Pái tòng - nghi lễ quan trọng trong đám cưới của người Dao Khâu
Lễ bái đường của người Dao Khâu thường được tiến hành từ 7h đến 12h đêm trong ngày cưới chính. Để chuẩn bị cho lễ bái đường, gia đình chú rể chuẩn bị sẵn một chiếc bàn vuông, được kê ở gian giữa cạnh bàn thờ. Ba cạnh bàn, phía trong và hai bên mỗi bên đặt một cái ghế băng dài. Trên bàn vuông đặt một bát tô gạo, trên đó cắm hai cành hoa bạc (nhàn pèng); một bát thịt mỡ luộc, hai cái khay to; từ 8-10 đôi đũa, 8-10 cái chén uống rượu; 100 hạt ngô. Phía ngoài bàn vuông, người ta trải xuống nền nhà một lớp rơm, trên đó trải hai cái chiếu đôi, hai cái chăn bông gấp nhỏ tại vị trí của cô dâu và chú rể để làm lễ.
Trước khi vào làm lễ bái đường, là thủ tục “não hùng tòng” (khuấy động cho lễ bái đường). Gia đình nhà trai chọn ra 12 bé trai dưới 12 tuổi vào ngồi quanh bàn vuông. Đội nhạc cử bản nhạc “Não hùng tòng”, các cháu trai vừa làm động tác tượng trưng uống rượu, ăn thịt, vừa hò reo, tạo nên không khí sôi động trong đám cưới. Hết nhạc, các bé trai giải tán. Lúc này bà mối làm nhiệm vụ trang điểm cho cô dâu, chú rể.
Bà Tẩn Mý Xoang - bà mối ở xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ cho biết: “Ngoài bộ quần áo cưới đã mặc, cô dâu còn thêm hai băng vải đỏ dài khoảng 4 mét, quàng chéo từ vai nọ sang nách kia, rồi kết thành một bông hoa ở cạnh sườn (gọi là caz lao shiền), vải còn thừa để thõng xuống chấm đất. Một băng vải đỏ ngắn hơn, cuốn từ trước bụng ra sau lưng, thắt lại, hai đầu còn lại để thõng xuống gót chân. Chú rể mặc thêm cái áo dài gần chấm bàn chân màu xanh (gọi là shèng san lui). Trên mình cũng quàng các băng vải đỏ như cô dâu, trên đầu chít thêm khăn đỏ có cài một cành hoa ở trước trán. Trên đầu cô dâu còn đội một cái mâm bằng gỗ nhẹ hình thang cân, hai cạnh và đáy lớn treo đầy các tua chỉ đỏ sâu hạt cườm, phía trên phủ một miếng vải đỏ, có thêu hình hoa văn, một cành bạc được cài vào giữa. Cái mâm này đã phải đội cho cô dâu từ trước khi đi từ nhà gái đến nhà trai cho tới khi bước vào buồng cô dâu chú rể mới được bỏ ra. Khi đến giờ làm lễ bái đường thì đội lại”.
Cô dâu và phù dâu trong lễ cưới của người Dao Khâu.
Trong khi trang điểm cho cô dâu chú rể, nhạc lại nổi lên từng hồi (gọi là “phàn tị shinh”), vừa mang ý nghĩa thúc giục, vừa báo hiệu cho bà con dân bản biết là lễ cưới đang ở giai đoạn chuẩn bị bái đường.
Sau khi trang điểm xong cho cô dâu và chú rể, trong tay cô dâu chú rể mỗi người cầm một chiếc khăn mặt mới, chú rể đứng bên trái phía trước bàn thờ, cô dâu đứng ngang hàng với chú rể, hai bên có hai cô gái phù dâu, tất cả đều hướng lên phía bàn thờ. Hai cô gái phù dâu bây giờ làm nhiệm vụ đứng làm trụ cột cho cô dâu vịn tay để quỳ xuống, đứng lên theo nhịp bái của chú rể.
Trong lễ bái đường của người Dao Khâu vai trò của ông thư ký (tiếng Dao Khâu gọi là “tìu phây”) là rất quan trọng bởi ông thư ký là người hiểu biết về luật tục bái đường - pái tòng. Ông thư ký phải ngồi trực liên tục bên cái bàn vuông, có nhiệm vụ điều khiển việc Pái tòng từ đầu đến cuối như hô hào người lên ngồi bên cái bàn vuông để nhận bái, ra hiệu cho đội nhạc làm việc, thống kê số lần bái của cô dâu chú rể, báo hiệu cho đội nhạc dừng làm việc…
"Bái đường khác với lạy hoặc vái trong việc hiếu. Động tác bái đường là: Chú rể, tay phải cầm khăn mặt, hai tay giang ra, khoanh lại trước ngực, đưa lên trán, cúi xuống sao cho đầu và tay ngang bằng nhau, rồi lại thẳng người, ngẩng đầu lên, hai tay thả xuống bụng, từ từ tách ra hai bên cạnh, trở lại tư thế đứng nghiêm. Đó là động tác đứng bái. Sau đó là động tác quỳ bái cũng giống như động tác đứng bái. Chú rể đứng bái ba cái, quỳ xuống bái ba cái, đồng thời cô dâu quỳ xuống và cùng đứng lên với chú rể. Như vậy được tính là một lần bái. Cứ ba lần bái như vậy thì được tính bo một người nhận bái đang ngồi ở phía trên bàn vuông" - ông Tẩn A San ở xã Phăng Xô Lin, huyện Sìn Hồ thường được bà con nhờ làm thư ký trong lễ cưới cho biết thêm về động tác bái đường và cách tính như vậy.
Trên đầu cô dâu người Dao Khâu được phủ một miếng vải đỏ có thêu hoa văn.
Lễ bái đường bắt đầu, bàn thứ nhất là bái tổ tiên. Lúc này, ông thư ký hai tay bưng một cái khay trong đó có 6 chén trà, dâng đến trước mặt chú rể, lúc này chú rể thò tay chạm vào mép khay để chứng tỏ đã sẵn sàng làm động tác bái đường. Ông thư ký hô lớn “hengz xứ ơ!” (hưởng sự nào), đội nhạc cử bản nhạc bái đường, chú rể bắt đầu bái. Cô dâu chú rể phải thực hiện bảy lần bái. Gọi là bái bảy giáp quỷ thần. Sau khi đã bái đủ số lần quy định thì ông thư ký lại hô “tuaz lâuz” (được rồi), đội nhạc dừng cử.
Bàn thứ hai là bái cha mẹ hai bên, ông bà mối và ông Thanh Thủy. Khi các thành phần đã đủ, ông thư ký lại làm động tác mời cô dâu chú rể và ra hiệu cho đội nhạc làm việc. Kể từ đây, số lần bái được tính theo đầu người có mặt tại bàn vuông. Cô dâu chú rể quỳ xuống, đứng lên ba lần thì được tính cho một người. Ông thư ký tính số lần bái bằng cách gạt từng hạt ngô theo các tính riêng của từng người. Khi đã đủ số lần bái cho cả bàn. Những người nhận bái rút từ trong túi áo của mình ra những tặng phẩm bỏ vào khay trên bàn, gắp một miếng thịt mỡ bỏ vào cái đĩa, coi như mình đã ăn, rồi giải tán. Ông thư ký lại hô hào bàn tiếp theo.
Bàn thứ ba là bái khách. Những người nhận bái là người ngoài, tức là bà con hàng xóm, anh em, bạn bè… Nhưng với điều kiện là đã có vợ có chồng, đã được bái người khác rồi, lúc này mình mới có quyền được ngồi cạnh bàn vuông để nhận người khác bái. Bàn thứ tư, thứ năm… cũng giống như bàn thứ ba, cho đến khi nào hết số người nhận bái.
Kết thúc lễ bái đường, ông Thanh Thủy làm lễ chứng nhận kết hôn cho đôi vợ chồng trẻ.
Kết thúc lễ bái đường, ông Thanh Thủy ra làm lễ kết hôn cho đôi vợ chồng trẻ. Ông căn dặn đôi vợ chồng trẻ phải ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, phải tu nhân tích đức, chăm chỉ làm ăn. Chúc hai vợ chồng chung sống sẽ nở hoa kết trái.
Lễ bái đường của người Dao Khâu ở huyện Sìn Hồ ý nghĩa là vậy nên được bà con rất coi trọng và là một nghi lễ không thể thiếu trong đám cưới của đồng bào./.
Chẻo Thu