Hội Di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn: Nơi hội tụ và lan tỏa tình yêu với di sản
Tiết mục hát then – đàn tính do các hội viên Hội Di sản Văn hóa tỉnh biểu diễn tại phiên họp Hội nghị toàn thể hội viên năm 2019
Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội DSVH tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hội DSVH tỉnh là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, được thành lập ngày 19/11/2017. Mục đích hoạt động của hội là tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, hỗ trợ hội viên hoạt động có hiệu quả; đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Nhân dân về DSVH. Qua đó, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị DSVH, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Hội DSVH tỉnh thực sự trở thành ngôi nhà chung, “sân chơi” lành mạnh, thiết thực của các tổ chức, cá nhân quan tâm tới DSVH dân tộc. Từ số lượng hội viên là 110 người và 33 tổ chức tại thời điểm thành lập vào năm 2017, đến nay, hội có 250 hội viên và 43 tổ chức tham gia.
Để nâng cao ý thức về bảo tồn DSVH, từ năm 2018 đến nay, hội đã tổ chức 4 lớp tập huấn về DSVH cho hơn 500 người tại các huyện: Hữu Lũng, Bắc Sơn, Chi Lăng và thành phố Lạng Sơn. Qua đó, nhiều hội viên đã tích cực thực hiện và cụ thể hóa các văn bản của cấp trên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý DSVH. Ông Phí Văn Hòa, thủ nhang đền Tả Phủ, hội viên Hội DSVH tỉnh cho biết: Tham gia hội, chúng tôi được tập huấn về Luật Di sản, các nghị định, quy định về công tác quản lý DSVH… Qua đó, giúp tôi thực hiện tốt hơn hoạt động bảo vệ DSVH. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện dự án tu sửa đền Tả Phủ, tôi đã biết lập quy hoạch, báo cáo tu sửa di tích đúng trình tự, vừa đảm bảo giữ nguyên giá trị di tích, vừa phát huy giá trị di tích phù hợp với nguyện vọng của bà con.
Cùng với công tác tuyên truyền, tập huấn, hội cũng đóng góp tiếng nói có uy tín về các vấn đề DSVH được dư luận và xã hội quan tâm. Từ năm 2017 đến nay, hội đã thực hiện phản biện xã hội được 20 đề tài khoa học thuộc lĩnh vực văn hóa; tham gia góp ý vào khoảng 10 đề án nghiên cứu về DSVH tỉnh; xây dựng 4 công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về DSVH; nghiên cứu, biên soạn và xuất bản một số sách như: “Người Nùng Cháo ở Nà Lầu sinh kế truyền thống và hiện đại”; “Lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ truyền thống và hiện đại”.
Một điểm nổi bật trong hoạt động đó là hội đã kết nạp nhiều hội viên là thầy, cô giáo và học sinh tại các trường THCS trên địa bàn. Qua đó, khơi dậy tình yêu di sản, giúp các nhà trường tổ chức nhiều hoạt động bổ ích như: các cuộc thi tìm hiểu về DSVH; vẽ tranh, thuyết trình về di sản, nghiên cứu khoa học về DSVH… Cô Nông Thị Thu Hường, giáo viên Trường THCS Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tham gia Hội DSVH, tôi được dự các cuộc hội thảo khoa học, được gặp gỡ, trao đổi với các nhà nghiên cứu về DSVH của Trung ương, của tỉnh. Từ đó, tôi được nâng cao trình độ chuyên môn, tích hợp kiến thức về DSVH vào giảng dạy, hướng dẫn học sinh thi các chương trình khoa học, kỹ thuật của tỉnh về DSVH đạt thành tích cao.
Để khuyến khích hội viên, hội cũng có những hình thức động viên, khen thưởng kịp thời. Tiêu biểu, năm 2019, hội đã tặng giấy khen cho 5 tập thể và 23 hội viên có hoạt động tích cực.
Thời gian tới, Hội DSVH tỉnh dự kiến tiếp tục tổ chức thêm nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá DSVH, tăng cường phản biện xã hội về lĩnh vực này. Đồng thời, tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động hội, tăng cường tiếng nói của hội đối với những vấn đề DSVH mà xã hội đang quan tâm.