Nem nắm Giao Thủy, món ngon ăn không chán
Theo sách vở xưa để lại, nem nắm bắt đầu được biết đến, khi phủ Thiên Trường trở thành kinh đô thứ hai của Vua Trần, các làng nghề truyền thống dần được hình thành và những của ngon vật lạ cả nước đổ về đây để dâng lên vua. Sau khi thưởng thức món nem nắm Đức Vua khen rất ngon và món nem nắm Giao Thủy cũng có lai lịch từ thời đó.
Nem nắm Giao Thủy cầu kỳ ở khâu chế biến, chính vì thế những người làm nem giỏi cũng thuộc hạng nghệ nhân, được ca tụng qua câu tục ngữ “tay nem, tay chạo”. Nem làm bằng thịt lợn nhưng đó phải là thịt nạc mông ngon của con lợn khỏe mạnh, không nuôi bằng cám tăng trọng. Ngay sau khi mổ, miếng thịt còn nóng hổi được chế biến này, tuyệt đối không được đặt xuống đất hay rửa bằng nước lạnh thịt mất độ dẻo, ngon. Sau khi lọc bì và nạc riêng rẽ, phần thịt nạc được luộc chín tới hoặc còn hơi tái, rồi thái to bản, dọc thớ những phải thật mỏng, rồi dùng sống dao dần cho mềm. Còn phần bì, được làm lông bằng nước nóng, luộc rồi lạng mỏng, thái nhỏ sao cho dài, trắng và đều.
Một trong những điều làm nên mùi thơm của nem nắm Giao Thủy chính là thính, thính phải làm từ gạo tám thơm Nam Định mới dậy mùi thơm ngào ngạt. Gạo tám thơm ngâm trong nước qua một đêm rồi để ráo nước, sau đó đem rang lên rồi xay thành bột, khi gạo có màu vàng ngà ngà, thơm phức, vị ngậy là đạt tiêu chuẩn. Gia vị không thể tách rời của nem nắm Giao Thủy là nước mắm Sa Châu (thuộc xã Giao Châu huyện Giao Thủy, Nam Định) đây là thứ nước chấm được làm theo cách cổ truyền cũng rất nổi tiếng. Người dân sành ăn ở đây cho biết, nem nắm Giao Thủy ăn cùng nước mắm Sa Châu mới ngon đúng điệu.
Đem 3 thứ thịt, bì, thính trộn đều cùng nước mắm, tỏi, vừa trộn vừa bóp kỹ, sao cho mắm hòa cùng với tỏi ngấm đều vào thịt, thịt quyện lấy thính, thính bám chặt lấy bì thành quả nem rồi đem bọc trong lá sung và là chuối để nem lên men và chín.
Ăn nem nắm không thể ăn riêng rẽ từng thứ một mà phải hòa trộn, mới thực sự lan tỏa hết độ ngon, độ hấp dẫn của nó. Hãy trải một tấm lá sung làm nền, trên đó là đinh lăng, lá mơ, ngọn húng rồi rải một lớp nem, nhẹ nhàng cuốn chặt lại, chầm chậm chấm vào bát nước chấm Sa Châu rồi thong thả đưa lên miệng nhai. Vị ngọt bùi, đậm đà của thịt lợn, giòn dai của bì, thoang thoảng hương thơm hăng nồng của tỏi xen với vị thơm phức của thính. Thêm vào đó là cái bùi bùi, chan chát của lá sung, hăng cay của lá đinh lăng cùng với vị mặn ngọt đậm đà của nước chấm. Tất cả quyện lại làm người ăn nhớ mãi không quên./.