Non nước Việt Nam

Hải Phòng: Công nhận lễ hội Từ Lương Xâm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Cập nhật: 17/02/2022 05:16:59
Số lần đọc: 652
Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lễ hội Từ Lương Xâm (quận Hải An, thành phố Hải Phòng) đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.  


Lễ hội Từ Xâm. (Ảnh: Cinet)

Cụ thể, theo Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ký, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa lễ hội Từ Lương Xâm (phường Nam Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Từ Lương Xâm được diễn ra trong các ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng hằng năm tại phường Nam Hải, quận Hải An. Lễ hội nhằm tưởng nhớ Ngô Quyền và chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938.

Nội dung bản “Tiền Ngô Vương thiên tử ngọc phả lục” hiện lưu tại Từ Lương Xâm cho biết, khi kéo quân về cửa biển Bạch Đằng bố trí thế trận, Ngô Quyền sớm nhận ra vị trí chiến lược quan trọng của làng Dầm - tức làng Lương Xâm (tên cũ là Lãng Thâm) bây giờ.

Tại đây, ông đặt một đồn quân lớn là đại bản doanh chỉ huy tiền phương (còn đồn chỉ huy sở được đặt tại làng Cấm (tên chữ là Gia Viên) - khu vực trụ sở UBND thành phố Hải Phòng hiện nay), huy động nhân dân đắp thành vành kiệu, dấu vết nay vẫn còn.

Lễ hội Từ Lương Xâm được tiến hành với sự tham gia của hầu hết các làng xã trong vùng. Trong lễ hội từ Lương Xâm, hàng chục làng xã rước kiệu từ đình làng mình tới chầu. Tất cả các kiệu đều đặt ở khu đất rộng trước cửa Linh từ Lương Xâm để chấm giải. Kiệu nào nhất thì lần sau được vinh dự thay mặt cả đoàn kiệu đứng dâng lễ Thánh Vương trước long sàng. Nghi thức tế đám Ngô Vương ở từ Lương Xâm khá đặc biệt: lễ phẩm phải có một bò, một lợn, một dê mổ tế sống (cỗ thái lao), tế xong đem số thịt đó làm cỗ ăn tại đền và chia cho dân đinh; vào những năm “phong đăng hòa cốc” ở từ Lương Xâm còn có lệ hợp tế hàng huyện, hợp tế hàng tổng.

Trong lễ hội có nhiều tiết mục văn nghệ, biểu diễn ca múa nhạc dân tộc tái hiện lại chiến thắng Bạch Đằng, các trò chơi dân gian: bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, đu xuân, cờ tướng, cờ người, tổ chức giải bóng đá, bóng chuyền...

Quyết định cũng nêu rõ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục tại Điều 1 Quyết định này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Hà Chi

 

Nguồn: Báo Nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT