Hà Nam quyết tâm thu hút đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đồng chí Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ VHTTDL; đồng chí Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch. Về phía tỉnh Hà Nam có đồng chí Lê Thị Thủy - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam; đồng chí Đinh Thị Lụa - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Nam; đồng chí Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở ban ngành địa phương trong tỉnh. Cùng dự có đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp, Hiệp hội; các nhà nghiên cứu, các chuyên gia du lịch...
Về phía đại biểu quốc tế có Ngài Watanabe Shige - Công sứ, Phó Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; ông Graham Cooke - Chủ tịch Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards), Giải thưởng Golf thế giới (World Golf Awards); bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa UNESCO tại Việt Nam; đại diện các tổ chức du lịch quốc tế, các tập đoàn quốc tế đang đầu tư trong lĩnh vực du lịch...
Đồng chí Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: hanamtv.vn
Khai mạc Hội nghị, đồng chí Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, Hội nghị được tổ chức đúng ngày kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2023) và hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Hà Nam nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là cửa ngõ phía Nam của thủ đô với vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tỉnh đã và đang quy hoạch, chỉ đạo đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại và du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh theo hướng an toàn, hiệu quả, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Về văn hóa, du lịch, Hà Nam có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao với hai sân golf đẹp. Với những tiềm năng, thế mạnh và hệ thống cơ sở lưu trú được quan tâm xây dựng, Hà Nam đã và đang được đánh giá là điểm đến an toàn, hấp dẫn. Hà Nam đang quyết tâm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, xây dựng Hà Nam thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam với chủ đề “Hà Nam - Hành trình kết nối” diễn ra trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Hà Nam năm 2023 là dịp để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực phát triển dịch vụ du lịch, những nét đặc sắc hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch, các điểm đến và sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây cũng là dịp để du lịch Hà Nam đón nhận, lĩnh hội các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các nhà đầu tư nhằm đổi mới, phát triển các sản phẩm du lịch và ngành du lịch Hà Nam ngày càng chất lượng, an toàn, hấp dẫn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, mong muốn của khách du lịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy khẳng định, Hà Nam luôn mong muốn hợp tác phát triển thuận lợi, hiệu quả, bền vững và chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và bè bạn gần xa đến tham quan, tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch và phát triển nguồn lực con người.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhận định, những năm gần đây, bên cạnh chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ, Hà Nam là một trong những địa phương có nhiều chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển du lịch. Nhờ chính sách và quyết tâm của các cấp chính quyền, du lịch Hà Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Nhiều điểm tham quan, du lịch đã được công nhận và một số đang được đưa vào đầu tư khai thác; hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch không ngừng được đầu tư có quy mô với đẳng cấp quốc tế; cùng với hệ thống hơn 200 cơ sở lưu trú và các nhà hàng, khu mua sắm phong phú. Sản phẩm, dịch vụ du lịch Hà Nam đã và đang ngày càng được cải thiện về mặt chất lượng, đa dạng, phong phú với nhiều dòng sản phẩm mới hấp dẫn, độc đáo như du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch MICE, du lịch golf... thu hút du khách trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: hanamtv.vn
Đánh giá cao sự chủ động, tích cực của tỉnh Hà Nam trong tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam năm 2023 trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Hà Nam, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, đây là sự kiện du lịch mở màn của cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 18/5/2023 theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt tin tưởng rằng, thông qua Hội nghị ngày hôm nay, Hà Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và các chính sách ưu đãi của tỉnh hướng tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút các nguồn lực để phát triển ngành du lịch; cùng với đó phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch mới, chất lượng, có giá trị gia tăng cao, mang bản sắc đặc trưng của Hà Nam; thúc đẩy xúc tiến, mở rộng thị trường khách nội địa và quốc tế; tăng cường kết nối các địa phương trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng và các địa phương khác trong cả nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, từng bước đưa Hà Nam trở thành điểm đến hấp dẫn và chất lượng trên bản đồ du lịch Việt Nam; góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam nói chung và của tỉnh Hà Nam nói riêng sau đại dịch Covid -19.
Đồng thời Thứ trưởng khẳng định, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hà Nam và cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động phát triển sản phẩm, xúc tiến, quảng bá giới thiệu điểm đến du lịch Hà Nam trong việc kết nối với các thị trường trọng điểm du lịch trong nước và quốc tế.
Ngài Watanabe Shige - Công sứ, Phó Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: hanamtv.vn
Bày tỏ niềm vui khi năm nay Nhật Bản và Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Ngài Watanabe Shige - Công sứ, Phó Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh, quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất, có mối quan hệ mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Hơn nữa, Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2023 tại Hiroshima có sự tham gia của Việt Nam đã chứng tỏ sự coi trọng của Nhật Bản đối với Việt Nam.
Ngài Watanabe Shige cho biết, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam đang tiếp tục diễn ra sôi động, tập trung chủ yếu vào các ngành chế tạo, năng lượng, dịch vụ và bán lẻ. Việt Nam hiện đứng thứ hai trên thế giới với vai trò là điểm đến triển khai hoạt động kinh doanh ra nước ngoài trong tương lai của doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và đứng thứ nhất trên thế giới đối với các tập đoàn lớn của Nhật Bản nói riêng.
Về quan hệ kinh tế với Nhật Bản, kể từ khi thành lập Japan Desk (Tổ công tác Nhật Bản) vào năm 2013, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Hà Nam đã gia tăng nhanh chóng. Hà Nam đã trở thành một trong những địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, thành công trong thu hút đầu tư và tiến hành cải thiện môi trường đầu tư dựa trên 10 cam kết với các nhà đầu tư.
Ngài Công sứ - Phó Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đề nghị tỉnh Hà Nam tiếp tục coi trọng 10 cam kết, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp dựa theo các cam kết đó, duy trì và hoàn thiện hạ tầng, đảm bảo nguồn nhân lực... Đồng thời tin tưởng và hy vọng, tỉnh Hà Nam và Nhật Bản sẽ mở rộng giao lưu trong cả lĩnh vực du lịch trên nền tảng mối quan hệ thân thiết giữa hai bên. Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ phối hợp, tích cực hoạt động để gia tăng lượng khách du lịch Nhật Bản đến Hà Nam nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời gian tới.
Hội nghị đã ghi nhận nhiều tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư, các doanh nghiệp du lịch. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao tiềm năng, lợi thế và các cơ chế chính sách của tỉnh đối với phát triển du lịch thời gian qua. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp quan trọng nhằm phát triển du lịch bền vững cho Hà Nam như: chú trọng đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cả về chất và lượng; xác định rõ các sản phẩm du lịch đặc thù, phát triển các dịch vụ lưu trú; đẩy nhanh chuyển đổi số trong công tác quảng bá, đầu tư nhiều hơn vào cổng thông tin du lịch của tỉnh, giúp các công ty lữ hành, du khách khắp nơi dễ tìm kiếm thông tin du lịch của Hà Nam; ban hành các chính sách riêng dành cho ngành du lịch liên quan đến đất đai, tài chính, điện, nước, linh hoạt trong các chính sách an ninh trật tự để hỗ trợ các hoạt động kinh tế về đêm; đẩy mạnh liên kết vùng…
Giới thiệu về hoạt động chuyển đổi số trong ngành du lịch, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) Hoàng Quốc Hòa cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, thời gian qua, Trung tâm Thông tin du lịch với vai trò là đơn vị đầu mối về chuyển đổi số du lịch đã tham mưu các cấp xem xét, ban hành các đề án, kế hoạch về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch, hình thành một hệ sinh thái du lịch thông minh thống nhất và đồng bộ trên toàn quốc.
Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) Hoàng Quốc Hòa giới thiệu về hoạt động chuyển đổi số trong ngành du lịch
Trong đó, tập trung xây dựng các nền tảng số ở tầm quốc gia nhằm hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch, trong đó có: Hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; hệ thống Báo cáo thống kê du lịch từ Trung ương đến cơ sở; hệ thống Dashboard thông tin điều hành du lịch; nền tảng “Quản trị và Kinh doanh du lịch”; ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”; Thẻ Việt - Thẻ du lịch quốc gia; hệ thống vé điện tử; cùng các website du lịch quốc gia và các trang mạng xã hội quảng bá du lịch Việt Nam...
Để hỗ trợ các địa phương chuyển đổi số, Trung tâm Thông tin du lịch đã xây dựng và ban hành Tài liệu Hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch với chủ đề “Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động”. Đây là khung hướng dẫn để triển khai chuyển đổi số một cách thống nhất, đồng bộ trong ngành du lịch, giúp tối ưu hóa kết quả, tiết kiệm nguồn lực và tăng cường tính liên kết trong toàn ngành.
Vừa qua, Trung tâm đã triển khai tập huấn, hướng dẫn về công tác chuyển đổi số du lịch tại nhiều địa phương như: Sơn La, Hà Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Cần Thơ, Thanh Hóa, Quảng Ninh… Hỗ trợ Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch và Đền Quán Thánh tại Hà Nội áp dụng hệ thống vé điện tử...
Ông Hoàng Quốc Hòa cho rằng, ngành du lịch tỉnh Hà Nam đã rất chủ động trong việc triển khai công tác chuyển đổi số, bám sát các chủ trương, chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số trong tình hình mới. Để góp phần triển khai hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số của ngành du lịch tỉnh, Phó Giám đốc Hoàng Quốc Hòa đề nghị, ngành du lịch tỉnh Hà Nam cần triển khai sử dụng các nền tảng số ở tầm quốc gia của Tổng cục Du lịch như: ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” để quảng bá thông tin, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm của khách du lịch; Thẻ Việt - Thẻ du lịch quốc gia để thúc đẩy du lịch thông minh, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt; nền tảng số quốc gia “Quản trị và kinh doanh du lịch” để hỗ trợ cơ quan quản lý, cơ sở kinh doanh du lịch... Triển khai áp dụng hệ thống vé điện tử, hệ thống thuyết minh đa phương tiện; đẩy mạnh số hóa điểm đến và tích hợp dữ liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu của Tổng cục Du lịch. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch nổi bật của tỉnh ở trong nước và quốc tế trên các nền tảng số; xây dựng các video clip với hình ảnh đẹp giới thiệu du lịch Hà Nam, quảng bá cả trên các website và mạng xã hội.
Phó Giám đốc Hoàng Quốc Hòa khẳng định, Trung tâm Thông tin du lịch luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ tỉnh Hà Nam cũng như các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình triển khai chuyển đổi số và quảng bá du lịch.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Sở VHTTDL Hà Nam
Trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết tỉnh Hà Nam sẽ phát huy thành quả, quyết tâm khắc phục những tồn tại, vượt qua khó khăn, tiếp tục hoàn thiện, triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt, trọng tâm là Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, quảng bá, phát triển lĩnh vực du lịch.
Cũng tại Hội nghị, UBND tỉnh Hà Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines và một số công ty du lịch, nhà đầu tư trên địa bàn.
Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh đẹp Du lịch xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Nam. Ảnh: hanamtv.vn
Trung tâm Thông tin du lịch