Tìm hiểu về hoa văn thổ cẩm độc đáo của người Ê Đê ở Đắk Lắk
Gần 70 tuổi, bà H Nun Byă (thường gọi amí Chuyên), ở buôn Cư Êbông, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột có đến hơn 60 năm gắn bó với khung dệt. Bà H Nun kể, từ ngày nhỏ, bà đã thấy các mẹ, các bà tự tay dệt những tấm chăn, địu, váy, áo để sử dụng hàng ngày hay dùng làm của hồi môn khi cưới chồng, dùng làm quà tặng trong các dịp đặc biệt, thậm chí dùng làm của cải tiễn người mất. Những tấm thổ cẩm là vật dụng quen thuộc được người phụ nữ tự tay dệt nên với những họa tiết độc đáo.
Phụ nữ Ê Đê tự tay dệt những tấm vải thổ cẩm với những hoa văn độc đáo.
Theo bà H Nun, hoa văn trên trang phục của người Ê Đê thường có các màu chủ đạo là đen, đỏ, vàng và trắng. Từ xa xưa, người Ê Đê thường dùng sợi bông làm nguyên liệu để dệt vải. Bông sau khi thu hoạch về được đánh tơi, kéo sợi rồi được nhuộm màu bằng bùn, lá, củ, rễ hoặc vỏ cây rừng. Khi đã có những sợi chỉ màu như ý, người ta sẽ lên khung, bện sợi và dệt, tạo hình hoa văn.
Bà H Num nói: “Ngày xưa người ta dùng bông kéo sợi và nhuộm màu. Họa tiết hoa văn hay dùng các màu trắng, đen và đỏ là phổ biến nhất. Có nhiều kiểu hoa văn lắm, loại 15, 17 sợi chỉ cũng có, 27 sợi chỉ cũng có, thậm chí 35 sợi chỉ cũng có nữa, khó nhất là làm hoa văn kngăm (loại hoa văn làm nổi hình ảnh muốn trang trí), kể cả hoa văn 10 sợi chỉ cũng dùng kngăm, theo đúng kiểu truyền thống sẽ dùng kngăm”.
Mỗi loại trang phục lại có những họa tiết hoa văn khác nhau.
Tùy vào mỗi loại trang phục, người Ê Đê sẽ có cách trang trí và sắp xếp hoa văn khác nhau. Trang phục nam có hoa văn khác với trang phục nữ, trang phục hàng ngày có hoa văn khác với trang phục dùng trong các dịp lễ. Thậm chí hoa văn trên trang phục còn thể hiện sự giàu có và quyền uy của người mặc.
Bà H Yar Kbuôr, nghệ nhân dệt thổ cẩm ở buôn Ktla, xã Drai Sap, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk cho biết, người Ê Đê có kỹ thuật Kteh, được xem là đỉnh cao của nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục. Trước kia, chỉ những gia đình khá giả mới dùng trang phục hoặc lễ phục có hoa văn dùng kỹ thuật này. Theo đó, Kteh là kỹ thuật thủ công, kết hợp sợi chỉ màu tạo hoa văn xếp cùng hạt cườm hoặc hạt bo bo thành những dải hoa văn sít nhau, dệt sát phần biên gấu áo hoặc chân khố, chân váy.
“Đối với kỹ thuật Kteh thì người Ê Đê ngày xưa thường dùng cho các bộ lễ phục, tức là trang phục mặc trong các dịp lễ, cúng và trang phục của người quyền quý. Kteh là kỹ thuật khó, không phải ai cũng làm được và ngày nay cũng không nhiều người học được vì nó khó hơn cách dệt và hoa văn thông thường”.
Mỗi loại hoa văn có số sợi ngang, sợi dọc, cách nâng và hạ sợi khác nhau và được làm hoàn toàn thủ công.
Để tạo hình hoa văn, người dệt sẽ thiết kế bố cục, kích cỡ họa tiết từ khi bắt đầu lên khung, nhặt sợi. Mỗi loại hoa văn có số sợi dọc, sợi ngang, cách nâng và hạ sợi khác nhau, khi dệt sẽ tạo thành các dải họa tiết nối tiếp nhau chạy dài theo chiều dọc khổ vải. Trong quá trình xếp sợi, người dệt sẽ phối màu từ xen kẽ như đỏ - đen, đen - vàng, đỏ - chàm sẫm để khi dệt sẽ có những dải hoa văn nổi bật, tạo điểm nhấn cho trang phục.
Kỹ thuật Kteh là đỉnh cao trong nghệ thuật trang trí trang phục của người Ê Đê.
Theo bà H Yam Bkrông, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông, ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, từ xưa, người Ê Đê thường dùng những thứ gần gũi trong tự nhiên để đưa vào họa tiết trang phục, thường đó là các con vật như chim, rùa, thằn lằn, baba; các loại hoa lá, cây cối như dương xỉ, rau dớn, quả trám; hay những đồ vật trong sinh hoạt hàng ngày như cối giã gạo, nhà sàn. Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, sợi chỉ để dệt thổ cẩm hầu hết là sợi chỉ công nghiệp, tuy vậy trang trí hoa văn, màu sắc vẫn được làm theo lối truyền thống. Cùng với đó, nhiều phụ nữ Ê Đê còn cách điệu, sáng tạo trong khi dệt như: thêm sợi, thêm hình, phối màu để tạo được nhiều hoa văn độc đáo, giúp tấm thổ cẩm trở nên sặc sỡ, độc đáo hơn.
“Họa tiết hoa văn Ê Đê có phân biệt, chẳng hạn như áo nam, áo nữ thì có họa tiết hình rồng, trên váy thì có họa tiết quả trám, chéo cành trúc, chéo 13 sợi, hoa văn 15 sợi tạo hình con rùa, con baba,... Hoa văn Ê Đê không có trong sách vở mà tùy theo suy nghĩ và sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Cho nên ngày nay, khi chúng tôi muốn tạo ra những hoa văn to hơn thì cũng trên cơ sở kế thừa từ hoa văn cổ và làm mới hơn, tăng số sợi và sáng tạo thêm các họa tiết mới như hình ảnh bình hoa, con người hay ngôi nhà”, bà H Yam Bkrông cho hay.
Trong đời sống hiện đại, trang phục thổ cẩm hầu như không còn xuất hiện trong sinh hoạt hàng ngày của bà con người Ê Đê ở Đắk Lắk. Tuy nhiên, trong các dịp lễ hội và các nghi lễ quan trọng, người Ê Đê vẫn mặc những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống hay cách tân có sử dụng các họa tiết hoa văn. Những họa tiết hoa văn trở thành điểm nhấn trên trang phục, tạo sự độc đáo và làm nên nét riêng biệt, dễ nhận diện của trang phục thổ cẩm Ê Đê giữa rất nhiều trang phục của các dân tộc khác cùng sinh sống tại Đắk Lắk./.
H Xíu