Non nước Việt Nam

Hà Nội: Rộn ràng lễ hội đình, đền Hào Nam

Cập nhật: 21/02/2022 08:53:16
Số lần đọc: 937
Đình, đền Hào Nam là cụm di tích nằm trên đất làng Hào Nam -  một trong “Thập tam trại” của kinh thành Thăng Long xưa. Ngày nay, cụm di tích này thuộc ngõ 29 phố Vũ Thạnh (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa). Đình là nơi thờ Linh Lang Đại vương, còn đền là nơi thờ Ngọc Thủy Tinh công chúa. Đây là cụm di tích văn hóa - lịch sử đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1994 và được thành phố Hà Nội công nhận là Di tích lịch sử cách mạng - kháng chiến năm 2009.



 

Theo thần tích, Linh Lang là Hoàng tử thứ tư của vua Lý Thánh Tông, có công dẹp giặc Tống ở thế kỷ XI. Ngài được nhiều đời vua ban sắc phong, còn người dân ở 269 nơi thuộc vùng Đồng bằng Bắc Bộ thờ cúng, tôn là Thành hoàng.

Tại Hà Nội có nhiều di tích thờ ngài, trong đó, nơi thờ chính là đền Voi Phục (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình). Xưa kia, dân làng Hào Nam cùng với các làng Thủ Lệ, Vạn Phúc, Thụy Khuê, Kim Mã, Ngọc Khánh kết chạ và cùng thờ ngài. Lễ hội tri ân Linh Lang Đại vương thường được tổ chức từ mồng 9 đến ngày 15 tháng Hai (âm lịch) hằng năm tại cả 5 làng; đặc biệt, phải kể đến tục giao hảo, rước thánh, đón thánh từ các làng chạ em đến làng chạ anh Thủ Lệ và ngược lại.

Ngày nay, do nhiều nguyên nhân, lễ hội của cả 5 làng không còn được duy trì. Riêng làng Hào Nam vẫn duy trì lệ kết chạ cùng Thủ Lệ với đầy đủ các nghi lễ như rước kiệu, lễ tế tại đền Voi Phục, sau đó trở về đình Hào Nam mở lễ hội vào ngày 13 tháng Hai. Đặc biệt, trong lễ rước từ đình Hào Nam sang đền Voi Phục thường diễn ra hiện tượng “kiệu bay” ngoạn mục.

Trong lễ hội đình Hào Nam, ngoài phần lễ, tại sân đình còn diễn ra các điệu múa cổ như múa lân, múa sênh tiền, múa con đĩ đánh bồng (sau 60 năm thất truyền, năm 2008, người dân làng Hào Nam đã khôi phục và duy trì điệu múa cổ này trong lễ hội). Hình ảnh các chàng trai giả gái trong trang phục váy đen, thắt lưng hoa lý, đội khăn mỏ quạ, đeo trống bồng trước bụng uyển chuyển phản ánh quan niệm phồn thực vui tươi của người xưa. Dưới hồ nước trước cửa đình, các liền anh, liền chị tình tứ hát quan họ giao duyên trên thuyền rồng, tạo nên khung cảnh lễ hội đậm chất dân gian truyền thống.

Việc bảo tồn, gìn giữ các điệu múa cổ cùng các phong tục tập quán trong Lễ hội đình, đền Hào Nam đã góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Quỳnh Ngọc

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT