Háo hức đợi Festival Gốm Biên Hòa - Đồng Nai
Nghệ nhân tạo hình và chấm men sản phẩm gốm Biên Hòa.
Cùng với những đặc trưng khác như: nghệ thuật khắc chìm, họa tiết bách hoa và nhiều gam màu tươi tắn, trong dòng chảy phát triển của đất nước, gốm Biên Hòa vẫn giữ những nét đặc trưng, đồng thời phát huy những giá trị mới trên nền tảng cũ để bảo tồn và phát triển thương hiệu gốm Biên Hòa.
Gìn giữ “hào quang” cho thương hiệu Gốm Biên Hòa xưa
Năm 1903, Trường Dạy nghề Biên Hòa (nay là Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) được thành lập. Thời kỳ này, Trường Dạy nghề Biên Hòa do người Pháp quản lý và vận hành, chuyên đào tạo thợ thủ công và một số nghề truyền thống về làm gốm, điêu khắc, đan lát, vẽ tranh…
Từ khi có trường dạy nghề, gốm Biên Hòa đã được nâng lên một tầm cao mới về tính nghệ thuật và được định danh trên trường quốc tế vert de Bien Hoa. Thời kỳ những năm 1925-1950, gốm Biên Hòa tham gia nhiều cuộc triển lãm quốc tế và đoạt nhiều giải thưởng lớn ở Pháp, Mỹ, Nhật…
Ở trong nước, gốm Biên Hòa xuất hiện ở các di tích lịch sử tiêu biểu ở Biên Hòa (Văn miếu Trấn Biên, chùa Ông, các đình, đền…) và tồn tại từ cả trăm năm, trở thành những di tích được gìn giữ, bảo tồn nghiêm ngặt trên địa bàn Đồng Nai. Nghề gốm Biên Hòa có giai đoạn phát triển rực rỡ nhất từ những năm 1900. Giai đoạn này, làng gốm Biên Hòa với hàng trăm cơ sở dọc sông Đồng Nai được hình thành, trải dài các phường: Tân Vạn, Bửu Hòa, Hóa An…
Ngày nay, trong các sự kiện liên quan đến gốm mỹ nghệ, thương hiệu gốm Biên Hòa - Đồng Nai luôn góp mặt và thu hút được sự chú ý của đông đảo người dân và du khách như: Con đường gốm sứ kỷ niệm 1 ngàn năm Thăng Long Hà Nội (năm 2010), các tác phẩm tranh ghép gốm chân dung lãnh đạo các nền kinh tế APEC tại Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại Việt Nam năm 2017, các triển lãm gốm trong nước và quốc tế…
Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho biết, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai trong dòng chảy từ tiền - sơ sử đến nay đã tạo ra một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng và mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Đối với nghề làm gốm và đồ gốm, khảo cổ học đã tìm thấy rất nhiều hiện vật đa dạng và phong phú thể hiện trình độ văn minh của tầng lớp cư dân cổ ở Đồng Nai qua các di chỉ khảo cổ như: Bình Đa, Cầu Sắt, Gò Me, Suối Linh…
Nhằm giúp khách tham quan trong và ngoài tỉnh có cái nhìn khái quát về lịch sử hình thành và phát triển, những giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế của nghề gốm mỹ nghệ Biên Hòa, trên cơ sở đó, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy một ngành nghề truyền thống có mặt lâu đời trên vùng đất Đồng Nai, từ ngày 29-11-2024 đến ngày 10-2-2025, tại Bảo tàng Đồng Nai tổ chức Triển lãm Gốm Biên Hòa xưa và nay. Triển lãm trưng bày gần 200 hiện vật, từ các hiện vật gốm phát hiện trong quá trình nghiên cứu khảo cổ học tại địa phương, cho đến dòng gốm Biên Hòa trứ danh và các sản phẩm gốm đương đại dùng trong sinh hoạt gia đình hiện nay…
Nâng tầm giá trị gốm Biên Hòa nay
Với đặc điểm nổi bật trong kỹ thuật khắc chìm và phối men nhiều màu trên sản phẩm gốm sành xốp lửa trung, kết hợp giữa trang trí và hội họa trên gốm, từ những thể nghiệm sáng tạo đầu tiên trong sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống của gốm bản địa và kỹ thuật gốm phương Tây, gốm Biên Hòa đã nhanh chóng khẳng định ưu thế độc lập và xu hướng riêng. Cùng với gốm Lái Thiêu (Bình Dương) và gốm Cây Mai (Sài Gòn), gốm Biên Hòa đã góp phần đánh dấu một giai đoạn phát triển của nghệ thuật gốm Việt Nam mang phong cách Nam Bộ trong giai đoạn cận - hiện đại.
Là họa sĩ nổi tiếng làm tranh ghép gốm Biên Hòa từ nhiều năm nay, đặc biệt là bức chân dung các nguyên thủ các quốc gia tại Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2017, họa sĩ Mai Văn Nhơn chia sẻ, theo đánh giá của giới chuyên môn, những bức tranh ghép gốm là một sự cải tiến, nâng tầm giá trị cho gốm Biên Hòa.
Sản phẩm gốm truyền thống Biên Hòa được đánh giá cao.
Theo họa sĩ Mai Văn Nhơn, gốm Biên Hòa cũng như những loại gốm khác có xuất phát điểm được tạo ra để phục vụ đời sống gia đình. Từ những năm 1900, gốm Biên Hòa từ một sản phẩm đồ gia dụng bình thường, trở thành những sản phẩm mỹ nghệ với những hoa văn, họa tiết đặc biệt. Các tác phẩm gốm Biên Hòa trở nên phong phú hơn, gốm Biên Hòa có nhiều mẫu nhất trong các thể loại gốm.
Tranh ghép gốm xuất phát từ sự yêu thích, cố gắng phát triển nghề gốm trên nền tảng tranh nhưng là tranh ghép gốm. Đặc trưng của tranh ghép gốm là không có khuôn mẫu, mỗi bức tranh đều tự phác thảo. Nhận định về tương lai nghề gốm, họa sĩ Mai Văn Nhơn cho rằng, ngành gốm có thể phát triển mạnh mẽ, những nước láng giềng như: Nhật Bản, Trung Quốc… đều đang rất phát triển ngành gốm. Tuy nhiên, ở Đồng Nai, muốn gốm Biên Hòa phát triển, cần có những chủ trương, chính sách phù hợp; người làm gốm phải có tư duy đổi mới, các sản phẩm gốm phải thích nghi được với cuộc sống hiện tại.
Họa sĩ Mai Văn Nhơn cho rằng, để phát triển những giá trị cho gốm Biên Hòa, người làm gốm cần thích ứng với xã hội hiện đại, nâng cấp tác phẩm, cập nhật xu hướng mới, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng thế hệ mới. Để bảo tồn và phát triển nghề gốm, những nghệ nhân, người thợ làm gốm cần hướng đến sự phát triển nghề gốm trên mọi phương diện, trong đó ứng dụng công nghệ trong sáng tạo các tác phẩm gốm (các ứng dụng tạo màu men, đồ họa, thiết kế mẫu…). Đừng quá tập trung vào việc phải bảo tồn máy móc theo hướng bảo thủ giữ cái cũ mà không chịu thích ứng, sáng tạo nên những cái mới.
Các tác phẩm tranh ghép gốm của họa sĩ Mai Văn Nhơn.
Giám đốc Sản xuất Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu gốm Phong Sơn (phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa) Mai Ngọc Nhi cho biết, nhiều thế hệ trong gia đình bà đã làm nghề gốm. Đến nay, Công ty Phong Sơn vẫn đang duy trì sản xuất và xuất khẩu gốm ra nước ngoài. Dù đã sản xuất gốm theo công nghệ hiện đại nhưng gia đình bà Nhi vẫn gìn giữ lò gốm truyền thống khoảng 200 tuổi.
Cũng theo bà Nhi, do có sự nhanh nhạy, cập nhật thị trường với những sản phẩm gốm thông dụng nên công ty đã nhận được nhiều đơn hàng. Đến nay, các sản phẩm gốm của Phong Sơn đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu…
Tiến sĩ Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, đơn vị từng phối hợp với UBND thành phố Biên Hòa tổ chức thành công Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát triển gốm Biên Hòa - Đồng Nai, kết hợp khai thác phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Biên Hòa, cho rằng việc bảo tồn nghề gốm Biên Hòa cần thực hiện dựa trên những yếu tố về lịch sử, văn hóa, môi trường, kinh tế - xã hội và giáo dục. Để công tác bảo tồn, phát huy những giá trị di sản, văn hóa từ gốm, đòi hỏi các cơ quan quản lý, nhà khoa học phải có sự nghiên cứu, cân nhắc để bảo đảm vừa giữ gìn những giá trị lịch sử, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu xã hội, vừa gắn kết thúc đẩy phát triển ngành du lịch cũng như các ngành kinh tế - xã hội khác.
Theo tiến sĩ Tạ Duy Linh, việc quảng bá, giới thiệu thương hiệu gốm Biên Hòa dựa trên nền tảng, giá trị về di sản văn hóa, lịch sử. Các hoạt động du lịch tham quan, trải nghiệm gốm Biên Hòa sẽ trở thành điểm đến thú vị với du khách trong nước và cả quốc tế.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, Đồng Nai sẽ tổ chức Festival Gốm truyền thống Biên Hòa - Đồng Nai vào tháng 4/2025 nhằm triển lãm, giới thiệu các sản phẩm gốm mỹ nghệ đặc sắc có giá trị thẩm mỹ và tính ứng dụng cao của nghệ nhân gốm Biên Hòa và nghệ nhân gốm cả nước. Festival Gốm Biên Hòa - Đồng Nai là dịp để các nghệ nhân gốm kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời thúc đẩy nghề gốm truyền thống, làng nghề trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế…
Ngọc Liên