Ia Pa (Gia Lai): Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch
Phục dựng lễ cúng mừng lúa mới tại thôn Ama H'Lăk (xã Chư Mố). Ảnh: Vũ Chi
Từ những “hạt nhân”
Nghệ nhân Rah Lan H’Nir là người giữ hồn làn điệu dân ca tại buôn Ia Rniu, xã Ia Broăi. Đam mê âm nhạc từ nhỏ, thuộc nhiều bài dân ca, sở hữu chất giọng cao và đầy nội lực, bà luôn đem lại sự ngưỡng mộ cho người nghe. Tự mình học hỏi từ các nghệ nhân trong buôn, 14 tuổi, bà đã bắt đầu tham gia biểu diễn trong các lễ hội. Với nhiều năm kinh nghiệm, hiện nay, nghệ nhân H’Nir có thể hát dân ca với nhiều nhạc cụ khác nhau như t’rưng, sáo, k’ni... Bà vinh dự đại diện cho huyện tham dự Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cũng như đi biểu diễn nhiều nơi. Để loại hình nghệ thuật truyền thống không bị mai một, bà thành lập nhóm truyền dạy hát dân ca và múa xoang với 40 học viên tham gia. Bà bộc bạch: “Dân ca là thể loại rất kén người hát. Phải có tâm hồn nhạy cảm, phải hát bằng chính trái tim mình thì mới có thể truyền tải được nội dung, ý nghĩa những câu hát mang đậm hơi thở cuộc sống, những giai điệu với những cảm xúc mà bài dân ca gửi gắm”.
Còn ông Ksor Kot (buôn Biah B, xã Ia Tul) là nghệ nhân đa tài với khả năng đan lát, chỉnh chiêng và tạc tượng. Năm 10 tuổi, cậu bé Kot ngồi hàng giờ bên các thợ giỏi trong làng để học đan lát và tạc tượng. Nhờ đôi bàn tay khéo léo và óc quan sát tỉ mỉ, năm 12 tuổi, Kot đã thạo nghề. Sau này phát triển thêm kỹ thuật, từ những vật dụng đơn giản, ông có thể uốn nắn, đục đẽo thành những hình thù có ý nghĩa và nhận làm dịch vụ theo hình mẫu của khách hàng đưa ra.
Ngoài đan lát, tạc tượng, ông còn học thêm nghề chỉnh chiêng. Năm 1984, ông nổi tiếng là người trẻ nhất trong vùng biết chỉnh chiêng. Nhiều bộ chiêng quý bị hư hỏng đều được ông sửa miễn phí. Từ năm 1986 đến nay, ông nhận chỉnh chiêng tại các huyện trong và ngoài tỉnh. “Muốn học nghề truyền thống, ngoài đam mê người trẻ còn phải rèn tính kiên trì, chịu khó quan sát, làm theo và biết đúc rút kinh nghiệm”-nghệ nhân Ksor Kot chia sẻ.
Gắn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch cộng đồng
Đánh giá về Đề án 02 của Ban Thường vụ Huyện ủy, ông Phạm Văn Đức-Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Ia Pa-cho biết: Qua 5 năm thực hiện, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc tại chỗ đạt được những kết quả quan trọng, vun đắp thêm đời sống tinh thần của người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện đã tổ chức 7 lớp dạy cồng chiêng, đánh đàn t’rưng với 210 học viên tham gia. Năm 2018, Hội thi văn hóa cồng chiêng toàn huyện lần thứ III thu hút hơn 300 nghệ nhân tham gia trình diễn cồng chiêng, hát dân ca, đan lát, dệt thổ cẩm…
Huyện cũng đã thành lập đoàn nghệ nhân tham dự Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Từ năm 2019 đến nay, UBND huyện tổ chức phục dựng lễ cúng bến nước tại buôn Biah A (xã Ia Tul) và lễ mừng lúa mới tại buôn Ama H’Lăk (xã Chư Mố).
Bà Nay H’Bon (buôn Rniu, xã Ia Broăi) và bà Kpă H’Yưm (buôn Plei Apa Ama Đá, xã Chư Mố) đã vận động chị em thành lập những nhóm dệt thổ cẩm. Những lúc rảnh rỗi, các thành viên trong nhóm lại tập trung dệt vải. Qua sự chỉ dẫn, góp ý, tay nghề của các chị ngày càng nâng cao, sản phẩm thổ cẩm có hoa văn sắc sảo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Ông Đức thông tin thêm: Hiện nay, Ban Thường vụ Huyện ủy giao UBND huyện xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với Đề án 02 nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào tại chỗ một cách bền vững, hiệu quả. “Huyện xác định phải biến nét văn hóa truyền thống thành sản phẩm văn hóa, từ đó hình thành và phát triển du lịch cộng đồng. Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống dựa vào sản phẩm văn hóa thì văn hóa truyền thống bản địa mới trường tồn”- ông Đức nhấn mạnh.