Trái giác – Đặc sản Cà Mau
Giác là loại dây leo hoang dại, sống bám theo các hàng rào, cây bụi, lau sậy, rừng thưa,…Chúng sinh trưởng rất nhiều tại các vùng đất ngập mặn và đất phèn. Dây giác có sức sống rất mãnh liệt, vào mùa nắng dây giác tàn nhưng mùa mưa đến lại đâm chồi và phát triển mạnh. Trái giác có hình nút áo, hơi dẹt, dính với nhau thành từng chùm. Khi còn non, trái nhỏ như hạt đậu xanh. Càng lớn, trái to khoảng đầu ngón tay út. Trái chín có màu tím hoặc đen thẫm tựa như trái nho chín. Vì vậy, người dân ban tặng cho trái giác một cái tên rất mỹ miều là trái “nho rừng”.
Với người dân Cà Mau, trái giác rất gần gũi trong những bữa cơm hằng ngày. Trái giác non có vị chua chát, đến khi già sẽ chuyển từ chua thanh sang chua ngọt. Với sự tài tình và sáng tạo, người dân đã đem trái giác kết hợp hài hoà với những sản vật hiện có dưới tán rừng để chế biến thành những món ngon mang hương vị đặc trưng của vùng đất địa đầu cực nam tổ quốc như kho cá hay nấu canh chua.
Có người thích nấu trái giác còn xanh, người lại thích sử dụng trái chín để nồi canh chua, nồi cá kho có màu tím phơn phớt trông đẹp mắt. Nhưng với những người sành ăn thì canh chua trái giác ngon nhất là nấu với trác giác gần chín nhưng vẫn còn xanh sẽ làm cho nồi canh có vị chua thanh. Để nồi canh chua đậm vị, trái giác sau khi hái về rửa sạch thì cho vào nồi nấu mềm sau đó nghiền nát, lọc lấy nước. Món canh chua sẽ ngon và kích thích vị giác hơn khi có sự hoà quyện giữa cá đồng: cá lóc, cá rô hoặc lươn với các loại rau “cây nhà lá vườn” như: rau muống, bông súng, bông so đũa, ngò om và một số gia vị khác. Điều này sẽ làm ngây ngất những ai đã từng thưởng thức qua và không bao giờ quên được hương vị đậm chất đồng quê này.
Trong chuyến hành trình khám phá về phương nam, nếu du khách đã thử qua món canh chua trái giác cá đồng thì hãy tranh thủ thưởng thức thêm món cá nâu kho trái giác. Cá nào kho với trái giác cũng ngon và lạ miệng nhưng hấp dẫn nhất vẫn là cá nâu. Cá nâu là loại cá có thể sống ở môi trường nước mặn lẫn nước lợ. Thịt cá béo, mềm, thơm ngon. Vì vậy, khi thưởng thức món cá nâu kho trái giác thì vị ngọt, dai, béo của cá nâu, hòa lẫn vị chua thanh rất “đặc trưng” của trái giác như khơi dậy mọi giác quan của người thưởng thức, khiến những ai đã từng nếm thử sẽ đắm say. Muốn ngon và hấp dẫn hơn, thực khách có thể ăn kèm cá kho với các loại rau rừng như bồn bồn tươi, bông súng, … Đúng là một món ngon tuyệt, ít có món kho nào sánh kịp.
Trước đây, trái giác chỉ có tác dụng như một gia vị. Đến mùa, người dân hái về phục vụ bữa ăn. Nhưng hiện nay trái giác chín có thành phần hóa học và mùi vị như trái nho nên nó cũng được sử dụng để ủ rượu. Rượu trái giác được sản xuất bằng công nghệ lên men tự nhiên vì vậy rượu sẽ lưu giữ những gì tinh túy nhất của “hương đồng cỏ nội”.
Để sản xuất loại rượu này, người ta dùng trái giác ủ chung với đường để lên men. Sau một thời gian lên men, từ hỗn hợp này sẽ cho ra đời một loại mật có màu đỏ tím. Khi dùng có thể pha rượu trái giác với rượu nếp hoặc rượu gạo, tuỳ sở thích của mỗi người mà có thể tăng giảm tỷ lệ cho phù hợp.
Đến với Cà Mau, ngoài những giây phút bồng bềnh trên sông nước, trải nghiệm cảm giác len lỏi giữa những cánh rừng đước, rừng tràm, thoải mái đắm mình vào không gian xanh của thiên nhiên, du khách còn có thể tìm đến để thưởng thức các đặc sản “có một không hai” . Đặc biệt là cảm giác sau khi được trải nghiệm mọi thứ, trên bàn ăn cầm một ly rượu trái giác nhâm nhi thì không gì có thể sánh bằng. Ngoài ra, rượu Trái giác cũng chính là món quà của Cà Mau dành cho du khách phương xa mua về làm quà tặng cho những người thân yêu của mình, minh chứng cho một lần đến với Cà Mau./.