Hấp dẫn Bảo tàng Ama H’Mai trên đại ngàn Tây Nguyên
Bảo tàng Ama H'mai có kiến trúc hiện đại nhưng vẫn mang dáng dấp ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Ê đê. Ảnh: Hoàng Tâm
Bảo tàng Ama H’mai thuộc sở hữu của vợ chồng ông Mẫn Phong Sơn và bà H’Hoa Kpă. Với sự đam mê và trân quý các tộc người ở Tây Nguyên, ông Sơn đã miệt mài sưu tầm, nghiên cứu các hiện vật liên quan đến văn hóa Tây Nguyên và ấp ủ không gian riêng để trưng bày các hiện vật mà mình sưu tầm được để giới thiệu đến với mọi người, nhất là thế hệ trẻ, góp phần nhỏ bé của mình giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của vùng đất Tây Nguyên.
Các hiện vật được trưng bày trong bảo tàng là tâm huyết mong muốn bảo tồn vốn văn hóa truyền thống quý báu ngàn đời của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Tâm
Bảo tàng được thiết kế theo phong cách hiện đại nhưng vẫn mang đậm nét kiến trúc nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Ê đê. Với diện tích khoảng 200 mét vuông, nơi đây trưng bày hơn 1.000 hiện vật.
Toàn bộ đều là những hiện vật gốc, quý hiếm và lâu đời liên quan đến đời sống, vật chất, tinh thần, công cụ lao động sản xuất, sinh hoạt, trang sức… của đồng bào các dân tộc tại Tây Nguyên như gùi mây, bộ chiêng của người Ê đê, M’nông, Bahnar, Gia rai, những tài liệu cổ, tranh ảnh, bản đồ… liên quan đến văn hóa Tây Nguyên.
Các nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên được lưu giữ và trưng bày ở Bảo tàng Ama H'mai. Ảnh: Hoàng Tâm
Đặc biệt, tại bảo tàng Ama H’mai, chóe chính là điểm nhấn với rất nhiều loại chóe quý hiếm với các kích thước và hình dáng khác nhau như chóe tuk, chóe tang, chóe ba, chóe bô, chóe mẹ bồng con… mỗi loại mang một vẻ đẹp riêng với những câu chuyện lịch sử huyền bí đầy ý nghĩa.
Điểm nhấn của Bảo tàng Ama H'mai chính là bộ sưu tập chóe quý. Ảnh: Hoàng Tâm
Các hiện vật được trưng bày ở bảo tàng rất đa dạng, được bố trí theo lối truyền thống rất đặc trưng của văn hóa gia đình mẫu hệ người Ê đê, giúp du khách tham quan có cảm giác như được đến với sự gần gũi, ấm cúng trong ngôi nhà dài truyền thống của bà con Ê đê.
Ông Mẫn Phong Sơn chia sẻ: Rất nhiều thứ trong buôn không còn nữa được lưu giữ ở đây. Mỗi hiện vật đều mang một thông điệp riêng nhưng thông điệp chung đó chính là sự phục sinh giá trị văn hóa của cha ông để lại, qua đó giáo dục ý thức tự hào về di sản văn hóa cho lớp trẻ ở buôn làng, tự hào về văn hóa của cha ông.
Các vật dụng trong sinh hoạt của đồng bào Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Tâm
Bảo tàng Ama H’mai chính là nơi lưu giữ hồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên với các hiện vật truyền thống, quý giá và in đậm giá trị văn hóa tinh thần trong đời sống đồng bào từ những năm tháng xa xưa.
Hoàng Tâm