Hà Nội: Tháp Chăm - biểu tượng văn hóa độc đáo tại ''Ngôi nhà chung''
Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 3/2008 đến 11/2012. Khu đền tháp Chăm được quy hoạch xây dựng trên diện tích 4.000m2, trục chính của khu tháp nằm theo hướng Đông Tây, toàn bộ nhóm đền tháp nằm trên quả đồi gồm các công trình: Kalan (Tháp A), Tháp cổng Gopura (Tháp C), Tháp hoả Kosaghara (Tháp B), Sân lễ hội, Hệ thống tường bao có 4 trụ tại 4 góc, 2 đường bậc lên xuống tham quan, 2 nền gạch tượng trưng cho phần móng những tháp đã mất cho thời gian và chiến tranh.
Khu đền tháp Chăm được coi là một trong những điểm nhấn trong Khu các Làng dân tộc III - khu vực tái hiện không gian văn hóa của cộng đồng dân tộc thuộc vùng Nam Trung Bộ, Nam Bộ.
Ngôi Tháp được xây dựng theo đúng nguyên mẫu và tỷ lệ tương đương với tháp Poklong Garai ở tỉnh Ninh Thuận.
Để đảm bảo sự chuẩn xác về nghệ thuật kiến trúc, xây dựng và các giá trị lịch sử, văn hoá, nhiều nghệ nhân, kỹ thuật viên, các hoạ sỹ, nhà điêu khắc, thợ tay nghề cao đến từ tỉnh Ninh Thuận trực tiếp thiết kế và xây dựng.
Một góc khu tháp Chăm.
Tháp Chăm là không gian đặc biệt tâm linh đối với người Chăm. Vì vậy, công trình xây dựng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có một ý nghĩa quan trọng với đồng bào Chăm khi ra sinh hoạt tại đây.
Đây cũng là nơi hàng năm đồng bào Chăm tổ chức các lễ hội quan trọng, mang đậm tính dân gian trong cộng đồng người Chăm.
Đồng bào Chăm tổ chức lễ hội Ka-tê tại tháp Chăm, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận thực hiện nghi thức truyền thống trong lễ hôi Ka-tê.
Trong năm, đồng bào Chăm có nhiều lễ hội, thu hút sự tham gia của cộng đồng. Trong đó có lễ hội cầu mưa, lễ hội Ka-tê, lễ hội Ranuwan, lễ hội Roya Phik-trok, lễ hội Tháp Bà Po Nagar, lễ mở cửa tháp…
Theo quan niệm người Chăm, Tháp đây là nơi để đồng bào Chăm tưởng nhớ đến những vị vua chúa đã có công với dân tộc, mang lại ấm no cho dân tộc Chăm.
Khu đền tháp Chăm còn góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm. Cùng với cảnh quan nơi đây góp phần tôn lên vẻ đẹp của bức tranh văn hoá cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Dương