Non nước Việt Nam

Hà Nội: Gìn giữ di sản cho mai sau

Cập nhật: 05/11/2021 02:29:46
Số lần đọc: 894
Sau khi thực hiện Đề án Tổng kiểm kê di tích trên địa bàn, trên cơ sở nắm bắt được hiện trạng, loại hình, giá trị kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử của từng di tích, thành phố đã xây dựng những phương án bảo tồn, tu bổ, bảo vệ di tích một cách hợp lý, trên cơ sở ưu tiên những di tích giá trị, di tích xuống cấp. Việc thực hiện Tổng kiểm kê giúp người dân hiểu rõ hơn về giá trị di tích, tạo đà cho huy động nguồn lực xã hội hóa phục vụ tu bổ.


Chùa Kiến Sơ ở huyện Gia Lâm được địa phương bảo tồn hiệu quả.

Nằm trong vùng đất cổ, Gia Lâm có hệ thống di tích, di sản lớn, với tổng số 318 di tích, trong đó có 157 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và thành phố. Năm 2020, huyện Gia Lâm đã tu bổ, tôn tạo 22 di tích với tổng kinh phí lên đến gần 330 tỷ đồng. Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho biết: "Ngoài sự quan tâm đầu tư của cấp ủy, chính quyền, để có thể tu bổ một lượng lớn di tích như vậy, vai trò của công tác xã hội hóa hết sức quan trọng. Trong tổng kinh phí đầu tư, có đến gần một nửa là nguồn xã hội hóa, với hơn 156 tỷ đồng". Không kể những địa bàn kinh tế phát triển, ngay cả với những huyện kinh tế còn nhiều khó khăn, công tác xã hội hóa cũng được đẩy mạnh. Năm 2020, huyện Ba Vì đầu tư tu bổ ba di tích, kinh phí hơn 21 tỷ đồng, trong đó gần 13 tỷ đồng là nguồn lực từ nhân dân. Huyện Phú Xuyên có tổng đầu tư là 19,2 tỷ đồng thì nguồn vốn xã hội hóa là gần 18,5 tỷ đồng... Thực tế ấy cho thấy ý thức bảo vệ di tích của người dân trong những năm gần đây được nâng cao. Mỗi khi tu bổ, tôn tạo di tích, người dân tích cực đóng góp tiền của, vật chất. Nếu không có nguồn lực này, sẽ rất khó khăn khi phải đầu tư bảo tồn, tôn tạo một lượng di tích khổng lồ.

Sau khi Hà Tây, Hà Nội sáp nhập, số lượng di tích chỉ được "cộng" cơ học lại từ hai địa bàn. Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác bảo tồn, tu bổ vì cơ quan chức năng chưa nắm rõ được số lượng di tích đang xuống cấp, giá trị cụ thể của từng di tích, để từ đó có phương án bảo vệ phù hợp. Từ năm 2013 đến năm 2015, được sự đồng ý của UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội đã thực hiện Đề án Tổng kiểm kê di tích. Mỗi di tích được thực hiện một bộ hồ sơ kiểm kê. Trong đó có các phần khảo tả kiến trúc, kết cấu, hệ thống di vật, đánh giá hiện trạng, lịch sử trùng tu, tu bổ... Bên cạnh ghi nhận số lượng di tích lên tới con số 5.922, thì di tích Hà Nội cũng có nhiều nét đặc biệt. Đó là vừa có di tích là làng cổ (Đường Lâm, thị xã Sơn Tây), vừa có di tích là phố cổ (phố cổ Hà Nội); di tích trên địa bàn cũng đa dạng về quản lý, có di tích do thành phố trực tiếp quản lý, có di tích quan trọng nhưng lại do cấp phường, xã phụ trách…; lại vừa có các di tích do các bộ, ngành quản lý. Thực tế này tạo cơ sở để thành phố xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động tu bổ, bảo tồn. Trong đó, thành phố ưu tiên các di tích có giá trị, ưu tiên di tích bị xuống cấp để phân bổ nguồn lực cho phù hợp.

Trưởng Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết: "Những giá trị của di tích sau khi kiểm kê không chỉ phục vụ cho quản lý, mà còn được đưa trở lại cơ sở. Điều này khiến nhận thức của nhân dân tại cơ sở tăng lên rất nhiều. Khi nhận thức tăng lên, người dân chính là người bảo vệ di sản, thông báo cho cơ quan chức năng khi có vấn đề xâm hại xảy ra. Đặc biệt, khi nhận thức được nâng lên, thì huy động nguồn vốn xã hội hóa khi tu bổ trở nên thuận lợi. Khi mới thực hiện Tổng kiểm kê, thành phố có 727 di tích bị xuống cấp, chủ yếu là tại những huyện nghèo. Hiện tại mặc dù những địa phương này vẫn gặp khó khăn trong bố trí đầu tư, huy động vốn, nhưng số lượng di tích xuống cấp đã giảm đáng kể. Trong khi đó, có những địa phương đã hoàn thành, hoặc cơ bản hoàn thành việc tu bổ, nhiều năm sau mới phải thực hiện công tác tái tu bổ".

Cũng từ thời điểm thực hiện Tổng kiểm kê đến nay, những vi phạm trong tu bổ, hay các vụ xâm hại di tích giảm hẳn. Những sai phạm chủ yếu là nhỏ; hoặc xảy ra với di tích chưa được xếp hạng. Điển hình như trường hợp tu bổ đình Lương Xá (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa), do người dân chưa nhận thức đầy đủ về việc di tích chưa xếp hạng cũng cần tuân thủ quy trình khi tu bổ. Trưởng Ban Quản lý di tích và danh thắng Nguyễn Doãn Văn cho biết, sau hơn 5 năm thực hiện Tổng kiểm kê, sắp tới, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ rà soát lại, bổ sung những di tích quan trọng, đưa ra khỏi danh sách những di tích không đáp ứng đủ tiêu chí. Việc rà soát lại sẽ tạo cơ sở để thực hiện công tác bảo tồn, tu bổ, cũng như điều chỉnh các phương án quản lý để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích đạt hiệu quả cao nhất.

Giang Nam

 

Nguồn: Báo Nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT