Non nước Việt Nam

Gia Lai: An Khê bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử gắn với du lịch

Cập nhật: 09/02/2022 11:00:24
Số lần đọc: 1229
An Khê là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, lịch sử và sở hữu nhiều cảnh quan đẹp của tỉnh Gia Lai. Thời gian qua, cùng với việc chú trọng quy hoạch, đầu tư trùng tu, tôn tạo các cụm di tích, thị xã đã tăng cường quảng bá, phát huy giá trị văn hóa-lịch sử vùng Tây Sơn Thượng đạo, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.


Chú trọng bảo tồn

An Khê - Tây Sơn Thượng đạo là nơi định cư sớm của người Việt trên vùng đất Tây Nguyên. Nhờ vậy mà nơi đây có nhiều thiết chế tín ngưỡng như: đình, miếu, vạn và những ngôi chùa, nhà cổ có kiến trúc đẹp, tuổi đời hàng trăm năm. Đặc biệt, An Khê cũng là cái nôi của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, gắn liền với tên tuổi 3 anh em Nguyễn Nhạc-Nguyễn Huệ-Nguyễn Lữ. Trải qua thăng trầm lịch sử, những dấu ấn của cuộc khởi nghĩa vẫn còn khá đậm nét với 6 cụm di tích, phân bố ở 4 huyện, thị xã phía Đông tỉnh. Riêng tại thị xã An Khê có 3 cụm gồm: cụm di tích lũy An Khê, An Khê đình, An Khê trường, Gò Chợ; cụm di tích Hòn Bình, Hòn Nhạc, Hòn Tào, Gò Kho-Xóm Ké và cụm di tích Miếu Xà, Cây Ké phất cờ-Cây Cầy gióng trống. Năm 1991 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Ý thức được vai trò, giá trị di tích, cấp ủy, chính quyền thị xã đã triển khai nhiều giải pháp huy động nguồn lực đầu tư hơn 67 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo khu di tích này. Mới đây, Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đã thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt.

Hàng năm, thị xã An Khê tổ chức các lễ hội lớn tại Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo, thu hút hàng ngàn lượt du khách tới tham quan. Ảnh: Ngọc Minh

Những năm qua, thị xã luôn duy trì và từng bước nâng tầm các ngày lễ lớn gắn với di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo như: lễ kỷ niệm Cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, giỗ Hoàng đế Quang Trung, cúng Quý Xuân, cúng Khai Sơn, cúng Quý Thu, Hội cầu Huê; các lễ hội văn hóa của đồng bào Bahnar và lễ hội dâu da đỏ (xã Cửu An)… thu hút hàng vạn lượt du khách. 

Bên cạnh đó, giai đoạn 2015-2019, các nhà khảo cổ học Nga và Việt Nam đã tiến hành khai quật và phát hiện các di tích sơ kỳ Đá cũ ở Rộc Tưng (xã Xuân An) và Gò Đá (phường An Bình). Phát hiện khảo cổ này đã làm thay đổi toàn bộ nhận thức của giới nghiên cứu về thời điểm mở đầu lịch sử Việt Nam, đồng thời bổ sung vào bản đồ phân bố cộng đồng người sơ kỳ Đá cũ sớm của nhân loại. Với ý nghĩa quan trọng đó, năm 2018, UBND tỉnh đã quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh và đầu tháng 11-2020, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận di tích khảo cổ thời đại Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá là di tích cấp quốc gia. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt nghiên cứu khoa học mà còn là điểm nhấn quan trọng để thị xã đẩy mạnh phát triển du lịch địa phương, trên cơ sở đó, thị xã đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để làm đường, xây hàng rào, nhà trưng bày ngoài trời tại điểm khai quật Rộc Tưng 1 và Rộc Tưng 4. Cùng với việc đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, thị xã đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng khu vực đầu đèo An Khê, hồ Hòn Cỏ, đập Bến Tuyết, biến những địa điểm này thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa
 
Xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, Thị ủy đã quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Chương trình số 43-CTr/TU ngày 26-6-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) đến các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, các ngành, các địa phương và người dân trên địa bàn nâng cao nhận thức về thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, tạo môi trường thân thiện, thu hút du khách đến các điểm du lịch, đồng thời nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển du lịch trong phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng với đó, thị xã đã tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng trở thành đô thị loại III; đặc biệt chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, tập trung tuyến đường kết nối đến các điểm có tài nguyên du lịch gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, xúc tiến, quảng bá… Trước mắt, thị xã ưu tiên đầu tư các dự án có tính đột phá như: cụm di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo, khu di tích khảo cổ sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá, điểm du lịch sinh thái đầu đèo An Khê, hồ Hòn Cỏ, đập Bến Tuyết.

Thị xã An Khê luôn duy trì và từng bước nâng tầm các ngày lễ lớn gắn với di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Ngọc Minh

Những năm qua, thị xã An Khê đã triển khai nhiều giải pháp huy động nguồn lực, đầu tư hơn 67 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Ngọc Minh

Thời gian tới, thị xã tập trung xây dựng An Khê trở thành trung tâm du lịch của khu vực phía Đông tỉnh, đảm bảo các điều kiện tốt nhất về môi trường xanh-sạch-đẹp, an ninh, an toàn và thân thiện. Phấn đấu đến năm 2025, thu hút 100 ngàn lượt khách, tốc độ tăng trưởng lượt khách hàng năm đạt khoảng 10%, tổng doanh thu du lịch đạt 50 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 8,69% và đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đặc biệt, nhằm góp phần tạo đà cho du lịch phát triển, thị xã tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức các sự kiện văn hóa, các lễ hội truyền thống theo hướng chuyên nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa du lịch; tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển; chú trọng xây dựng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch có thương hiệu, mang đậm bản sắc, tính đặc trưng của địa phương, tạo tính cạnh tranh cao và hấp dẫn khách du lịch. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý du lịch; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề du lịch cho lao động trực tiếp tham gia trong lĩnh vực du lịch.

Những năm tới, thị xã tiếp tục rà soát, lập thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh đối với một số cơ sở tín ngưỡng, kiến trúc cổ có giá trị trên địa bàn như: đình Cửu Định, đình An Cư, miếu An Tân, di tích chiến thắng suối Voi, Rộc Dứa; phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh quy hoạch chi tiết Quần thể di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo, di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tổ chức các hội nghị, hội thảo, các chuyến khảo sát (farmtrip)... tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với nội dung đa dạng, phong phú nhằm giới thiệu, xây dựng hình ảnh, sản phẩm du lịch của thị xã, từng bước xây dựng thương hiệu và đưa ngành du lịch thị xã An Khê trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Nguyễn Xuân Phước - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy An Khê

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT