Hoạt động của ngành

Sơn La thêm điểm du lịch cộng đồng mới phục vụ khách du lịch tại xã Chiềng Yên

Cập nhật: 29/03/2022 12:16:11
Số lần đọc: 929
Điểm Du lịch Cộng đồng (DLCĐ) Nà Bai – Phụ Mẫu tại xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã chính thức khai trương, đón và phục vụ khách từ ngày 26/3. Đây là hai trong bốn điểm DLCĐ tại tỉnh Sơn La được tổ chức Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam hỗ trợ trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy Bình đẳng Giới thông qua Du lịch Cộng đồng (GROW)” của Chính phủ Australia tài trợ.


Cách Hà Nội 150km, xã Chiềng Yên là nơi sinh sống của 5 dân tộc anh em – Dao, Thái, Mường, Kinh, Mông. Xã có dân số trên 5.000 người, trong đó 93,76% là người dân tộc thiểu số. Nghề chính là sản xuất nông nghiệp kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt, nơi đây sở hữu cảnh quan thiên nhiên cùng nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Trong đó, tại hai bản Nà Bai và Phụ Mẫu được biết đến với thác Tạt Nàng, mó nước nóng Bò Ấm, điểm săn mây, rừng nguyên sinh... tạo sức hút với du khách ưa khám phá.

Theo đánh giá của chuyên gia AOP, Nà Bai và Phụ Mẫu là 2 bản còn nhiều nét hoang sơ, có lợi thế điều kiện cảnh quan, khí hậu và văn hoá bản địa... đó là những tiềm năng để thúc đẩy DLCĐ phát triển. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn trong giao thông, cơ sở hạ tầng cùng kỹ năng nghề du lịch nên việc phát triển du lịch còn hạn chế. Trong đó, các yếu tố về bảo tồn và phát triển du lịch theo hướng bền vững chưa được khai thác đúng hướng.

Từ khi dự án GROW đi vào hoạt động, người dân bản Nà Bai và Phụ Mẫu đã nhận được nhiều hỗ trợ thiết thực để phát triển mô hình DLCĐ địa phương. Trong 2 năm qua, Dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực, trang bị cho người dân kiến thức, kĩ năng cần thiết để kinh doanh, vận hành và quản lí mô hình DLCĐ; cử nhiều cố vấn du lịch hỗ trợ các hộ cải tạo nhà làm dịch vụ lưu trú (homestay); xây dựng các sản phẩm trải nghiệm như đi bộ xuyên rừng, săn mây, làm đồ lưu niệm từ tre, văn nghệ và ẩm thực truyền thống... Đặc biệt, dự án cũng hỗ trợ một số hộ dân vay vốn để cải tạo nhà và mua sắm trang thiết bị phục vụ kinh doanh du lịch. Dự án đã giúp cộng đồng trở nên tự tin hơn trong việc cung cấp dịch vụ và quảng bá về mô hình DLCĐ, đặc biệt là chị em phụ nữ.

Chia sẻ về hành trình hỗ trợ người dân xây dựng điểm DLCĐ, ông Nguyễn Tất Quân – Quản lí dự án, đại diện tổ chức AOP tại Việt Nam cho hay, “dịch COVID-19 kéo dài dẫn đến sự ngưng trệ của thị trường du lịch, đây cũng là thời điểm 2 bản Nà Bai – Phụ Mẫu triển khai dự án phát triển thành điểm DLCĐ nên các hộ kinh doanh hầu như không có thu nhập từ hoạt động du lịch. Nhưng đến thời điểm này, mô hình DLCĐ Nà Bai – Phụ Mẫu đã đi đến giai đoạn hoàn thiện, cơ sở vật chất và năng lực của các hộ kinh doanh đều đã đạt chuẩn, sẵn sàng tiếp đón du khách trong mùa du lịch 2022 đang đến”.

Để tiếp tục hỗ trợ người dân khai thác hiệu quả, phát triển mô hình DLCĐ Nà Bai – Phụ Mẫu, ông Quân cũng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ trong việc nâng cao năng lực để bà con tự tin và chủ động trong việc đón khách, kết nối thị trường. “Mặc dù thời gian đầu còn khó khăn, bỡ ngỡ nhưng mong bà con đoàn kết để xây dựng mô hình DLCĐ của bản, tạo cơ hội để nhiều người dân khác tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch chung. Chúng tôi cũng rất mong lãnh đạo địa phương tiếp tục đồng hành hỗ trợ người dân phát triển du lịch thông qua các chính sách và cơ chế quản lí phù hợp, đảm bảo quy hoạch chung của bản để bảo vệ cảnh quan và bảo tồn văn hoá địa phương” – ông Quân bày tỏ.

Phát biểu tại lễ khai trương, ông Bùi Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Yên bày tỏ hy vọng thời gian tới xã sẽ nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, các đơn v lữ hành và người dân nhằm xây dựng các bản du lịch cộng đồng trên địa bàn xã. Từ đó, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, khuyến khích người dân hợp tác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, tài nguyên sẵn có về văn hóa, thiên nhiên để phát triển sản phẩm du lịch, bảo vệ môi trường, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa…

“Người dân chúng tôi vô cùng hồi hộp và mong chờ sự kiện này. Đây là lần đầu tiên cả hai bản đón nhiều khách. Mong rằng khách du lịch đến với chúng tôi thông cảm với những thiếu sót ở thời điểm đầu bỡ ngỡ. Chúng tôi xin tiếp thu và lắng nghe để cải thiện chất lượng dịch vụ. Hy vọng khách sẽ không chỉ đến hôm nay mà còn quay lại với người dân chúng tôi trong tương lai” - điều phối viên điểm DLCĐ Phụ Mẫu, Hà Văn Khương mong muốn.

Trong chuỗi sự kiện khai trương điểm Du lịch Cộng đồng Nà Bai – Phụ Mẫu, du khách đã được trải nghiệm các dịch vụ du lịch tiêu biểu như: lưu trú tại nhà sàn người Thái và Mường, thưởng thức các món ăn địa phương trong cuộc thi nấu ăn của người dân, tham quan thác Tạt Nàng và ngâm mình dưới mó nước nóng Bò Ấm. Đặc biệt, những du khách ham khám phá đã có thời gian trải nghiệm cung đường đi bộ xuyên rừng và hoà mình vào tiếng chiêng, tiếng trống trong đêm giao lưu lửa trại văn nghệ truyền thống.

Được biết, những năm vừa qua, mô hình DLCĐ đã chứng minh tính hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển cộng đồng bền vững. Thông qua việc cung cấp dịch vụ du lịch mang đậm tính địa phương, người dân được nâng cao năng lực trong việc kinh doanh; từ đó, có thu nhập tốt hơn, văn hoá được bảo tồn và môi trường tự nhiên được bảo vệ.

Từ năm 2014, AOP tại Việt Nam đã triển khai các dự án phát triển DLCĐ với mục tiêu phát triển cộng đồng dựa vào du lịch – coi du lịch là công cụ để phát triển cộng đồng một cách bao trùm và bền vững. Tính đến nay, AOP đã hỗ trợ triển khai mô hình này tại 07 huyện vùng núi phía Bắc với 18 điểm du lịch đang hoạt động.

Trong giai đoạn 2019-2022, với nguồn tài trợ từ Chính phủ Australia, sự hỗ trợ của chính quyền và các đoàn thể, đặc biệt là sự đồng lòng của người dân địa phương, AOP triển khai dự án “Thúc đẩy Bình đẳng Giới thông qua Du lịch Cộng đồng (GROW)” tại bốn bản du lịch tiềm tăng của huyện Mộc Châu và Vân Hồ, trong đó có hai điểm Nà Bai và Phụ Mẫu.

Riêng tại Nà Bai – Phụ Mẫu, đến tháng 3/2022 dự án đã hỗ trợ 175 người dân tại bản được cải thiện sinh kế; 104 phụ nữ tăng thu nhập từ mô hình du lịch cộng đồng; 14 tổ nhóm dịch vụ được thành lập, trong đó 7 tổ nhóm do phụ nữ lãnh đạo và 10 homestay được cải tạo phù hợp, đạt tiêu chuẩn đón khách.

Anh Hoa

Nguồn: Tạp chí Du lịch - vtr.org.vn - Đăng ngày 27/03/2022

Cùng chuyên mục