Dấu ấn văn hóa Tây Nguyên trong Ngày thơ Việt Nam tại Đắk Lắk
Chương trình do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk tổ chức với nhiều hoạt động độc đáo, mang đậm màu sắc văn hóa của các dân tộc.
Mở màn với phần diễn tấu chiêng đồng và nghi thức mời rượu đón khách của người Ê Đê, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 20 tại Đắk Lắk thu hút đông đảo du khách tham gia. Trong không gian mở tại Đường sách – cà phê Buôn Ma Thuột, các du khách được thưởng thức chương trình đậm chất nghệ thuật, kết hợp giữa các tiết mục diễn tấu chiêng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, ngâm thơ, vịnh thơ và nhiều hoạt động trải nghiệm như vẽ ký họa chân dung, tranh khắc gỗ, xin chữ thư pháp, triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật…
Nghi thức thả thơ trong Ngày thơ Việt Nam tại Đắk Lắk.
Nghệ sỹ Linh Nga Niê Kđăm, ở thành phố Buôn Ma Thuột, cảm nhận: "Trong đại dịch Covid-19 mình tổ chức được như thế này là quá tuyệt vời, đa dạng về thể loại và các hoạt động. Tôi thấy rất đa dạng và có sự liên kết rất đẹp, rất có văn hóa. Hi vọng rằng những ngày như thế này sẽ có thêm lượng bạn yêu thơ, yêu văn học được tăng lên, và văn hóa đọc của người Việt cũng sẽ khởi sắc lại".
Đặc biệt, trong buổi khai mạc ngày thơ Việt Nam tại Đắk Lắk đã tái hiện trích đoạn hát kể khan M’Brong Dam, kể về một nhân vật anh hùng trong sử thi Ê Đê. Đây là lần đầu tiên loại hình này được đưa lên sâu khấu, thể hiện trong không gian công cộng ở thành phố Buôn Ma Thuột. Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân, người nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên nhận xét, việc đưa hát kể khan vào nội dung chương trình đã tạo nên điểm nhấn độc đáo, riêng có của Tây Nguyên trong ngày hội thơ ca của đất nước.
"Tôi tâm đắc nhất chính là giới thiệu 'Klei Khan', tức là kể khan của người Ê Đê. Thực ra đó là một thể thơ của người Tây Nguyên, họ khai thác vần liền, vần cách, vần chân, đặc biệt là các điệp vần, họ khai thác vần trong từng câu một thì tạo ra nhịp điệu thơ văn cho câu đó. Và nhịp điệu đó lại gắn rất chặt với nhịp điệu của các làn điệu dân ca, dân nhạc Tây Nguyên. Đó là một điều hết sức thú vị" - nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân nói.
Chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục đặc sắc, đậm chất Tây Nguyên.
Với chủ đề “Hãy sống và hi vọng”, chương trình ngày thơ còn có các nội dung lan tỏa yêu thương như tặng tác phẩm nghệ thuật để bán đấu giá, gây quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo, nghi thức thả thơ gửi gắm những ước nguyện về thi ca và cuộc sống tốt đẹp.
Bà Niê Thanh Mai - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk cho biết chương trình sẽ kéo dài đến hết ngày 17/2 với mong muốn lan tỏa thêm tình yêu văn học nghệ thuật đến công chúng: "Chúng tôi rất mong muốn rằng ngày hội phải dành cho những người yêu thơ ca thật sự, vì thế trong chương trình hôm nay yếu tố và tính chất đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên được thể hiện. Và trong chương trình tối nay 'Sống và hi vọng', chúng tôi sẽ có những tổ khúc Tây Nguyên huyền thoại, nhà thơ và khát vọng, thơ và mùa xuân cùng những khát vọng tươi mới để gửi đến đông đảo công chúng, trên tinh thần mang những niềm vui đến cho những người yêu thơ ca"./.
H Xíu