Non nước Việt Nam

Điện Biên: Gìn giữ điệu Then Thái ở Mường Lay

Cập nhật: 11/02/2022 05:31:49
Số lần đọc: 913
Chúng tôi đến bản Na Nát, phường Na Lay, TX. Mường Lay, những ngày đầu xuân mới Nhâm Dần. Không quá khó để tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Vàng Văn Thức, người đã có 30 năm thực hành, truyền dạy loại hình nghệ thuật hát then của dân tộc Thái. Người dân trong vùng gọi ông là “cây đại thụ” gìn giữ linh hồn dân tộc Thái ở Mường Lay.  


Nghệ nhân ưu tú Vàng Văn Thức truyền dạy kỹ thuật hát then và sử dụng tính tẩu cho cháu gái.

Ông Vàng Văn Thức tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn khang trang mang đậm nét kiến trúc của dân tộc Thái; trên tường treo kín những bằng khen, giấy khen, giải thưởng đã được nhận trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật mà ông từng tham gia từ năm 2007 đến nay. Ông Thức chia sẻ: Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống về hát then. Do thường xuyên được nghe mẹ hát then và được theo mẹ tham gia các lễ then, tôi đã yêu thích hát then và biết hát một số bài then đơn giản. Năm 12 tuổi (năm 1974) tôi chính thức được mẹ (bà Lò Thị Khúy) truyền dạy. Tôi đã thường xuyên tập luyện và theo mẹ tham gia các lễ then. Đến năm 1992 tôi bắt đầu thực hành then thông qua việc tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Được nhân dân trong bản và các vùng lân cận biết đến, tin tưởng mời hát then mỗi khi gia đình có việc. Từ đó đến nay, tôi tham gia nhiều cuộc thi, hội thi; năm 2007, tôi tham gia Liên hoan Nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ 2 tổ chức tại tỉnh Cao Bằng và đoạt giải A. Sau đó tôi tham gia nhiều hội diễn, hội thi, giao lưu văn nghệ tại các tỉnh trong cả nước (Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Đà Lạt, Lạng Sơn...). Năm 2015 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian, tín ngưỡng dân gian. Tôi thấy rất vinh dự khi được tham gia thực hành then để xây dựng hồ sơ di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến nay, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hát then là một nghi lễ trong đời sống tâm linh của người Thái; phản ánh quan niệm về thế giới, con người trong đó có các vị thần linh, một thế giới siêu nhiên tồn tại song song với thực tại. Có nhiều lễ then khác nhau tùy theo mục đích, nhu cầu của người dân để thực hiện: Lễ then Kin Pang; lễ tế tạ (lễ tế thần nước); lễ then giải hạn; then cầu mùa màng; cầu an; cầu phúc, cầu mưa; then tạ ơn tổ tiên...

Lễ then diễn tả quá trình thầy then điều khiển âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ then; tùy từng mục đích để tiến hành lễ then như: Cầu an, cầu mùa màng, chữa bệnh, trừ tà, giải hạn, gọi hồn cho người ốm... Để thực hiện lễ then trước hết thầy then phải mặc trang phục lễ, chuẩn bị lễ cúng (mâm cúng). Các vật dụng được thầy then sử dụng trong lễ then gồm: Kiếm trừ tà, chuông, răng lợn rừng, hàm răng thuồng luồng, rìu sét đánh, chân ngựa (được làm bằng đá), sừng hươu (loại hươu nhỏ khoảng 3kg), lưỡi cày sắt... Lễ then có thể được thực hiện ở ngoài trời, tại bàn thờ của nhà thầy then, hoặc tại bàn thời tổ tiên của nhà tín chủ. Theo mục đích cầu khấn mà thầy then sẽ kêu gọi những vị thần bản địa khác nhau, hát bài then khác nhau. Khi thực hiện lễ then, thầy then mặc trang phục lễ, dùng giọng hát của mình kết hợp với gẩy đàn tính tẩu, lắc chuông, múa kiếm; bài hát lễ then cũng tùy vào mục đích cầu khấn mà hát cho phù hợp. Một lễ then được thực hiện trung bình trong khoảng thời gian 8 giờ.

Am hiểu về then, các nghi thức về then, đàn tính tẩu; và với mong muốn văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Thái được gìn giữ, lưu truyền mãi mãi nghệ nhân Vàng Văn Thức đã và đang truyền dạy những bài hát then, kỹ thuật, các nghi thức làm lễ trong then cho con cháu, người trong bản và cho tất cả mọi người có nhu cầu học. Hiện ông là thành viên đội văn nghệ quần chúng bản Na Nát, thành viên câu lạc bộ văn nghệ người cao tuổi phường Na Lay; tham gia nhiều hoạt động giao lưu, biểu diễn văn nghệ phục vụ nhiệm vụ văn hóa, chính trị tại đại phương. Ông Vàng Văn Thức  đã và đang truyền dạy kỹ năng hát then cho 6 học trò từ các huyện Mường Chà, Tuần Giáo và một số tỉnh khác như: Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh. Học trò của ông cũng đang thực hành hát then tại địa phương nơi họ sinh sống. Tiêu biểu như bà Lò Thị Quý, bản Tà Pao, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo...

Anh Nguyễn

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT