Hiến kế nâng cao chất lượng du lịch Hội An (Quảng Nam)
Giảm tải ở phố cổ
Một trong những nội dung được quan tâm và thảo luận nhiều nhất tại buổi tọa đàm chính là giải pháp giảm tải áp lực cho khu phố cổ Hội An vốn đang quá tải lượng khách nghiêm trọng. Chỉ trong một phạm vi không gian rất nhỏ, trung bình mỗi ngày khu vực này đón khách hơn 8 nghìn lượt khách du lịch, cao điểm có lúc lên đến 10 nghìn người. Điều đáng nói là hầu hết lượng khách tham quan chủ yếu vào khung giờ chiều đến tối dẫn đến không gian càng bí bách.
Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT và TT-TH Hội An cho biết: “Rất bị động trong việc nhận danh sách khách tham quan từ các đơn vị lữ hành và sẽ cố gắng khắc phục sớm bằng việc kết nối để nắm rõ lượng khách nhằm điều tiết dễ dàng hơn”. Cũng theo ông Đông, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu việc cấm xích lô vào khung giờ cao điểm ở khu vực phố cổ và cấm ô tô lưu thông trên trục đường Phan Châu Trinh, thậm chí đưa tuyến này thành phố đi bộ bởi lưu lượng xe quá đông dẫn đến cản trở khách tham quan.
Trước ý kiến của một số đại biểu về việc cần giới hạn lượng khách vào phố cổ, đại diện một số doanh nghiệp đã có ý kiến không đồng tình và đưa ra các giải pháp khác để cân đối lượng khách. Ông Lưu Văn Anh - chủ một doanh nghiệp hoạt động trong khu vực phố cổ nói: “Điều chúng ta cần là tổ chức các đêm hội hấp dẫn ở vùng ven để du khách cảm thấy hứng thú và tự tản ra đó, việc tổ chức các đêm hội luân phiên trong tuần ở Trà Quế, An Bàng… sẽ giúp lượng khách vào khu vực phố cổ được điều tiết hơn”.
Đề xuất nghiên cứu tăng giá vé để đảm bảo công tác bảo tồn cũng như tăng chất lượng dịch vụ, ông Nguyễn Trọng Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam gợi mở: "Chúng ta cần nghiên cứu để bắt buộc các đơn vị lữ hành phải đăng ký trước để khách của mình tham quan phố cổ, còn khách không đăng ký và khách lẻ có thể đưa ra một mức giá cao hơn để khuyến khích nhóm khách này quay lại đăng ký theo khuôn khổ".
Giảm thiểu những hạn chế
Vẫn những vấn đề tồn tại dai dẳng từ lâu nhưng luôn mang tính thời sự, các giải pháp giải quyết tình trạng phá giá du lịch Cù Lao Chàm, phát triển bền vững du lịch sinh thái hay các tiêu chí chuẩn mực để phát triển homestay đúng hướng… đã được đưa ra một cách thẳng thắn và mang tính xây dựng.
Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng: “Nói gì thì nói, thương hiệu du lịch Hội An lâu nay được cấu thành từ ba thành tố: tài nguyên văn hóa – thiên nhiên, con người và quản lý hệ thống từ nhà nước. Chỉ cần một trong ba thành tố này lỏng lẻo, bào mòn thì du lịch Hội An lập tức sẽ không còn hấp dẫn trong mắt du khách”.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn cho rằng, nên chăng có sự phân luồng các tuyến đưa khách ra Cù Lao Chàm theo dòng khách cao cấp, trung bình và chuyên phục vụ vận chuyển khách. Những đơn vị nào được phân cấp phục vụ khách cao cấp, phải huấn luyện lại nghiệp vụ cho nhân viên ở mọi khâu để đúng chuẩn phục vụ dòng khách này”.
Các nhận định cùng chung mối lo ngại về việc phát triển hệ thống homestay trên địa bàn Hội An hiện nay đưa ra tại tọa đàm. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận: “Rất tiếc hệ thống homestay ở Hội An hình thành khá sớm nhưng thời gian qua ngày càng đi tụt lùi chỉ chú tâm vào việc cạnh tranh buồng phòng mà đi chệch hướng hoàn toàn so với tiêu chí của dòng sản phẩm này”.
Ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Homestay Quảng Nam nói: “Dòng sản phẩm homestay đang quá lãng phí tài nguyên du lịch sinh thái khi bán phòng với giá rẻ. Chúng ta cần tạo một hệ sinh thái phụ trợ cho dòng sản phẩm để khai thác hiệu quả, kích thích chi tiêu của du khách thay vì chỉ tập trung vào tăng số lượng buồng phòng như hiện nay”./.