Hà Giang: Nghề đan lát của người Tày xã Phương Tiến
Người dân xã Phương Tiến đan các vật dụng bằng tre, nứa.
Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà sàn đã phai màu thời gian, bà Nguyễn Thị Tra, nghệ nhân đan lát thôn Nà Thài cho biết, nghề đan lát đã gắn với đời sống của người Tày bao đời nay. Trong gia đình của người Tày đây không chỉ là việc của phụ nữ, đàn ông cũng có thể tạo ra những sản phẩm như: Nón, giỏ đựng đồ, nôi… rất tinh xảo. Do vậy, từ lúc biết cầm dao đi rẫy, đi rừng, thanh niên người Tày đã được truyền dạy cho cách đan những vật dụng trong gia đình.
Các sản phẩm đan lát của người Tày là những đồ dùng thường ngày, thể hiện óc thẩm mỹ, bàn tay khéo léo của người đan, Nghệ nhân Nguyễn Thị Tra chia sẻ về kỹ thuật đan lát: “Để hoàn thiện một sản phẩm như nón, giỏ đựng thường phải trải qua nhiều bước. Ngay từ khâu trọn nguyên liệu phải cẩn thận, chọn cây tre bánh tẻ chẻ nan cho thật mảnh, dai và không bị mọt. Khi mang về nhà không được để các nguyên liệu quá lâu sẽ bị khô, khó chẻ nan và không giữ được độ dẻo thích hợp. Sau bước chọn nguyên liệu, những nghệ nhân dùng đôi tay khéo léo chẻ nan, chuốt nan đòi hỏi làm sao cho mềm, nhẵn, đều để khi đan sẽ không bị kẽ hở, như vậy sản phẩm mới chắc, bền, đẹp”.
Ngoài các sản phẩm truyền thống, nghệ nhân chọn những loại cây từ thiên nhiên để nhuộm những thanh nan mang mầu sắc bắt mắt. Với quy luật lồng đôi, lồng ba, và được kéo chắc tay khi đan đã tạo được ra những sản phẩm rất tinh sảo. Thông thường, để hoàn thành 1 chiếc nón phải mất từ 5 đến 7 ngày và được bán với giá trên 100 nghìn đồng. Không chỉ được bà con trong xã sử dụng, mà người dân ở các xã khác cũng tìm đến mua. Bởi sản phẩm bền, đẹp mà người dân hiểu được việc hạn chế sử dụng các đồ dùng bằng nhựa, nylon, vật dụng khó phân hủy. Nhờ thế, nghề đan lát đã giúp đồng bào có nguồn thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Minh, thôn Sửu, chia sẻ: Ngày xưa, khi chưa có những đồ dùng bằng nhựa, mỗi khi đến mùa gặt là thanh niên trong thôn cùng nhau đi chặt tre để đan, mãi rồi cũng thành nghề để kiếm sống. Ngày nay, mỗi khi nông nhàn, ông và những nghệ nhân khác cùng ngồi lại, nói chuyện về những sản phẩm mình đã tạo ra và truyền lại cho lớp trẻ ngày nay.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề đan lát xã Phương Tiến đang có nguy cơ bị mai một. Lớp trẻ ngày nay không mấy “mặn mà” với nghề đan lát, cùng với đó, yêu cầu kỹ thuật của thị trường ngày càng cao, trong khi đó người đan lát lành nghề nơi đây không đáp ứng được về số lượng. Đa số những người còn duy trì được nghề đan lát truyền thống là những nghệ nhân lớn tuổi.
Xã hội ngày càng phát triển, máy móc cùng lúc có thể sản xuất ra hàng loạt sản phẩm đa dạng về mẫu mã, loại hình, song ở khía cạnh truyền thống nó không thể so sánh với những mặt hàng thủ công mộc mạc lại không kém phần tinh tế, bởi cái hồn của dân tộc ẩn chứa trong từng sản phẩm. Giờ đây, dù nhiều vật dụng bằng nhựa, kim loại đã hiện diện trong mỗi gia đình ở bản làng người Tày, nhưng người dân vẫn rất ưa chuộng các sản phẩm đan lát truyền thống. Những sản phẩm ấy không chỉ có giá trị sử dụng mà còn mang tính thẩm mỹ và các giá trị về văn hóa, tâm linh của đồng bào. Vì thế, người Tày ở Phương Tiến luôn ý thức gìn giữ nghề đan lát truyền thống, dù phía trước còn không ít khó khăn.
Bài, ảnh: Nguyễn Ngân