Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: A Lưới dần khôi phục du lịch để đón khách trở lại

Cập nhật: 10/12/2020 10:01:03
Số lần đọc: 757
Mưa bão, lũ quét, sạt lở vừa qua khiến nhiều cơ sở vật chất, điểm du lịch tại huyện A Lưới bị hư hỏng. Để thu hút khách trở lại, huyện A Lưới đang nỗ lực khôi phục các điểm du lịch.

Điểm du lịch ở A Nôr bị mưa bão làm hư hỏng khiến các homestay tại đây cũng vắng khách

Nhiều điểm du lịch bị hư hỏng

Tận mắt chứng kiến các điểm du lịch sau mưa bão, chúng tôi không khỏi tiếc nuối khi nhiều công trình, điểm du lịch ở A Lưới bị tàn phá do thiên tai. Tại điểm du lịch sinh thái thác A Nôr (xã Hồng Kim) có 20 chòi, sạp và một số biển cảnh báo bị cuốn trôi. Tương tự, điểm du lịch sinh thái suối A Lin (xã Trung Sơn), suối Pâr Le (xã Hồng Hạ) cũng có hàng chục chòi, sạp và một số biển cảnh báo nguy hiểm, phương tiện cứu hộ cứu đuối bị cuốn trôi. Cùng với đó, một số bảng chỉ dẫn du lịch trên các tuyến đường bị bão cuốn bay hoặc hư hỏng nặng. Theo đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới, tổng thiệt hại tại các điểm du lịch trên địa bàn khoảng hàng trăm triệu đồng.

Anh Đặng Ngọc, thành viên tổ dịch vụ du lịch ở A Nôr lo lắng: “Các chòi, sạp chủ yếu do bản quản lý hoạt động du lịch xã, làng du lịch cộng đồng và người dân dựng nên. Việc các công trình, chòi, sạp ở các điểm du lịch bị hư hỏng, cuốn trôi khiến du lịch bị ảnh hưởng, gián đoạn và cần kinh phí để phục hồi. Đây cũng là khó khăn cho người dân khi phải đầu tư lại”.

Ngay từ sau khi cơn bão số 5 và các đợt mưa lũ đi qua, UBND huyện A Lưới cùng cơ quan chuyên môn và các lực lượng chức năng đã kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các xã bị thiệt hại nhanh chóng huy động lực lượng tổng dọn vệ sinh môi trường và tính toán tìm phương án xây dựng lại cơ sở hạ tầng do mưa lũ tàn phá. Tuy nhiên, do lo ngại mưa lũ còn kéo dài, việc sửa chữa vẫn chưa được triển khai.

Sẽ sớm khắc phục

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới cho biết, huyện đặt mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm, gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, dựa trên cơ sở khai thác những lợi thế và điều kiện tự nhiên cũng như các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử. Sinh kế của nhiều người dân hiện nay dựa vào làm du lịch, vì vậy sớm khắc phục các điểm du lịch để thu hút khách trở lại là điều cần thiết.

Trên cơ sở khảo sát và đánh giá cơ sở vật chất phục vụ du lịch trên địa bàn và những thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện A Lưới đã có kiến nghị, đề xuất ngành du lịch tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí cho các điểm du lịch bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão gây ra. Hỗ trợ các xã bị thiệt hại nhanh chóng khắc phục hậu quả để tiếp tục đón khách du lịch. Đồng thời, quan tâm hơn nữa trong việc tranh thủ các nguồn đầu tư để đầu tư hạ tầng cho các điểm du lịch, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, từ xã hội hóa.

Trước mắt, ngành du lịch địa phương cùng với chính quyền các xã, thị trấn và người dân làm du lịch nghiên cứu chọn địa điểm phù hợp để đặt các chòi, sạp để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, tránh các điểm có nguy cơ sạt lở cao, sau đó sẽ sửa chữa, dựng lại khi thời tiết thuận lợi. Huyện A Lưới cũng tính toán phương án đầu tư, hỗ trợ người dân khôi phục hoạt động du lịch. Ông Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ, cho biết: “Người dân địa phương làm du lịch cộng đồng nên phương án sắp tới sẽ cố gắng huy động sức dân để sửa chữa, khôi phục các điểm du lịch. Địa phương sẽ có những hỗ trợ cần thiết”.

Theo bà Thêm, sau khi khôi phục các điểm du lịch, ngành du lịch huyện A Lưới sẽ kết nối với các công ty lữ hành du lịch trở lại để tổ chức tour tuyến. Du lịch A Lưới cũng tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tour tuyến hoàn chỉnh để giới thiệu cho du khách, nhất là những tiềm năng du lịch thông qua hệ thống các di tích lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, văn hóa ẩm thực, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, lễ hội truyền thống…

Bài, ảnh: Hữu Phúc

 

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục