Non nước Việt Nam

Hà Nội: Người Ba Vì giữ nếp nhà cổ

Cập nhật: 10/02/2022 13:02:13
Số lần đọc: 813
Ngày đầu xuân, đường về huyện Ba Vì,Hà Nội như đẹp hơn bởi màu xanh của cây đối đâm chồi, nảy lộc. Các đường làng, ngõ xóm đều phong quang, thấp thoáng trong thôn xóm là những ngôi nhà cổ nhuốm màu thời gian. Trò chuyện bên ấm trà nóng, phóng viên Báo Hànộimới được nghe kể về việc gìn giữ kiến trúc cũng như không gian văn hóa xưa. Chính quyền và nhiều hộ dân ở huyện Ba Vì đang tìm giải pháp để gìn giữ nếp nhà cổ như mong muốn sự bình an trong chính tâm hồn mình.


Ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Bá Tạo, thôn Cốc Thôn, xã Cam Thượng (huyện Ba Vì) được gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Những ngôi nhà nhuốm màu thời gian

Xã Cam Thượng (huyện Ba Vì) nằm ngay cạnh Quốc lộ 32A, đang "thay da đổi thịt" từng ngày. Nhưng thấp thoáng sau các con ngõ nhỏ vẫn còn những ngôi nhà cổ gắn với lịch sử của làng, của các dòng họ qua bao thế hệ đã tô đậm dấu ấn văn hóa nơi đây.

Pha ấm trà mời khách, ông Nguyễn Bá Tạo, xóm Đình Thôn (thôn Cốc Thôn, xã Cam Thượng), chủ nhân của ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm tự hào cho biết: "Niên đại của ngôi nhà này chưa khẳng định được chính xác, chỉ biết rằng, nhiều thế hệ gia đình tôi đã ở và gìn giữ để ngôi nhà còn được vẻ đẹp nguyên gốc. Chúng tôi quan niệm rằng, gìn giữ nếp nhà cũng là gìn giữ gia phong. Hiện nay, anh em, con cháu trong gia đình đều đã có cuộc sống riêng và ngôi nhà này là nơi mọi người trở về sum họp vào mỗi dịp lễ, Tết, hàn huyên, tâm sự và giáo dục con cháu biết trân trọng, phát huy những giá trị cha ông đã xây đắp".

Còn ông Nguyễn Tiến Liên, cũng ở xóm Đình Thôn, chủ nhân ngôi nhà hơn 200 tuổi tâm sự: "Mấy năm trước, gia đình tôi từng có ý định dỡ bỏ ngôi nhà này để xây dựng nhà mới. Tuy nhiên, sau nhiều ngày suy nghĩ, chúng tôi quyết định xây dựng ngôi nhà mới ở phía đối diện và giữ lại ngôi nhà cổ như một phần trong đời sống của gia đình".

Không chỉ ở xã Cam Thượng mới có những ngôi nhà cổ, xã Phú Sơn (huyện Ba Vì) cũng có nhiều nếp nhà cổ độc đáo nhuốm màu thời gian. Một trong những ngôi nhà đó, phải kể tới ngôi nhà của gia đình ông Chu Trương Chinh ở xóm Tả (thôn Thượng Tả, xã Phú Sơn). Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1831 và đã có 7-8 thế hệ được sinh ra và lớn lên ở đây. Nhà gồm 9 gian, xây bằng đá ong, 4 góc nhà là 4 cột trụ, đầu đắp cao theo kiểu đèn lồng; khung nhà làm bằng gỗ xoan theo lối câu đầu lộn túi, 2 mái chồng giường, cột 6 hàng chân, 12 cánh cửa bức bàn còn nguyên vẹn. Đồ thờ tự như hoành phi, câu đối, bài vị… đều được các thế hệ gìn giữ nguyên vẹn từ lúc xây dựng nhà cho tới nay.

Nỗ lực gìn giữ di sản văn hóa

Hầu hết nhà cổ ở địa phương được thiết kế 3 gian, 2 chái. Gian chính giữa dùng để thờ tự, các gian còn lại dùng để sinh hoạt. Theo công chức văn hóa - xã hội xã Cam Thượng Quách Thị Hồng, trước đây, nhiều gia đình không tính toán thấu đáo mà phá dỡ nhà cổ. Đây là một điều đáng tiếc không chỉ với các gia đình mà cả những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương. May mắn là một số hộ dân vẫn giữ được nguyên vẹn ngôi nhà, vì xem đó là báu vật cha ông để lại. Ngôi nhà không chỉ là mái ấm chở che cho các thế hệ trong gia đình khôn lớn, trưởng thành, mà còn là nơi để giáo dục con cháu về những nét đẹp truyền thống gia đình và quê hương. Giờ đây khi đã có điều kiện về kinh tế, thay vì phá dỡ, xây dựng mới, nhiều gia đình đã dành kinh phí để sửa sang, giúp ngôi nhà thêm chắc chắn.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho biết: “Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện Ba Vì còn vài chục ngôi nhà cổ, trong đó những ngôi nhà có niên đại hơn 100 năm không còn nhiều và chủ yếu ở các xã Cam Thượng, Phú Sơn. Phần lớn nhà cổ đều là sở hữu tư nhân, do vậy, việc lồng ghép giữa bảo tồn và phát huy giá trị của nhà cổ gắn với nhu cầu của người dân là hết sức khó khăn. Thế nên, cùng với việc tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức về giá trị lịch sử, văn hóa của nhà cổ, cần có những giải pháp hỗ trợ người dân trong việc bảo tồn. Huyện rất mong được các cấp, ngành quan tâm tới việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa mà cụ thể là những ngôi nhà cổ trên địa bàn nhằm góp phần lưu dấu thời gian, làm giàu thêm cho vốn văn hóa của mảnh đất Ba Vì”.

Việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung, tôn tạo các ngôi nhà cổ nói riêng là việc làm hết sức cần thiết. Chia sẻ suy nghĩ này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết thêm, hiện nay nhiều ngôi nhà cổ trên địa bàn huyện đã xuống cấp. Trong khi đó, dân số trong các gia đình sở hữu nhà cổ tăng lên, đời sống phát triển kéo theo nhu cầu về diện tích ở, nên nhiều nhà gỗ truyền thống dần được thay thế bởi nhà mái bằng, cao tầng. Vì vậy, cùng với các chính sách hỗ trợ người dân giữ nếp nhà cổ, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động chủ nhân các ngôi nhà bảo tồn, tôn tạo để gìn giữ những giá trị di sản văn hóa truyền thống.

Bạch Thanh

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT