Hoạt động của ngành

Hà Nội tổ chức ngày hội tôn vinh văn hóa dân gian

Cập nhật: 11/12/2020 07:50:22
Số lần đọc: 879
Từ ngày 11 đến 13/12, không gian hồ Hoàn Kiếm trở thành không gian văn hóa đậm đặc chất dân gian khi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại.


Lễ hội văn hoá dân gian trong đời sống đương đại được trang trí đẹp mắt, thu hút đông đảo công chúng.

Với việc Hà Nội được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo trên thế giới, nhiệm vụ của thành phố là tạo các cơ chế chính sách, tạo điều kiện để thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động sáng tạo văn hoá, trong đó có văn hoá dân gian, nhất là các di sản văn hoá thuộc lĩnh vực thiết kế.

Năm 2019, thành phố đã tổ chức thành công Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại lần thứ nhất, với sự tham gia của nhiều làng nghề có hoạt động thiết kế, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian. Nối tiếp thành công này, Sở Văn hoá và Thể thao tổ chức Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại lần thứ 2 tại khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm. 

Dự kiến, đây sẽ là không gian giới thiệu bức tranh di sản đa sắc màu của thành phố Hà Nội. Trong đó, khối làng nghề có là các hoạt động giới thiệu, trình diễn các nghề truyền thống như: lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), tò he Xuân La (huyện Phú Xuyên), Đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình); đậu bạc Định Công (quận Hoàng Mai); nón lá Vĩnh Thịnh (huyện Thanh Trì); áo dài Trạch Xá (huyện Ứng Hòa)...

Đây đều là những làng nghề sản xuất các sản phẩm thiết kế, đòi hỏi tính sáng tạo cao để đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Tại lễ hội năm nay, còn có không gian mỹ thuật dân gian, giới thiệu các loại hình văn hóa giàu giá trị cùng những nỗ lực trong việc bảo tồn, phục hồi và phát huy di sản ở mỗi địa phương, đó là tranh dân gian Hàng Trống; tranh ghép lụa, tranh ghép gốm, tranh thêu... của các làng nghề truyền thống Thủ đô. Đặc biệt, toàn bộ không gian được thiết kế sáng tạo, giúp du khách trải nghiệm và thực hành cùng các nghệ nhân dân gian.

Lễ hội cũng dành không gian để tôn vinh nghệ thuật trình diễn dân gian, như: Ca trù, hát dô, hát chèo tàu, trống quân, múa cồng chiêng, múa rối... Những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, thể hiện tài hoa, tình cảm, tâm hồn của con người đất Kinh kỳ, đã và đang được gìn giữ, phát huy hiệu quả.

Theo Phó trưởng Phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội), đến thời điểm này, công việc chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất. Trong đó, không gian trước và sau tượng đài Lý Thái Tổ được trang trí bằng nghệ thuật sắp đặt hết sức đẹp mắt, sử dụng các vật liệu dân gian, lấy cảm hứng từ các sản phẩm dân gian như: quạt tre, quạt giấy, nón lá... hay các dụng cụ nhà nông.

Dưới bàn tay của các nghệ nhân, những sản phẩm trên được biến hoá thành các tiểu cảnh độc đáo. Dù chưa chính thức khai mạc, nhưng không gian đã thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động khẳng định, Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại là dịp tôn vinh, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc, phong phú của vùng địa linh nhân kiệt Thăng Long - Hà Nội. Ngành văn hóa Thủ đô kỳ vọng, từ những sự kiện ý nghĩa như thế này, người dân sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thúc đẩy sức sáng tạo trên nền tảng tri thức dân gian, chung tay củng cố, phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục