Non nước Việt Nam

Nam Định: Gìn giữ, bảo tồn các trò chơi dân gian trong lễ hội truyền thống

Cập nhật: 11/02/2022 11:49:33
Số lần đọc: 1338
Tỉnh ta là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy được nhiều giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện sâu sắc qua các lễ hội tổ chức quanh năm. Các trò chơi dân gian trong lễ hội là sản phẩm văn hóa đặc trưng của nền kinh tế nông nghiệp lúa nước, không chỉ mang tính chất giải trí đơn thuần mà còn là kết quả của quá trình tiếp biến văn hóa hàng thế kỷ, thể hiện sự gắn bó chặt chẽ của cộng đồng dân cư.

Múa rồng trong hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Ảnh: Chu Thế Vĩnh
 
Trò chơi dân gian trong lễ hội ở tỉnh ta được chia làm nhiều loại hình: gắn với sự tích các nhân vật được tôn thờ, lịch sử hình thành và phát triển quê hương (hội trận, diễn tích trò, đi kheo, leo cầu ngô); mang tính chất nghề nghiệp (thi chế tác sản phẩm làng nghề, làm khuôn đúc, hiến xảo, dâng đồ khéo); trò chơi vừa rèn luyện sức khỏe, vừa thể hiện kỹ năng vừa giải trí (chơi đu, chọi gà, bắt vịt, bịt mắt bắt dê, thả diều sáo); mang tinh thần thượng võ của dân tộc (kéo co, đấu vật, bơi chải); các cuộc thi tài (tổ tôm điếm, tam cúc điếm, thổi cơm thi)… Lễ hội Đền Diêm Điền, xã Bình Hòa (Giao Thủy) tổ chức vào ngày 16-3 âm lịch
 
Hàng năm có nhiều trò chơi dân gian như: đấu võ, thả diều, cờ người… Hội làng xưa có lệ cho thuyền ra khơi đánh cá. Đây là nét riêng của người dân miền biển nhằm ôn lại việc làm của tổ tiên buổi sơ khai về lập ấp; đồng thời gắn sinh hoạt tín ngưỡng với việc đời, nhắc nhở người dân phát huy truyền thống cần cù lao động để cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Lễ hội Đền Ngọc Chấn, xã Yên Trị (Ý Yên) có cuộc thi bơi chải được tổ chức 3 năm 1 lần diễn lại tích “Giang chiến” của Tướng quân Đặng Dung trên sông Đáy. Vào ngày chính kị 12/3 âm lịch, dân làng Ngọc Chấn cùng dân chài lưới khắp nơi kéo về bãi bơi dự hội. Làng Ngọc Chấn chia làm hai đội bơi thôn Thượng và thôn Hạ. Mỗi đội có 19 người, gồm 16 người bơi, 1 người chấp hiệu, 1 người cầm lái và 1 người tát nước. Thuyền bơi làm bằng gỗ dổi có chiều dài 15m, rộng 1,2m, phân thành 8 phách. Trước khi thi đấu, hai đội bơi ăn mặc chỉnh tề, vai vác dầm bơi, đi hàng đôi làm lễ tế Thánh. Lễ xong, một hồi kèn vang lên, hai thuyền bơi lao nhanh xuống dòng nước trong âm thanh rộn rã của tiếng trống. Trong cuộc đua, dưới thuyền mọi người tập trung chú ý theo sự chỉ huy của người lái, trên bờ người xem cổ vũ nồng nhiệt thôi thúc sự quyết tâm của các tay chèo. Cứ như thế cuộc đua diễn ra 3 vòng bơi tượng trưng cho 3 vòng giao chiến, mỗi vòng 2km. Kết thúc cuộc đua là lễ trao giải động viên tinh thần các đội bơi. Lễ hội Đền thờ Vua Đinh, xã Yên Thắng (Ý Yên) tổ chức vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm. Nét đặc sắc của phần hội là tục tập trận cờ lau diễn ra ở Miếu Trúc phía tây làng Đồi (nơi thời niên thiếu Đinh Bộ Lĩnh cùng tướng sĩ chọn làm thao trường) do người dân hai thôn Tam Quang và Dương Hồi tổ chức. Tục tập trận cờ lau có hơn 50 người tham gia, chia làm 2 phe đánh trận giả. Mỗi bên đều có tướng, phó tướng chỉ huy, người nào cũng có gậy cầm tay. Cuộc chiến diễn ra trong 2 tiếng. Sau khi kết thúc, người dân kéo về Đền để lễ tạ. Tục tập trận cờ lau diễn tả các hoạt động tập luyện binh võ của Đinh Bộ Lĩnh và nghĩa quân với mong muốn các thế hệ sau kế thừa ý chí của vị Hoàng đế anh hùng thế kỷ X. Cũng liên quan đến các nhân vật thờ tự ở mỗi địa phương, bên cạnh các trò chơi dân gian thể hiện qua hội trận, diễn tích trò, nhiều trò chơi dân gian tại một số lễ hội còn gắn với các tục lệ như: tục cướp trái trong lễ hội Đền Tuân Lục, tục cướp “đầu Mó” trong lễ hội Chùa Lương Hàn (Trực Ninh); tục cướp cầu trong lễ hội Đền Tướng Loát (Ý Yên)…
 
Chơi chọi gà trong lễ hội Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định). Ảnh: Khánh Dũng
 
Trong các lễ hội Xuân ở tỉnh ta, trò chơi đu (đánh đu, lên đu) được nhiều địa phương tổ chức; tiêu biểu như: lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường), lễ hội làng Quả Linh, xã Thành Lợi, hội làng Hồ Sen, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản), hội làng Thanh Khê, xã Nam Cường (Nam Trực)… Theo sử cũ, trò chơi đu có từ thời Trần. Có nhiều kiểu đu với nhiều tên gọi khác nhau, song những kiểu chơi đu thường gặp trong các lễ hội là đu bay (đu tiên). Cây đu thường được dựng ở khoảng đất trống, rộng, phẳng trước sân đình làng. Mỗi lễ hội thường dựng 2-3 cây đu làm bằng thân cây tre đực, độ tuổi vừa phải, không quá già hoặc quá non, có độ đàn hồi tốt. Vào ngày hội, sau khi làm các nghi thức tế lễ trang trọng, các làng mời một cụ cao niên có uy tín trong làng kiểm tra cây đu rồi bước lên giàn “khai đu” trong tiếng trống rộn ràng. Đu bay có thể chơi 1 người (đu đơn) hoặc 2 người (đu kép) nhưng chỉ 2 người cả nam và nữ cùng tham gia mới tạo được cái thú lên đu của người trong cuộc mang ý nghĩa cầu duyên, cầu may trong dịp đầu xuân mới. Trong lúc chơi đu, người tham gia không chỉ trò chuyện, cười nói mà còn hát hò sôi động. Tính chất vui tươi, nhộn nhịp của trò chơi đu được người dân truyền miệng qua những câu ca: “Khen ai khéo chọn đu này/ Để cho trai gái chơi ngày chơi đêm”; “Chơi đu thì phải hò đu/ Bao nhiêu trai gái lên đu phải hò”. Không chỉ chơi đu, nhiều trò chơi dân gian khác mang tính chất giải trí đã đem lại nhiều niềm vui, tiếng cười cho người dân trong lễ hội như: bắt chạch trong chum ở lễ hội Đền - Chùa Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng), lễ hội làng Tống Xá, thị trấn Lâm (Ý Yên); bịt mắt bắt dê ở lễ hội Đền Hoành Nhị, thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy); leo cầu ngô ở các lễ hội Đền Vụ Nữ, xã Hợp Hưng (Vụ Bản), Đình - Chùa Hưng Lộc, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng); bắt vịt dưới hồ ở các lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, Chùa Nhân Thọ, Đền Ngọc Tiên (Xuân Trường), Đình Cả, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc)… Leo cầu ngô (đi cầu tre) là trò chơi nhằm ôn lại quá khứ tổ tiên đi làm đồng phải đi qua các con ngòi, con mương trên cây tre gác ngang làm cầu. Trò leo cầu ngô đòi hỏi sự khéo léo, đôi chân vững chắc để đi đến đích và quay trở lại bờ an toàn mà không bị ngã xuống hồ. Tham gia trò vui này, nhiều người bị ngã xuống hồ đã tạo tiếng cười sảng khoái cho người xem.
 
Thả diều sáo là trò chơi dân gian đặc sắc ở lễ hội Đền Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) tổ chức dịp đầu tháng Giêng hàng năm. Để chuẩn bị cho cuộc thi thả diều sáo, các giáp trong làng thi làm diều to, đẹp với đủ loại cánh cong (cánh cung), cánh bướm… dài chừng 3-4 sải tay. Sáo diều có nhiều loại tiếng khác nhau như: sáo còi, sáo cồng, sáo gộ… làm bằng ống trúc, ống luồng. Cả diều và sáo được người dân làm tỉ mỉ dần trở thành kỹ thuật, bí quyết riêng của làng. Đuôi diều được buộc dải phướn thường thêu 4 chữ “Thiên hạ thái bình” hoặc “Quốc thái dân an” vừa tạo tính thẩm mỹ, vừa mang ý nghĩa mong muốn đất nước thanh bình, cuộc sống của người dân no ấm, hạnh phúc. Trò chơi diều sáo ở làng Vĩnh Lại dần trở thành thú chơi tao nhã của người dân nơi đây. Chạy xỏ kim là trò vui thường thấy ở lễ hội Đình làng Hưng Lộc, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) mang ý nghĩa ôn lại cảnh xưa khi lớp người đi trước về quê hương tần tảo kiếm ăn, may vá khéo léo. Do vậy trò này chỉ dành cho nữ giới. Trò chơi chạy xỏ kim được tổ chức theo hai hình thức là chạy đường dài từ Đình qua Phủ rồi quay trở về Đình hoặc chạy 3 vòng tròn trong sân Đình. Người tham gia được phát cho 1 cây kim và một đoạn chỉ, vừa chạy vừa xỏ kim, ai xong trước trở về đích là người thắng cuộc.
 
Hiện nay, trong các lễ hội ở tỉnh ta vẫn lưu giữ, bảo tồn và phát huy được nhiều giá trị văn hóa truyền thống với nhiều trò chơi dân gian được duy trì. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập công nghệ truyền thông số phát triển tạo ra nhiều trào lưu văn hoá mới dẫn đến sự tiếp biến, đổi thay nhanh chóng của đời sống văn hóa xã hội. Lễ hội ở nhiều địa phương được xã hội hóa đã bỏ khá nhiều trò chơi dân gian thay bằng những trò chơi, giải trí hiện đại. Nhiều trò chơi dân gian đang dần mai một và không còn như: trò kéo chữ ở lễ hội Đền Vô Hoạn, thi dệt vải ở lễ hội Đền Đồng Phù, xã Nam Mỹ; hát cửa đình ở lễ hội Đình Hát, xã Hồng Quang (Nam Trực)…, thay vào đó là những sinh hoạt văn hóa khác như: cờ người, múa sư tử… Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống qua các trò chơi dân gian, những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nâng cao trách nhiệm, năng lực tổ chức, quản lý lễ hội; tăng cường quản lý văn hóa và các dịch vụ văn hóa trong lễ hội đảm bảo đổi mới nội dung lễ hội theo hướng gìn giữ, kế thừa những giá trị bản sắc văn hóa địa phương phù hợp với điều kiện kinh tế và sự phát triển chung của xã hội hiện nay.
 
Các trò chơi dân gian trong lễ hội truyền thống ở tỉnh ta khá phong phú, đa dạng nhưng đều có đặc điểm chung là mang tính tập thể, được nhân dân tổ chức sinh động dưới nhiều hình thức, có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân, nhất là dịp đầu xuân mới. Việc duy trì tổ chức trong lễ hội định kỳ góp phần động viên người dân rèn luyện thể chất, sức mạnh, sự dẻo dai, khôn khéo, ý chí vươn lên giành chiến thắng của con người. Thông qua các trò chơi dân gian còn nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá cho thế hệ trẻ. Do đó, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống nói chung, trò chơi dân gian nói riêng cần được xác định là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành và toàn xã hội./.
 
Khánh Dũng
Nguồn: Báo Nam Định

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT