Non nước Việt Nam

Hấp dẫn 10 đặc sản gây thương nhớ Mù Căng Chải – Yên Bái

Cập nhật: 11/04/2019 14:30:50
Số lần đọc: 1388
Du lịch Mù Cang Chải không chỉ được biết đến bởi phong cảnh hùng vĩ và những thửa ruộng bậc thang lưng chừng trời đẹp mê hồn mà còn ẩn chứa những sản vật vô cùng phong phú và quý giá. Nếu bạn là người mê mẩn những dải lúa vàng Mù Căng Chải, nhất định không thể bỏ qua 10 đặc sản gây thương nhớ nơi xứ Mù này.

1. Mật ong hoa rừng Mù Căng Chải

Mật ong hoa rừng Mù Căng Chải được khai thác từ chính những người dân hái táo mèo. Họ gây tổ và ong tự thu hái mật hoa rừng như hoa ban, hoa Táo mèo… để nuôi tổ. Vì vậy mật ong rừng Mù cang chải là mật ong nguyên chất 100%, vị thơm và ngọt rất tự nhiên. Mật ong có màu vàng óng, sánh đặc không chỉ có tác dụng bồi bổ sức khoẻ và chữa bệnh rất tốt mà còn là nguyên liệu nấu ăn cũng như làm đẹp rất hiệu quả.

2. Nhộng ong rừng

Nhộng ong xào mùng không phải mùa nào cũng có, nó chỉ được chế biến vào mùa ong rừng làm tổ và sinh sản (khoảng từ tháng 4 đến tháng 8). Khi lấy mật người ta lấy cả nhộng hoặc lấy nhộng của các tổ ong khác như: ong vang, ong bầu,.. Món nhộng ong thường được xào với mùng tạo hương vị thơm ngon mà vẫn giữ được hình thù của nhộng ong, còn mùng phải có màu xanh nhạt, có vị thơm béo ngậy của ong, mùi thơm của gia vị, của lá chanh… Với người dân nơi đây, món ăn này được xem là đặc sản quý hiếm của núi rừng. Món ngon dễ làm, ai cũng có thể ăn được và cũng cung cấp nguồn dinh dưỡng rất tốt.

3. Táo mèo 

Vùng Tây Bắc có nhiều táo mèo nhưng táo mèo Tú Lệ là loại ngon nhất. Mùa hoa táo mèo nở rộ vào tháng 3. Vào những ngày tháng 9, khi những cánh đồng lúa Tú Lệ thơm nức mùi lúa chín cũng là mùa thu hoạch táo mèo. Táo mèo ăn có vị chát, thường dùng để ngâm rượu. Những trái táo mèo vàng ươm, mang về rửa sạch, ngâm cùng với rượu nếp. Rượu táo mèo thơm, ngọt, càng uống càng ngọt càng say. Nếu muốn mua quà lưu niệm cho người thân, bạn có thể chọn táo mèo với giá 20.000 – 35.000 đồng một kg

4. Mận tam hoa

Ở nước ta vốn nổi tiếng với mận tam hoa Bắc Hà, Lào Cai nhưng có lẽ nhiều người dân Yên Bái dù đi xa vẫn khó có thể quên cái vị đậm, chua nhưng không gắt, hơi giòn của mận tam hoa Mù Cang Chải.Thường vào đầu tháng 5 âm lịch, mận chín và bắt đầu mùa thu hái. Giữa núi rừng bảng lảng mây nắng, những vườn mận trĩu quả, nhiều chùm còn xanh, và nhiều chùm đã ngả màu tím.

Du khách lên Mù Cang Chải vào mùa mận chín, không chỉ được ngắm và chiêm ngưỡng không gian kỳ vĩ, bao la, điệp trùng của ruộng bậc thang, những bản làng người Mông yên bình nằm nép mình chênh vênh bên vách núi đá, mà còn được thưởng thức vị ngọt chát giòn tan, mát lạnh của quả mận tam hoa khiến du khách cảm nhận được sự tinh khiết, trong lành của thiên nhiên. Mận ở đây với giá bán tại vườn, mỗi kg mận được 4.000 – 6.000 đồng, mận chọn thì được 8.000 đồng. Giá mận bán tại chợ là từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg. Chắc chắn bạn ăn no cũng không hao túi tiền.

5. Gạo nếp Mù Căng Chải 

Mù Cang Chải vốn được biết đến với những thửa ruộng bậc thang dài tít tắp từ chân núi tới lưng chừng trời. Những thửa ruộng ấy nuôi lớn cây lúa bằng tinh hoa của đất trời cùng công sức chăm sóc của đồng bào dân tộc cho ra thứ gạo trắng trong ngon dẻo. Gạo nếp cũng là một sản vật được chắt lọc từ tinh hoa đất trời ấy, thứ gạo nếp hạt tròn chắc mẩy. Gạo nếp có thể chế biến thành rất nhiều món như: xôi nếp, bánh chưng, nghiền thành bột làm bánh trôi, bánh rán,…

Nấu xôi bằng gạo nếp Mù Cang Chải khi nấu lên thì thơm ngát dẻo ngọt mà không nát dính. Nếu có dịp lên Mù Cang Chải bạn nhớ mua về một vài cân để thưởng thức dần nhé.

6. Cốm Tú Lệ

Tú Lệ vốn nổi tiếng với loại gạo nếp cho ra món xôi Tú Lệ thơm dẻo vô cùng. Tuy nhiên, ở Tú Lệ còn có một đặc sản khác đó chính là cốm Tú Lệ có hương vị thơm ngào ngạt của lúa nếp non và vị ngọt ngào thanh mát chứa đựng tinh túy của đất trời.

Để làm ra những hạt người ta dùng lúa non còn nguyên sữa gặt đem về làm cốm. Lúa để làm cốm đem tuốt, sàng bỏ rơm và những hạt thóc lép, đãi qua nước rồi cho vào chảo rang. Bếp lò để rang cốm thường phải đắp xỉ than nhưng không đốt than mà dùng củi.

Chảo rang cốm thường bằng gang đúc, có như vậy từng hạt cốm khi rang xong sẽ không bị cháy mà mềm dẻo, thơm ngon. Cốm được rang trong lửa nhỏ, đảo liên tục sao cho nóng đều. Rang xong, người làm cốm đợi nguội rồi cho từng mẻ vào cối giã. Thóc được giã đều tới khi thấy có trấu thì xúc ra xảy bỏ rồi lại giã tiếp.

Tùy theo độ non của lúa khi gặt mà người giã cốm sẽ ước lượng, trung bình khoảng 10 lần giã là hoàn tất. Côm có thể bảo quản để được thời gian dài vì vậy bạn có thể mua cốm về ăn cùng với chuối chín, trái hồng đỏ chín cây hoặc cũng có thể dùng để nấu cháo vịt, xôi nếp, chè và nêm vào các món như: nem rám, tôm rán, thịt chiên…

7. Gà đen

Cùng với danh thắng ruộng bậc thang đặc sản táo mèo cùng đặc sản gà đen là một giống gà của người Mông đã làm nên “thương hiệu” Mù Cang Chải. Gà xương đen là giống gà quý chỉ dân tộc Mông ở các huyện vùng cao mới có. Tại huyện Mù Cang Chải, giống gà này vẫn được chăn thả tự nhiên. Do chăn thả trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên như vậy nên gà có da dày giòn, thịt săn nhưng không dai, ít mỡ, thơm và có vị ngọt đậm đà. Gà xương đen thường có 3 màu chính: hoa mơ, trắng và đen tuyền.

Với bề ngoài nhỏ bé, chỉ từ 1,2 – 1,5kg/con, gà xương đen rất giống với gà rừng, điểm khác biệt lớn nhất là chân của chúng thì đen hoàn toàn. Gà xương đen là đặc sản quý, các món ăn làm từ giống gà này dù đơn giản hay phức tạp cũng có sự hấp dẫn lạ kỳ bởi phẩm chất thịt, hương vị tự nhiên đặc trưng không lẫn với bất kỳ giống gà nào khác. Các món làm từ gà xương đen như canh thịt, nướng, rang muối hay lẩu gà thật sự hấp dẫn, làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất. Nhưng hơn cả giá trị ẩm thực, gà xương đen còn là một vị thuốc quý, là nguyên liệu cho nhiều vị thuốc. Một con gà đen với trọng lượng từ 1,2 – 1,5kg, bán giá thị trường từ 180.000 – 200.000 đồng/kg.

8. Lợn đen

Lợn đen hay còn gọi là lợn “cắp nách” được đồng bào dân tộc Mông nuôi chủ yếu ở huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và các xã vùng cao của huyện Văn Chấn, Văn Yên tỉnh Yên Bái. Người Mông nuôi lợn “cắp nách” khá đơn giản, thường thì sau khi lợn mẹ sinh ra lợn con, chúng được thả rông mặc cho mưa nắng, không có chuồng trại, không được chăm sóc, những con lợn tự kiếm thức ăn từ những cây củ dại ở ngoài vườn, rừng… ăn những bắp ngô, củ sắn. Sớm phải thích nghi với môi trường sống, nên những con lợn này có sức đề kháng rất tốt, sống khoẻ mạnh.

Loại lợn này có thân hình rất nhỏ, thường chỉ nặng khoảng 10 đến 15 kg. Chính vì chúng chỉ ăn cỏ, cây củ dại rất chậm lớn lên thịt chúng rất thơm ngon, hầu như không có mỡ. Người ta chế biến thịt lợn thường quay hoặc nướng, luộc để giữ nguyên hương vị và kết hợp với hạt mắc khén. Điều tạo nên vị ngon đặc trưng của món ăn là nhờ vị ngọt của thịt lợn đen hòa quyện với hạt mắc kén được bọc trong lá dong và nướng trên bếp than.

9. Măng rừng, măng sặt

Măng sặt là loài thuộc họ tre, trúc nhưng cây chỉ to hơn ngón tay cái. Ở Mù Cang chải-Yên Bái, cây sặt mọc tự nhiên khá nhiều ở ngay trong nhiều khu vườn của người dân vùng Mường Lò, Trạm Tấu…

Sau tết khi khí hậu ấm lên, cây sặt nhú ra những ngọn măng nhỏ, nhọn, vỏ bóng, màu xanh pha màu lam vàng, mọc trồi lên khỏi mặt đất, to gần bằng ngón tay cái. Măng sặt là loại thực phẩm sạch, giá trị dinh dưỡng cao. Chất xenlulô có nhiều trong măng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, chống bệnh máu nhiễm mỡ, cao huyết áp, béo phì, trĩ, đái đường, ung thư hay bệnh vành tim.

Bên cạnh đó, măng cũng chứa hàm lượng chất xơ cao, rất giàu ma-giê trong khi hàm lượng chất béo lại thấp nên là loại thực phẩm tốt, có thể phòng trị táo bón, phòng ngừa ung thư đại tràng và các loại ung thư khác. Trong Đông y, măng có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đàm, lợi tiểu tiêu phù và cầm tiêu chảy nên được nhiều người ưa chuộng, kết hợp chế biến món ăn với chữa bệnh.

10. Mắc khén

Mắc khén đứng đầu trong các loại gia vị của đồng bào dân tộc miền núi. Cây mắc khén là loại cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu và hương thơm, trở thành huyền thoại và làm nên loại gia vị đậm đà không thể thiếu trong bữa ăn đồng bào miền Tây Bắc.

Hầu như không có bữa ăn nào quan trọng của người Thái lại thiều mắc khén. Quả mắc khén sau khi thu về, bắc chảo rang nóng. Tiếp đó, đưa vào giã thành bột mịn. Tuy nhiên để chế ra được hương vị thơm, chuyên dùng ăn với xôi nếp nương, còn phải qua nhiều công đoạn khác. Đó là dùng ớt khô bỏ hạt nướng giòn, muối rang, rau mùi tầu xắt nhỏ rang khô, tất cả đều giã thành bột mịn. Sau khi trộn đều hỗn hợp trên thì tạo thành mắc khén, một thứ bột mùi thơm hăng hắc nhưng lại dịu như vị ô mai và phảng phất chất núi rừng, thơm cay nồng nàn như hương hồi, quế./.

 

Nguồn: dulich24.com.vn
Từ khóa: Yên Bái

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT