn - Đăng ngày 28/03/2022

Cùng chuyên mục