Hoạt động của ngành

Hà Nội bảo tồn, phát huy giá trị di sản về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng

Cập nhật: 09/05/2019 07:52:50
Số lần đọc: 937
Ngày 8/5, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội đồng họ Phùng Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp.”


Toàn cảnh Hội thảo khoa học ''Bố cái Đại Vương Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp''. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng là nhân vật lịch sử tiêu biểu của Việt Nam và thành phố Hà Nội. Ông là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của nhân dân chống lại ách đô hộ của đế quốc phương Bắc ở thế kỷ thứ tám, lật đổ ách thống trị của nhà Đường, xây dựng đất nước; là người hết lòng vì nước, vì dân.

Thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đã được lưu danh sử sách. Nhiều triều đại sau này đã sắc phong công trạng cho ông, nhân dân các vùng miền tưởng nhớ ơn đức của ông. Trong đó, số sắc phong tôn vinh ông là Thượng Đẳng Thần của các triều đại đã lên tới hàng trăm, tiêu biểu như đình làng Thổ Khối (xã Cự Khối, huyện Gia Lâm, Hà Nội) có 17 sắc phong; đền Lộc Điền (xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) có 14 sắc phong thần…

Lăng của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng nằm ở phường Cát Linh (quận Đống Đa), đình thờ đóng tại thôn Cam Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) và nhiều địa điểm khác trên cả nước. Các di tích này vừa là địa chỉ văn hóa có tính giáo dục truyền thống cao, vừa là nơi sinh hoạt, hướng về nguồn cội của nhân dân cả nước.

Hiện nay thành phố Hà Nội và nhiều nơi trên cả nước lấy tên Phùng Hưng để đặt thành tên phố, tên đường, trường học, đình làng, nơi thờ tự. Điều này nói lên sự tri ân của nhân dân và chính quyền đối với Đức Vua Phùng Hưng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định Hà Nội vinh dự là quê hương và nơi gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Trong thời gian qua, lãnh đạo và nhân dân thành phố luôn trân trọng, gìn giữ những giá trị tốt đẹp của dân tộc và nhớ ơn công lao của các bậc tiền nhân đã xây dựng đất nước, Thủ đô Hà Nội ngàn năm hiến, trong đó có Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.

Tại cuộc hội thảo, 25 tham luận của các nhà khoa học đã phản ánh toàn diện, khách quan và chân thực về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Các tham luận sẽ là cơ sở khoa học cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng trong thời gian sắp tới./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục