Xây dựng thương hiệu gắn với văn hóa địa phương
Vốn là người thường xuyên đi đến nhiều nơi, lại có đam mê với ẩm thực, anh Vũ chia sẻ đã dành khá nhiều thời gian tìm hiểu về ẩm thực địa phương, về cách thức hoạt động cũng như kinh doanh của các món ăn truyền thống. Anh nhận thấy, ẩm thực của Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng rất phong phú, độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa vùng miền. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn bị “đóng khung” trong tư duy buôn bán nhỏ lẻ. Đơn cử như với món bánh xèo dân dã của người miền Trung. Đa phần món ăn này được bán trong những quán ăn nhỏ hoặc quán ăn vỉa hè, điều này rất khó để khách du lịch là người nước ngoài chấp nhận. Vì vậy, anh Vũ muốn nâng tầm món ăn dân dã địa phương này lên để phục vụ du khách trong nhà hàng để khách được trải nghiệm ẩm thực tại một không gian rộng rãi, thoải mái.
Anh Vũ bày tỏ, thực ra, khi chọn xây dựng thương hiệu ẩm thực Xèo, điều anh mong muốn lớn nhất chính là mang lại sự trải nghiệm thoải mái của thực khách khi thưởng thức ẩm thực địa phương. Khi bắt đầu xây dựng thương hiệu, anh Vũ đã lên ý tưởng cho từng món ăn. Chẳng hạn, cùng là món bánh xèo nhưng ở xứ Quảng sẽ được chế biến khác, ở Bình Định sẽ mang hương vị khác hay cách chọn rau ăn kèm theo cũng là một câu chuyện về làng nghề...
Một trong những yếu tố anh Vũ muốn xây dựng tại hệ thống ẩm thực Xèo chính là sự thân thiện dành cho khách hàng. Đó là phải mang đến cho họ những cảm nhận, năng lượng tích cực từ thái độ hòa nhã, gần gũi, đúng mực khi phục vụ, chăm sóc khách hàng. “Doanh nghiệp phải là người hiểu rõ nhất giá trị mà khách hàng mang đến cho mình để từ đó có những hướng đi cho phù hợp. Ý thức được điều đó nên ngoài món bánh xèo, các món ăn tại ẩm thực Xèo đều có những câu chuyện của riêng nó được kể khi khách đến thưởng thức. Có lẽ nhờ sự khác biệt này mà ẩm thực Xèo đang dần được rất đông người dân địa phương và du khách yêu thích”, anh Vũ chia sẻ.
Ngoài món ăn mang tính địa phương, gắn với văn hóa địa phương, không gian tại hệ thống ẩm thực Xèo cũng được chăm chút rất kỹ lưỡng, đa phần được trang trí từ những món đồ thủ công mỹ nghệ, dân dã như bộ bàn ghế gỗ mang hơi hướng cổ xưa, tranh treo dân gian, đồ ăn được đựng trong những đồ tre đan thủ công.... Anh Vũ chia sẻ: “Thay vì chạy theo sự hiện đại thì tại sao mình không cho du khách thấy được những món đồ thủ công được người Việt làm một cách tinh xảo, khéo léo như thế nào? Đây cũng là một cách ngầm giới thiệu với du khách về văn hóa đặc trưng của người bản địa.” Sắp tới đây, anh còn ấp ủ những dự định bài trí món ăn gắn với những hình ảnh, tiểu cảnh đặc trưng của địa danh đó, để tạo sự khác biệt./.